Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Trên chuyến tàu trở lại Sài Gòn, trong hành lý của Mười có quyển sổ bìa xanh gáy lỏng xộc xệch, chực xổ tung. Bữa ở quê sau khi mãn tang mạ, anh chị em trong gia đình bàn tán sôi nổi, giữ hay không giữ lại ngôi nhà nhỏ của mạ nằm sâu trong kiệt.
Anh cả ngồi ở ghế giữa nhà chỗ mạ hay ngồi ngoáy trầu nhăn trán hồi lâu rồi nói, thôi bán vậy. Sau dịch giã mọi người khó khăn vì công ăn việc làm bấp bênh, buôn bán ế ẩm, bán chia ra mọi người một ít qua cơn thắt ngặt này đi. Mọi người ai nấy thở phào nhẹ nhõm vì cuối cùng cũng có người nói thay suy nghĩ ấp ủ bấy lâu. Vậy là tiếng nói cười lại rộn lên trong căn nhà nhỏ.
Chị hai đảo vô bếp một lát sau quay lên nói em lấy bộ nồi mạ hay nấu chè về làm kỷ niệm. Anh ba gõ gõ vô bộ ván ngựa mấy anh chị em đang ngồi nói để đem về cho tụi nhỏ có chỗ nằm, hoặc bắc ghế ngồi bên dưới viết bài cũng được. Mọi người kéo ngăn tủ thấy có xấp tiền xếp ngay ngắn theo từng mệnh giá.
Đếm được hai triệu mốt. Các anh, chị trong nhà đẩy cho Mười nói cầm đi tiền tàu xe. Mười đẩy lại nói để dành anh cả lo nhang khói cho mạ. Mười thấy quyển sổ long gáy nằm chỏng chơ trên bàn, nói em muốn xin quyển sổ này đem vào Sài Gòn. Anh cả cầm quyển sổ lên lật lật như tìm gì trong đó, chị hai, chị ba cũng chạy lại cầm quyển sổ ngắm nghía. Hồi lâu anh cả nói cho Mười đem theo vì gọn nhẹ và coi như cũng có chút kỷ niệm với mạ.
* * *
Buổi tối. Mười chờ Sâm đến đón. Mười và Sâm quen nhau đã năm năm từ lúc Mười học năm cuối đại học đi thực tập tại công ty Sâm. Lúc đó, Sâm đã xấp xỉ ba mươi nhưng chưa vợ. Mỗi đợt tết đến xuân về, dịp họ hàng sum họp, thế nào Sâm cũng bị hỏi chừng nào cho mọi người ăn cưới? Sâm cười bâng quơ trai ba mươi tuổi còn son, đợi đã. Đợi đến bao giờ? Sâm cười không trả lời.
Còn trả lời là còn hỏi. Vấn đề không phải thời gian khi nào mà là gặp người thế nào. Sâm hình dung mình cưới một cô gái Huế đảm đang vén khéo như mẹ. Lương Sâm không thấp, không cao nhưng cho dù có cao mấy mà gặp người bung thùa thì cũng chẳng còn gì. Vậy mà Sâm lại ưng Mười.
Mười không có điểm gì như Sâm hình dung về người trong mộng. Giọng Mười là giọng Huế phai phai. Tóc uốn xoăn tít nhuộm vàng hoe. Món ăn Mười nấu giỏi nhất là trứng chiên. Sâm có mấy lần giục Mười đi học nữ công gia chánh. Mười cười xoà. Đây. Bao nhiêu bí kíp công thức nằm ở đây.
Muốn món gì cứ gõ vào mục tìm kiếm trên YouTube. Mà cũng không cần gõ, chỉ cần đọc tên món ăn như đọc thần chú cách nấu ăn sẽ hiện ra ngay tức khắc kèm theo minh hoạ. Không biết có phải vì vậy không mà gia đình giục Sâm dẫn người yêu về mấy lần nhưng Sâm lần lựa mãi cho tới hôm nay.
Mười gọi Sâm mãi chẳng thấy trả lời. Nhắn tin qua Zalo thấy báo tín hiệu đã xem nhưng không có hồi âm. Mười nằm sải lai trên ghế bố lướt điện thoại. Cả một hệ sinh thái giải trí ở đó. Muốn xem nhạc có nhạc, chèo có chèo, cải lương, tuồng… không thiếu một bộ môn nào kể cả nghệ thuật thứ bảy.
Mãi mà người yêu chưa đến, Mười chuyển qua xem tin tức. Vẫn chưa tới. Từ ngày xài điện thoại thông minh, Mười đã quên dần thói quen đọc sách. Lâu lâu cũng thấy áy náy bao lâu rồi mình chưa cầm tới cuốn sách. Lướt trên mạng thấy sách hay cứ mua về để đó nhưng hầu như mấy năm rồi sách vẫn còn nguyên cả bọc nhựa chưa khui.
Mười sực nhớ bữa ở quê ra chưa dỡ hành lý. Vậy là làm. Quyển sổ bìa xanh gáy long xộc xệch làm Mười thoáng nghĩ. Mình đem nó vào đây để làm gì? Có phải thật lòng muốn giữ kỷ vật của mạ hay cao ngạo tỏ ra ta đây chỉ quan tâm đến giá trị tinh thần. Dù gì Mười cũng là người học cao nhất trong gia đình.
Mười bâng quơ mở từng trang. Những dòng chữ nguệch ngoạc lên xuống như leo dốc xuống thang. Gửi các con của mạ… Suốt cuộc đời của mạ dù đã siêng năng cần mẫn chắt chiu vẫn không có gì có giá trị để lại cho các con. Ngôi nhà nơi các con lớn lên là của ông mệ nội cho ba mạ khi ra riêng.
Phần mạ chỉ để lại cho các con chút này… Điện thoại đổ chuông. Mười cầm lấy điện thoại, dỗi sao giờ này anh mới gọi lại. Sâm phân trần phải ghé tiệm mua ít thức ăn nên đón Mười trễ, anh đang chờ Mười ở cổng. Mười chỉnh lại trang phục, đầu tóc rồi lên xe đi, để lại quyển sổ của mạ nằm chỏng chơ trên ghế bố.
* * *
Mười thở phào khi Sâm đưa cho bịch thịt heo quay bánh hỏi, nước chấm cũng được cửa hàng kèm theo. Vậy là chỉ việc bày biện ra, mời mọi người ăn. Sau đó, Mười chỉ việc dọn chén bát đi rửa là xong. Mọi chuyện đều suôn sẻ như ý Mười cho tới khi mệ nội Sâm nhìn trên đĩa còn lại khoảng chục miếng thịt heo quay.
Mệ nội hỏi sao không ăn hết để tiện dọn dẹp, ghét nhất là ăn gì cũng chừa lại một ít dằn chén dằn dĩa như thế. Rồi như nhớ ra mệ nói, phải rồi, sẵn thịt heo quay ngon thế này sao không nấu chè. Mấy năm rồi mệ không ăn chè bột lọc heo quay đúng vị Huế. Nghe Sâm nói mạ Mười có hàng chè khá nổi tiếng ở chợ Nọ. Nhân dịp ni trổ tài đi. Mười dợm bước đi. Ba của Sâm đang ngồi uống trà nói ba lại không ăn chè bột lọc heo quay, hôm rồi về thăm quê các bác gửi vào cho mệ ít khoai tía. Sẵn dịp nấu luôn.
Mười muốn khóc. Nhưng thôi đừng khóc. Sẽ có cách thôi.
Thịt heo quay xắt hạt lựu đã sẵn sàng. Mười nhồi bột lọc. Đổ nước quá tay bột nhão chảy re re, lại cho thêm bột, bột khô nứt khô nẻ, cho thêm nước. Điệp khúc nước, bột tuần hoàn mãi cho đến khi bột vừa thì ra gần một thau nhỏ bột mà thịt thì ít. Mười nhanh chóng phi tang bằng cách vét bớt bột vào bịch ni-lông bỏ vào túi xách.
Những lúc quên bài thì xách điện thoại vào trong toilet len lén cắm tai nghe mở YouTube xem hướng dẫn. Một bếp nấu chè bột lọc heo quay, một bếp nấu chè khoai Mười cứ thoăn thoắt như nàng dâu đảm. Cuối cùng thành phẩm cũng được dọn lên mời gia đình thưởng thức.
Mệ nội nhìn chén chè bột lọc heo quay lắc đầu bỏ vào phòng kèm theo tiếng thở dài. Ba múc một muỗng chè khoai tía thử xong nói ba đi xem thời sự chút nữa ăn sau. Mấy đứa em Sâm nghe chè chín từ trên lầu chạy xuống. Chè bị gì mà viên bột lòi cả nhân ra ngoài vậy. Mỡ váng màng kìa nhìn ghê quá. Chè khoai lỏng như cháo chảy…
Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ. Người già trong nhà Sâm đã lẳng lặng đi rồi thì đã có em nhà Sâm nói thật. Mười đứng chết trân tại bàn ăn. Các ngón chân di di dưới nền gạch. Mặt mũi để vào đâu. Chỉ duy nhất mẹ Sâm không biểu hiện gì, cầm chén chè lên ăn. Sâm giải vây nói với cả nhà chở Mười vào bệnh xá thăm người bạn cùng cơ quan nhập viện.
Trên đường về Mười im lặng. Sâm làu bàu anh đã dặn rồi mà có chịu nghe đâu. Học nấu ăn đâu phải là phục vụ cho ai mà cho bản thân mình sau này là các con. Lãng phí thời gian ôm điện thoại lướt mấy trang tin vô bổ có ích gì.
* * *
Mười đóng sầm cửa lại khi Sâm quay xe đi. Mười khóc. Tức gì đâu, mạ có hàng chè nổi tiếng mà con gái như vậy. Cha làm thầy con đốt sách. Tự nhiên Mười nhớ mạ da diết. Nhớ những ngày nắng nôi mạ gánh chè ra chợ lưng áo đẫm mồ hôi. Mùa lũ lên nước dâng cao bếp nấu chè vẫn đỏ lửa. Nước lên tới đâu, kê bếp lên tới đó.
Mười nhớ hồi còn nhỏ hay ví von mạ như chàng Sơn Tinh trong truyền thuyết khi nước dâng tới đâu, núi dâng cao hơn. Mạ nhìn Mười âu yếm phải như rứa các con mới có cái ăn, cái học. Nhà mình không khá giả như người ta, không có hoa lợi từ ruộng vườn. Mạ không bao giờ nói tới chữ nghèo, sợ các con tủi phận…
Gánh chè của mạ nuôi anh em Mười lớn lên. Phần Mười may mắn hơn vào tận Sài Gòn học đại học. Mấy lần Mười nghỉ hè về nhà, mạ hay kêu Mười theo mạ học nấu chè để sau này biết đâu… Mười khi đó giãy lên nấu chè mà cũng học sao, con nhìn thấy khói bếp ui ui mùa lũ là ngán rồi, ngán lắm rồi. Khi đó mạ lắc đầu mắng yêu con gái hư quá. Làm gì cũng cần phải học con ơi. Không đùa được đâu.
Mười lôi quyển sổ bìa xanh long gáy ra đọc. Hổm rày, Mười quăng quật nó khắp nơi nên có một vài trang bung chỉ sứt ra. Mười cầm lấy trang giấy sứt đó lên đọc.
Ngày… tháng… năm…
Nhà ôn X đặt mạ nấu chè cho đám thượng thọ của ôn X. Các con đều biết ôn X là dòng dõi đời thứ 3 của đức Ngài có dinh thự bên bến sông. Mạ lo lắm. Có sơ suất gì là không biết phải ăn nói làm sao. Nhà họ sành ăn là một lẽ. Món ăn còn phải thanh cảnh, đẹp kiểu quý phái. Mệ X đã qua phần lâu rồi mà mọi người còn nhắc mãi những món chè mệ X nấu. Mạ áp lực quá các con.
Ban đầu, mạ đã toan từ chối. Nhưng nghĩ cơ hội là đây, nếu họ ưng ý thì sau này mạ sẽ có thêm nhiều người đặt nấu.
Ngày… tháng…năm…
Không ngờ là nấu chè bột lọc heo quay khó nhằn như vậy. Hôm nay, là lần thứ ba, viên chè vẫn không trong, phải trong suốt nhìn thấy nhân bên trong mới đẹp. Nhưng nếu lớp vỏ bọc quá mỏng thì một số viên chè bung ra khi nấu. Phần nhân còn mùi ngậy đặc trưng của heo quay. Lại phải bỏ đi. Tiếc lắm dù chỉ mua một ít về nấu thử… Cảm giác thất bại nối tiếp thất bại làm mạ xuống tinh thần lắm. Nghĩ lại cũng may mạ cũng có sự chuẩn bị trước. Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng.
Ngày… tháng… năm…
Mạ cọc cạch đạp xe lên tận nhà mệ giáo tận trong Thành nội. Đường xa không hề chi mô. Mạ chỉ mong mệ giáo bày cho cách nấu món chè. Mệ giáo có người cô xưa ở trong cung truyền lại nhiều công thức chè cung đình. Tới nhà nhằm khi mệ giáo đi dạy vắng nhà. Người nhà bảo mệ giáo được mời đi chia sẻ những bí quyết về ẩm thực cung đình. Mạ đành phải đạp xe về.
Ngày… tháng… năm…
Mạ đã gặp được mệ giáo. Mệ giáo nói rất quý người chịu khó tìm học. Cứ thế văn hoá ẩm thực cung đình lan toả. Xưa nó là bí truyền. Ngày nay, ai cũng có nhu cầu thưởng thức cái ngon, cái đẹp và tinh tế. Mạ nhớ như in mệ giáo nói nấu ăn là môn thực hành. Cái gọi là bí quyết có được thông qua quá trình thực hành. Bí quyết có khi chắt ra từ sự thất bại.
Ngày… tháng… năm…
Mệ giáo không bày ngay đâu. Mệ hỏi mạ có nấu chè bột lọc heo quay chưa. Mạ nói đã nấu rồi. Vậy có thắc mắc gì cứ hỏi. Tại sao thịt heo vẫn còn mùi ngầy ngậy. Mệ hỏi mạ mua thịt heo sữa phải không? Có ướp đường không? Có thêm bột quế, nước gừng vào thịt không? Có cho mè rang vàng vào không? Và quan trọng là đảo hỗn hợp thịt trên lửa liu riu cho đến khi thịt khô lại.
Hỏi vì sao luộc bột lọc không trong. Mệ từ tốn dặn theo quy tắc hai chìm một nổi. Khi cho bột vào luộc bột sẽ chìm xuống đáy nồi, bột chín sẽ nổi lên. Nhiều người vội vã vớt ra ngay. Đừng làm vậy. Hãy chờ khoảng hai phút rồi tắt bếp. Đợi cho đến khi bột chìm xuống thì vớt. Lúc đó bột đủ độ sẽ trong. Cho vào nước lạnh sau đó vớt bỏ qua thau nước đá. Bột đang nóng gặp lạnh đột ngột sẽ săn lại. Ngâm khoảng mười phút là vớt ra. Nấu nước đường khi nguội mới cho bột luộc vào. Mạ ghi lại cho các con biết đâu có khi cần đến…
Mười thấy khoé miệng mằn mặn, mắt nhoè đi. Nước mắt rơi tự bao giờ. Mười cảm thấy có lỗi và tiếc nuối vì không nghe lời mạ. Nếu Mười theo mạ học thì bây giờ có khi đã chẳng phải bẽ bàng. Mười gạt nước mắt. Thôi cũng chưa muộn.
Mười khởi nghiệp hàng chè Huế bán online ngay tại Sài Gòn. Sâm mắt tròn mắt dẹt nói Mười liều. Mười cười không đâu. Mười tin vào mạ, tin vào vốn liếng về ẩm thực quê nhà mạ để lại cho các con. Mười hiểu Sài Gòn là thành phố có những người con Cố đô xa xứ như Mười và những người thích trải nghiệm những vùng văn hoá khác- nhất là ẩm thực.
Ngoài chè bột lọc heo quay đặc trưng của Huế, Mười còn nấu chè trái cây, bông cau, đậu xanh đánh… Hàng bán cũng lai rai, không cần quá đắt hàng vì Mười còn việc cơ quan. Mười cũng chỉ mong vậy để duy trì nghề mạ truyền lại. Những ngày giỗ chạp, lễ lạt người ta đặt Mười nấu chè. Mười tự tin nhận không chút băn khoăn. Mười tự nhủ đã có quyển nhật ký của mạ rồi ta còn sợ chi mô.
* * *
Sâm tới nhà Mười, tay xách nách mang lỉnh kỉnh. Sâm đưa túi xách, Mười mở ra thấy toàn là khoai móng rồng. Mười nheo mắt anh cho em à. Sâm cười. Không. Sếp anh vừa mang từ ngoài quê vào. Nghe anh giới thiệu em có hàng chè sếp muốn đặt em nấu chè đây. Mười tự tin nghĩ phen này Sâm sẽ không thất vọng về Mười.
Loại chè này Mười có ăn mấy lần ở công viên Thương Bạc chỗ ngó ra cầu Trường Tiền. Màu tím của chè gợi màu tím Huế. Nhớ lúc múc một muỗng chè dẻo quánh cho vào miệng. Nhâm nhi ngẫm ngợi, vị ngọt thanh lan trên đầu lưỡi, vị bùi dẻo của khoai cứ thế gây nhớ, gây thương. Mười bây giờ ở góc độ nấu cho người khác ăn và Mười muốn họ có cảm giác như Mười.
Có thể hơn thế nữa vì vị chè lần này ở Sài Gòn chắc còn nêm thêm chút nhớ hoài niệm. Có khi ngồi bên nhau thưởng chè, người ta sẽ nhắc nhớ nhau về quê hương nắng chang mưa dội mà vẫn bền chí nỗ lực vượt khó. Mười sẽ không làm họ thất vọng đâu. Nhất định như thế.
Mười gọt khoai. Khoai thơm. Mùi thơm bảng lảng mơ hồ sương khói. Nghe nói giống khoai này giờ hiếm lắm vì người ta ít trồng do cho năng suất thấp. Cổ nhân có câu quý hồ tinh bất quý hồ đa. Thời bây giờ cứ cái gì năng suất cao là trồng. Những giống quý ngày xưa dần mai một. Mười bổ đôi củ khoai.
Sao nó chỉ phơn phớt tím thế này. Làm sao có thể cho ra màu tím Huế? Một tí phẩm màu? Hay ăn gian dùng màu lá cẩm? Không. Ẩm thực Huế tinh tế lắm. Không đời nào khách hàng chấp nhận như thế. Mười vội rửa tay, lau lau tay vào tạp dề, lôi quyển nhật ký của mạ ra đọc. Lật từng trang, từng trang mãi mà chưa thấy chè khoai móng rồng.
Lật tiếp, tiếp nữa, tiếp nữa. A! Đây rồi. Muốn chè dẻo phải có giặm thêm bột nếp. Thảo nào hôm ở nhà Sâm, chè lỏng bỏng như cháo chảy. Mười tìm tiếp xem mạ có ghi bí quyết gì không. Mười mừng rỡ khi mắt chạm dòng chữ muốn có màu tím đẹp thì…
Mười lật trang tiếp theo, tiếp theo nữa hoàn toàn trống trơn. Tại sao mạ ghi nửa chừng thì dừng lại. Mạ có biết là Mười đang rối lắm không? Khoai đã gọt dở chẳng thể nào trả lại. Còn uy tín của Sâm với sếp cơ quan. Mười dò ngược lên ngày ghi nhật ký, ngày 20 tháng 5 năm…
Mười nhớ rồi, đúng hôm đó mạ bị xuất huyết não phải nhập viện, bác sĩ nói tiên lượng xấu. Chè đã nấu xong chuẩn bị gánh ra chợ bán. Bữa đó, anh cả hớt hải gọi cho Mười. Mười đã tất tả ra sân bay như một người mất hồn. Chuyến bay hoãn mấy lần, Mười thắt ruột gan chỉ mong về kịp. Mười về, mạ vẫn còn nhưng mê man, mũi chụp ống thở…
Và mạ ra đi ngay trong đêm đó không kịp dặn dò. Mười nghẹn uất mà không khóc được. Anh chị Mười nói cứ khóc đi cho nhẹ nhàng. Mười muốn lắm mà không thể. Cứ vậy, ba đêm túc trực bên linh cữu mạ, Mười mỏng như xác ve. Lúc hoả táng xong, chờ tro nguội bỏ vào hũ sành.
Mười chờ ở đó. Nhặt từng mẩu xương vụn còn sót lại cho vào hũ. Mười bâng quơ nghĩ đời người cuối cùng chỉ gói gọn bấy nhiêu thôi. Mạ của Mười chỉ còn lại bấy nhiêu thôi. Mười khóc. Khóc êm ru như mưa mùa lụt không gầm gào sấm chớp.
Mười lật tới lật lui quyển nhật ký, hy vọng biết đâu tìm được phao cứu sinh lúc này. Không thấy. Tuyệt nhiên không thấy. Ở trang số 2, sau trang đôi dòng mạ gửi lại có câu: Học biết bao nhiêu cho đủ, Xin o đừng tự phụ o ơi!
Câu đó mạ viết cho chính mạ hay viết cho Mười đây?
Mười lên nhóm Zalo bạn bè phổ thông và nhóm các thành viên gia đình hỏi. May mắn cuối cùng cũng tìm được bí quyết. Đó là rửa thật sạch khoai, giữ lại lớp vỏ khoai để nấu lấy nước. Nước vỏ khoai cho màu tím đậm đà. Mười thở phào nhẹ nhõm. Ẩm thực Huế tinh tế và mênh mông như vùng đầm phá khó mà đi đến tận cùng. Việc của Mười chỉ có thể tích luỹ dần từng chút từng chút một. Mười đem ra tiệm đóng lại quyển nhật ký của mạ rồi viết tiếp bí quyết món chè khoai còn dang dở. Mười sẽ nâng niu gìn giữ nó cho con, cho cháu sau này.
T.Q.T