Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều bệnh truyền nhiễm đã ngăn chặn có nguy cơ bùng phát trở lại
Thứ sáu: 09:16 ngày 27/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thời gian gần đây, nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tưởng như đã được khống chế lại đang có xu hướng bùng phát trở lại như: Whitmore, bạch hầu, ho gà, lao, sởi…

Nhiều trẻ nhập viện vì chưa được tiêm chủng.

Nguy cơ bùng phát dịch

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương đã liên tục tiếp nhận các ca bệnh nhiễm vi khuẩn Whitmore, căn bệnh khiến nhiều người lầm tưởng mới xuất hiện nhưng đã có cách đây hơn nửa thế kỷ và tưởng như đã lùi xa.

Đơn cử như mới đây, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân mắc vi khuẩn Whitmore gây tổn thương áp xe mũi. Bệnh nhân phải nằm viện điều trị hơn 3 tuần với phác đồ kháng sinh đặc hiệu truyền tĩnh mạch liều cao và đã khoẻ mạnh, hồi phục phần tổn thương tại cánh mũi. Ngay sau đó, tại Hà Tĩnh cũng ghi nhân thêm trường hợp mắc bệnh nguy hiểm này.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), căn bệnh do vi khuẩn nguy hiểm Whitmore đang có nguy cơ gia tăng thời gian gần đây. Chỉ trong tháng 8 vừa qua, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận tới 12 ca mắc Whitmore, trong đó có 4 ca đã tử vong. Bệnh do vi khuẩn Whitmore là loại bệnh truyền nhiễm, có tỷ lệ tử vong rất cao (tới 40%). Nếu như trước đây, trong vòng 5 - 10 năm mới có khoảng 20 ca mắc Whitmore, thì chỉ từ đầu năm 2019 đến nay, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai đã ghi nhận tới 20 ca. Đặc biệt, các trường hợp nặng chủ yếu tập trung ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Mới đây, tại Đắk Lắk đã xuất hiện ổ dịch bạch hầu sau hơn chục năm không ghi nhận ca bệnh, khiến một trẻ bị tử vong, 3 ca có kết quả dương tính với bệnh bạch hầu và hơn 30 người nghi ngờ mắc bệnh được cách ly theo dõi tại các cơ sở điều trị. Ngay sau khi phát hiện ổ dịch, tỉnh Đăk Lăk đã phối hợp với ngành y tế vào cuộc ngăn chặn dịch, cấp thuốc đặc trị cho người dân trong vùng xuất hiện ca bệnh; đồng thời tổ chức diệt khuẩn bằng hóa chất, hạn chế người dân đi vào vùng có ca bệnh… Cách đây không lâu tại Quảng Nam cũng đã từng rải rác ghi nhận ca bệnh bạch hầu và đã ngăn chặn kịp thời.

Bên cạnh đó, nhiều bệnh truyền nhiễm cũng đã từng được khống chế trước đây cũng đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Như bệnh ho gà gần đây cũng ghi nhân rải rác ca bệnh tại các địa phương, nhiều ca bệnh nhập viện trong tình trạng đã biến chứng nặng.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đánh giá: Việt Nam đã thanh toán được các bệnh như: Đậu mùa, bại liệt; loại trừ và khống chế nhiều bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, hiện một số bệnh truyền nhiễm đã được kiểm soát nhưng có xu hướng gia tăng trở lại, như: Sốt xuất huyết, sởi, dại, lao, bạch hầu… Một số bệnh bùng phát do ít được quan tâm nhưng thực sự nguy hiểm và gánh nặng cho xã hội. Bên cạnh đó, hiện tượng kháng thuốc cũng đã xuất hiện ở nhiều chủng vi khuẩn, ký sinh trùng, sốt rét…

Hiện nay các bệnh truyền nhiễm vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi trong nước và thế giới. Nguyên nhân là do sự giao lưu, đi lại thuận tiện giữa các nước, cộng thêm với sự biến đổi liên tục do vi sinh vật gây bệnh, do biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa, điều kiện vệ sinh môi trường, quá trình di dân của người dân… dẫn đến dễ bùng phát dịch bệnh.

“Trước đây, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh xảy ra ở một địa phương, nhưng nay, có thể chỉ trong vòng 1 vài giờ đồng hồ dịch bệnh đã có thể lan ra các nơi khác. Thậm chí, có những bệnh vốn không xuất hiện ở miền núi, hiện đã có mặt ở khu vực này và có những bệnh thường gặp vào mùa đông - xuân, thì nay, mùa hè cũng có nguy cơ gia tăng…”, ông Trần Đắc Phu cho biết.

Tăng cường tiêm chủng, phòng bệnh

Các chuyên gia cũng đánh giá, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến một số bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin phòng bệnh quay trở lại là do người dân không tiêm chủng đầy đủ.

Trong khi đó, công tác tiêm chủng trên toàn quốc đang đứng trước những thách thức mới, trẻ bị trì hoãn tiêm chủng do người lớn ngần ngại với vắc xin hay cha mẹ chưa nắm, không nhớ được lịch tiêm nên không cho con đi tiêm chủng hoặc tiêm chậm lịch. Thậm chí, có những cha mẹ e ngại phản ứng sau tiêm và quyết chờ vắc xin dịch vụ; nhiều cha mẹ từ chối tiêm chủng với quan điểm “thuận tự nhiên”… Bài học từ việc từ chối vắc xin đã để lại hậu quả là vụ dịch sởi nghiêm trọng năm 2014, hay các ca bệnh bạch hầu, ho gà vừa qua.

Vắc xin chỉ có hiệu quả phòng bệnh trực tiếp cho từng cá nhân, nhưng chỉ khi được triển khai trên diện rộng, vắc xin mới phát huy hết tác dụng gián tiếp tạo ra hàng rào miễn dịch bảo vệ cho cả cộng đồng. Chỉ khi cộng đồng đạt tỷ lệ tiêm chủng cao trên 90- 95%, có nền tảng miễn dịch vững chắc thì cho dù mầm bệnh xâm nhập nhưng do có ít đối tượng cảm nhiễm nên bệnh không thể lan rộng. Nếu tiêm chủng tỷ lệ thấp hoặc ngừng tiêm chủng thì hàng rào miễn dịch bị phá vỡ, không đủ người có miễn dịch trong cộng đồng, mầm bệnh dễ dàng lan tràn, nguy hiểm nhất là với những trẻ nhỏ chưa đủ điều kiện để tiêm chủng sẽ bị tấn công với tỷ lệ biến chứng và tử vong cao.

Để tăng cường phòng các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế khuyến cáo: Với những bệnh đã có vắc xin, người dân và cộng đồng cần thực hiện tốt về tiêm chủng phòng bệnh và an toàn tiêm chủng: Các gia đình cần đưa trẻ đi tiêm chủng đúng lịch, thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế về chăm sóc, theo dõi các phản ứng sau tiêm chủng; cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng đủ 30 phút sau tiêm để theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra.

Tiếp tục theo dõi trẻ thường xuyên tại nhà trong vòng 1- 2 ngày sau tiêm chủng về các dấu hiệu: tinh thần; bú mẹ; ăn; ngủ; thở; nhiệt độ; phát ban; phản ứng tại chỗ tiêm… để có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Nếu trẻ sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi, dùng thuốc hạ sốt cho trẻ theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Với các bệnh truyền nhiễm chưa có vắc xin như: Tay chân miệng, sốt xuất huyết, Whitmore… để phòng bệnh, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, nơi ở như: Phát quang bụi rậm, không để muỗi phát sinh; thường xuyên vệ sinh nhà ở, lau bề mặt vật dụng; thực hiện tốt ăn chín, uống sôi; sử dụng nhà vệ sinh đảm bảo; đảm bảo vệ sinh trong lao động, khi tiếp xúc với bùn đất.

Người dân cũng hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, hạn chế những nơi tụ tập đông người khi có dịch bệnh; khi phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần kịp thời đến các cơ sở y tế khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất.

Nguồn VNE

Tin cùng chuyên mục