Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Làm nông thời 4.0:
Nhiều “bài toán” cần giải
Thứ hai: 06:28 ngày 17/12/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu, cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 còn sản sinh ra những nhà nông 4.0. Họ đã nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) tiên tiến, thông minh vào trong sản xuất nông nghiệp. Hạn chế rủi ro, tạo ra năng suất và lợi nhuận cao hơn.

Hệ thống máy tự động hoá giúp vườn dưa lưới của gia đình chị Lệ phát triển tốt, lợi nhuận cao.

Hiệu quả thấy rõ

Khi hội nhập thị trường quốc tế, sự cạnh tranh giữa các mặt hàng xuất khẩu, nhất là nông sản ngày càng khốc liệt hơn. Nông nghiệp 4.0 (internet, công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ chiếu sáng, công nghệ robot…) đã thay đổi phương thức quản lý và hoạt động sản xuất chính xác, chặt chẽ mà không cần sự có mặt trực tiếp của con người. Nông dân có thể thông qua máy tính, điện thoại thông minh có kết nối internet để thực hiện các thao tác tưới nước, bón phân… một cách dễ dàng.

Trên thực tế, nhiều nông dân trong tỉnh đã thành công với mô hình sản xuất 4.0 theo hướng bền vững, hội nhập, điển hình như trang trại dưa lưới Hoàng Xuân của chị Văn Thị Cẩm Lệ (xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng). Hiện chị Lệ trồng hơn 10 ha dưa lưới, trong đó có 3 ha trồng trong nhà kính. Trước đây, khi mới bắt đầu trồng dưa lưới ở vườn theo cách truyền thống, mặc dù chị Lệ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém.

Sau đó, chị Lệ biết đến mô hình trồng bán thuỷ canh theo công nghệ tưới nhỏ giọt kiểu Israel và ứng dụng vào vườn dưa lưới của gia đình. Theo mô hình này, mỗi dây dưa được trồng trong một bầu giá thể (hỗn hợp của các vật liệu có thể giữ nước, tạo độ thoáng cho sự phát triển) tơi xốp, nhiều dinh dưỡng, được treo thẳng đứng nhờ hệ thống cáp chịu lực liên kết với khung nhà.

Theo chị Lệ, cách trồng này giúp tiết kiệm diện tích gấp 3 lần nhưng năng suất lại tăng gấp 3 lần cách trồng thông thường. Do được cách ly hoàn toàn với môi trường bên ngoài nên dưa rất ít bị côn trùng có hại tấn công rủi ro cho vườn dưa rất thấp, đồng thời hạn chế được việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Khoảng 4 năm trước, chị Lệ trang bị công nghệ tưới nhỏ giọt Israel tiên tiến hơn. Công nghệ này không chỉ tiết kiệm nước tưới mà còn bón phân theo đúng nhu cầu của từng giai đoạn sinh trưởng, mỗi ngày đều phải đo độ EC, pH trong đất, nếu thiếu hoặc thừa dư lượng độ EC, pH máy sẽ báo đến máy chủ. Tất cả hệ thống máy này đều được kết nối internet để điều khiển từ xa. Song song đó, tại tất cả các vườn, chị Lệ đều trang bị camera để theo dõi từ xa. Để đầu tư cho hệ thống máy móc này, chị đã phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng (chưa tính hệ thống nhà kính).

Chi phí đầu tư cao nhưng theo tính toán của chị Lệ, chỉ tính riêng trong nhà kính mỗi năm chị thu hoạch khoảng 270 tấn/3 ha dưa lưới. Với giá bán trung bình 40.000 đồng/kg như hiện nay, mỗi năm chị đạt doanh thu khoảng 10 tỷ đồng. Hiện sản phẩm của chị Lệ đang được cung cấp cho hệ thống các siêu thị lớn như Co.opMart, BigC, Lotte, Aeon...

Cần giải bài toán về vốn, nhân lực

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh đã hình thành 13 mô hình sản xuất nông nghiệp có giá trị gia tăng, gắn với ứng dụng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp sạch được chú trọng, sản phẩm nông nghiệp ngày càng đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Việc ứng dụng CMCN 4.0 trong sản xuất nông nghiệp, đúng tiêu chuẩn sẽ giúp đưa nông sản tỉnh nhà ra thế giới, nhất là các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, các nước EU… Tuy nhiên, theo nhiều người dân đã ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất bằng mô hình này khó áp dụng rộng rãi. Bởi lẽ, để đầu tư hạ tầng đòi hỏi nguồn vốn khá lớn (từ đầu tư xây dựng mô hình khép kín đến máy móc tự động hoá, kỹ thuật…). Trong khi đó, nông dân lại chưa quen với việc sử dụng công nghệ thông minh trong sản xuất nông nghiệp; sản xuất còn manh mún.

Theo anh Lưu Tỷ Phú (ngụ xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu), với 600m2 đất nông nghiệp trồng rau, gia đình anh đã phải đầu tư khoảng 500 triệu đồng để làm nhà kính, hệ thống tưới tự động Israel. Tuy nhiên, anh vẫn chưa đầu tư được hệ thống máy tự động tưới nhỏ giọt, bón phân, đo EC, pH vì chi phí quá cao. “500 triệu đồng là số tiền không nhỏ đối với nông dân. Gia đình tôi may mắn được Nhà nước hỗ trợ 30% để làm mô hình này. Nếu không cũng khó có thể làm được” - anh Phú chia sẻ.

Hệ thống máy tự động của chị Lệ.

Theo chị Lệ, để xây dựng mô hình có sản phẩm đạt yêu cầu phải tốn rất nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư cao, đòi hỏi người sản xuất phải nắm bắt kỹ thuật áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm nghiêm ngặt. Có đất, có kỹ thuật nhưng không có vốn đầu tư thì nông dân cũng đành “bó tay”. Vì vậy, nông dân cần sự chung tay góp sức của ngành chức năng và doanh nghiệp để thực hiện cơ giới hoá và tự động hoá trong sản xuất nông nghiệp.

Chị Lệ cho biết: “Tôi đã liên hệ nhiều cơ quan chức năng để xin tiếp cận nguồn vốn mở rộng sản xuất, xây dựng kho lạnh bảo quản, tiệt trùng nhưng đến nay vẫn chưa được tiếp cận bất kỳ nguồn vốn nào. Bên cạnh đó, để nông dân hiểu rõ hơn về thực hành nông nghiệp 4.0 cần có những kỹ sư về mô hình này để hỗ trợ nông dân”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thành Phụng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật là bắt buộc nông dân phải ứng dụng, trong đó, rất cần kết nối với doanh nghiệp, liên kết với thị trường để làm nông nghiệp 4.0. Cần xác định ba yếu tố: sản xuất ngành hàng gì, thị trường tiêu thụ ra sao, sản phẩm có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hay không.

Trên thực tế, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao, triển khai nhiều buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, hầu hết những mô hình thực hành nông sản sạch thường khó tiếp cận với nguồn vốn vì nhiều lý do như dự án không phù hợp, thiếu hồ sơ... nên khó đi vào thực tế.

Để tháo gỡ những bất cập trên, thiết nghĩ các ngành chức năng cần tập trung phát triển nguồn nhân lực tạo đột phá cho nông nghiệp thông minh với lộ trình phù hợp; ưu tiên hỗ trợ xây dựng hạ tầng trong các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao; tạo điều kiện giúp doanh nghiệp, hộ gia đình tiếp cận vốn một cách thuận lợi nhất.

Việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp là giải pháp cấp bách để bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao chất lượng nông sản; giảm thất thoát do thiên tai, sâu bệnh; tiết kiệm chi phí trong toàn bộ quy trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ... Vì thế, nếu phát triển được nền nông nghiệp thông minh sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy việc xây dựng nông thôn mới thành công, bền vững.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục