Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cán cân thương mại bốn tháng đầu năm 2017 nghiêng về nhập siêu 2,74 tỷ USD gia tăng sức ép lên tỷ giá. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối đủ lớn để có thể giữ tỷ giá ổn định trong thời gian tới.
Tỷ giá chịu áp lực lớn do sức ép nhập siêu.
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo trong năm 2017, tỷ giá chịu áp lực lớn nhất từ phía cầu ngoại tệ do sức ép nhập siêu gia tăng (dự báo cán cân thương mại có thể thâm hụt ở mức tương đương 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu).
Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ và yếu tố quốc tế tiếp tục hỗ trợ làm giảm áp lực lên tỷ giá.
Cụ thể, nguồn cung ngoại tệ dồi dào đến từ nguồn vốn FII (mua bán sát nhập) và FDI tăng mạnh; Chỉ số Bloomberg Dollar Index nhiều phiên giảm liên tiếp, giảm áp lực đáng kể lên tỷ giá VND/USD; Việc FED tăng lãi suất trong ngắn hạn cũng chưa gây áp lực đối với tỷ giá do hiện nay chênh lệch giữa lãi suất VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND (hiện đang ở mức 5,2%).
Về dài hạn, với lộ trình tăng lãi suất thêm nhiều lần của FED trong các năm tiếp theo với mục tiêu nâng lên mức 3% vào cuối năm 2019, tỷ giá có thể sẽ chịu áp lực lớn hơn.
Đặc biệt là xu hướng mất giá mạnh của đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ tác động lớn đến kinh tế Việt Nam do thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đang có xu hướng tăng, từ mức 23,7 tỷ USD trong năm 2013 lên mức 28 tỷ USD trong năm 2016.
Nếu so với GDP, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc là 14%, cao hơn nhiều mức 2% thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Tính đến ngày 20-4-2017, tỷ giá ngân hàng thương mại quanh mức 22.740 VND/USD, giảm 0,12 % so với đầu năm, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,52% so với đầu năm và hiện bám khá sát với tỷ giá của các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm đã điều chỉnh tăng 0,77%. Điều này cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã có động thái điều chỉnh tỷ giá theo từng bước nhằm tránh những cú sốc về chính sách tỷ giá trong thời gian tới.
Áp lực lên tỷ giá không đáng ngại
Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Học viện Kinh tế tài chính, nhận định, nói chung, nhập siêu có gây áp lực lên tỷ giá nhưng không đáng ngại vì quy mô nhập siêu chỉ khoảng ba tỷ USD, trong khi dự trữ ngoại hối hơn 40 tỷ USD. NHNN hoàn toàn có thể giữ tỷ giá ổn định trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đức Độ cũng cho rằng, hiện tại đồng USD đang giảm giá trên thị trường thế giới và điều này có lợi cho các DN xuất khẩu của Việt Nam. Nếu đồng USD từ nay cho đến cuối năm không tăng giá mạnh, khả năng NHNN sẽ ổn định tỷ giá VND/USD ở mức như hiện tại.
Vị chuyên gia tài chính này dự báo, về tổng thể, tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ ổn định. Cho dù đồng USD trên thị trường quốc tế tăng giá trở lại, NHNN cũng sẽ không để tỷ giá VND/USD tăng mạnh vì còn phải thực hiện mục tiêu ổn định lãi suất theo yêu cầu của Chính phủ.
Nguồn Báo Nhân dân