Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngày đêm “rút ruột” sông Sài Gòn:
Nhiều “cát tặc” sa lưới
Thứ bảy: 06:44 ngày 23/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 8.12, Báo Tây Ninh có đăng bài “Cát tặc ngày đêm rút ruột sông Sài Gòn”, phản ánh tình trạng có nhiều tàu cỡ lớn ngang nhiên hút trộm cát trên sông Sài Gòn đoạn đầu nguồn hồ Dầu Tiếng (thuộc tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu). Mới đây, cơ quan chức năng đã vào cuộc và bắt quả tang 2 tàu đang bơm cát trái phép…

Hai chiếc tàu khai thác cát trái phép bị Công an huyện Tân Châu bắt quả tang tại hiện trường.

Như trước đó báo đã nêu, tại khu vực kể trên, hằng ngày có từ 6 đến 7 chiếc tàu tiến vào gần sát bờ sông và cặp theo khu rừng phòng hộ (thuộc ranh giới tỉnh Tây Ninh) để thay phiên nhau hút trộm cát (những vị trí này hoàn toàn chưa có cấp phép khai thác khoáng sản cho bất kỳ doanh nghiệp nào). Điều đáng nói, tại đây, bọn trộm cát hoạt động hầu như liên tục cả ngày lẫn đêm.

Sau khi báo phản ánh, tình trạng khai thác cát lậu vẫn diễn ra như cũ, người dân địa phương vẫn gọi điện thoại phàn nàn, bức xúc, nghi ngờ... Quay lại hiện trường vào ngày 15.12, chúng tôi nhận thấy thực tế quả đúng như bà con phản ánh.

Thật không ngờ, vụ việc đã được Báo Tây Ninh cũng như một số báo điện tử và mạng xã hội thông tin rộng rãi như vậy mà cả tuần lễ sau đó nhóm cát tặc vẫn cứ ngang nhiên hành sự. Không thể chờ thêm được nữa, hơn 21 giờ tối 15.12, chúng tôi đã gọi điện thoại cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) để thông báo về tình hình cát tặc lộng hành.

Nhận được tin báo, hầu như cả đêm 15 đến suốt buổi sáng 16.12, Giám đốc Sở TN&MT thường xuyên liên hệ với chúng tôi để nắm chắc diễn biến hoạt động của “cát tặc”. Kế hoạch ban đầu của Sở là phối hợp với Công an huyện Tân Châu tổ chức bắt gọn nhóm tàu hút trộm cát ngay trong thời điểm tối 15.12, vào khoảng 22 giờ.

Hướng tiếp cận đối tượng được vạch ra là sẽ đi tắt ngang qua khu rừng phòng hộ, khi đến bờ sông mượn vỏ lãi của ngư dân để làm phương tiện đến mục tiêu, tạo tình huống bất ngờ nhằm đề phòng “tai mắt” của “cát tặc”. Tuy nhiên, do có việc gia đình đột xuất nên người dẫn đường (đi rừng ban đêm phải nhờ người rành địa thế dẫn đường) hẹn lại sáng hôm sau.

Khoảng 3 giờ sáng 16.12, người dẫn đường đưa chúng tôi ra khỏi khu rừng tự nhiên, dừng lại chờ lực lượng Công an huyện Tân Châu tại một con đường đất đỏ thuộc tiểu khu 58 rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Mất khoảng 30 phút chạy xe mô tô xuyên rừng, cuối cùng, những người làm nhiệm vụ cũng đến được bờ sông.

Vừa đến nơi, đã nghe ầm ĩ nhiều tiếng máy tàu và ánh đèn của bọn hút trộm cát loang loáng trên sông. Khoảng cách từ vị trí chúng tôi đứng đến chỗ nhóm tàu đang hoạt động khá gần, tưởng chừng mọi việc đều suôn sẻ, không ngờ tới lượt người dân cho mượn ghe đổi ý.

Mãi đến hơn 5 giờ sáng, lại có thêm một số tàu “cát tặc” kéo đến, nhưng tổ công tác vẫn chưa thuyết phục được người hứa cho mượn ghe từ lúc đầu. Thôi thì cũng phải thông cảm, vì hộ dân này đã trình bày lý do rất chính đáng là sợ bị… trả thù. Kế hoạch bắt quả tang nhóm tàu ngày đêm hút cát trộm đành chuyển sang hướng khác.

Sở dĩ những đối tượng hút trộm cát lộng hành như vậy là do địa bàn vùng rừng đầu nguồn hồ Dầu Tiếng có phần hiểm trở, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh muốn tiếp cận “điểm nóng” phải đi tắt đường rừng nhiều km, đường lại nhỏ hẹp và lắm sình lầy. Nếu chọn cách tiếp cận bằng đường thuỷ, phải đi từ hồ Dầu Tiếng vòng ngược lên hoặc hướng từ bến Cây Khế trên sông Sài Gòn (thuộc xã Tân Hoà) đổ xuống, tất nhiên phải mất khá nhiều thời gian mới có thể đến nơi.

Có khả năng “cát tặc” luôn cho người theo dõi nhất cử nhất động trên sông. Thực tế cho thấy thường xuyên có những chiếc vỏ lãi cỡ nhỏ cứ lượn lờ gần khu vực khai thác cát lậu hay các cửa sông, cửa rừng quan trọng (kể cả ban đêm), do vậy, lực lượng chức năng có thể bị phát hiện ngay trên đường đi. Khu vực “cát tặc” đang khai thác trái phép lại là vị trí tiếp giáp giữa ba tỉnh Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, nên bọn hút trộm cát rất dễ dàng tẩu thoát từ thuỷ phận tỉnh này sang tỉnh kia một cách nhanh chóng.

Quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, đến sáng 16.12, chúng tôi vẫn bám sát hiện trường, đồng thời luôn thông báo cho cơ quan chức năng mọi diễn biến của nhóm tàu khai thác cát trái phép. Trong khi đó, Công an huyện Tân Châu cùng Sở TN&MT tiếp tục phối hợp hành động. Lần này, lực lượng chức năng chọn hướng tiếp cận “cát tặc” bằng đường thuỷ. Do lực lượng mỏng, phương tiện tác nghiệp được chọn là những chiếc vỏ lãi thông thường ngư dân hay dùng để đánh cá nên có hạn chế về tính cơ động, trấn áp, ngược lại có “cái được” là thuận lợi về nguỵ trang, “bảo mật”.

Nhờ bảo đảm được yếu tố bí mật, bất ngờ, đến khoảng 13 giờ cùng ngày, 2 chiếc tàu trong nhóm hút cát trộm đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang tại vị trí gần bờ sông thuộc khu vực tỉnh Tây Ninh quản lý. Trước đó không lâu, có khá nhiều tàu đang hì hục bơm cát tại vị trí này, do 3 tàu khẳm cát nên đã quay về bãi tập kết, 2 chiếc còn lại tiếp tục hút cát thì bị bắt.

Tại vị trí hai chiếc tàu bị bắt, cách đó không lâu có khá nhiều tàu “cát tặc” cùng hì hục bơm cát (ảnh cắt từ video clip).

Theo lời khai của Đinh Văn Giỏi- người lái chiếc tàu mang số hiệu TG 774 (sinh năm 1989, ngụ huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước), anh đang làm việc cho Công ty TNHH MTV SX TM Phú Thọ (đóng tại tỉnh Bình Phước), tàu có tải trọng 19 khối, lượng cát đang bơm trên tàu tại thời điểm bị bắt khoảng 10 khối; thuyền viên theo tàu khai tên là Lê Trọng Lâm (sinh năm 1985, ngụ cùng địa phương với Giỏi).

Chiếc tàu thứ hai bị bắt mang số hiệu BD 0034, do Phạm Thành Luân (sinh năm 1990, ngụ ấp Hoà Lộc, xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) điều khiển. Trên tàu còn có 2 thuyền viên theo giúp việc là Bùi Thanh Lợi và Nguyễn Ngọc Quốc (cùng ngụ xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng). Luân khai đang làm việc cho Công ty TNHH đầu tư khai thác Datico (đóng tại tỉnh Bình Dương), tàu BD 0034 có trọng tải 75 khối, lúc bị bắt giữ, trên tàu đang có khoảng 50 khối cát.

Một điều tra viên thuộc Đội Cảnh sát kinh tế (Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Châu) cho hay, trong quá trình Công an tạm giữ phương tiện cùng tang vật, có hai người đến tự xưng là “đại diện” của hai công ty nêu trên, và cho biết sẽ đem các giấy tờ có liên quan đến việc khai thác cát để trình cơ quan chức năng làm rõ.

Tuy nhiên, tính đến ngày 20.12 hai “đại diện” trên vẫn chưa thấy quay lại. Được biết, các đơn vị chuyên môn đã giám định khối lượng cát trên tàu, xác định vị trí 2 tàu tại hiện trường lúc bị bắt… Sau khi có các loại giấy tờ cần thiết, sẽ tiến hành các bước kế tiếp để có cơ sở xử lý theo đúng quy định.

Theo nguồn tin riêng, ngày 19.12.2017, một cơ quan chức năng ngoài tỉnh cũng đã bắt giữ ít nhất 1 tàu khai thác cát trái phép tại khu vực sông Sài Gòn giáp ranh giữa ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước.

 Minh Quốc - Đức Tiến

Tin cùng chuyên mục