Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Huyện Dương Minh Châu:
Nhiều cầu dân sinh bị yếu
Thứ hai: 05:31 ngày 26/03/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ở huyện Dương Minh Châu hiện có nhiều cầu dân sinh đang bị xuống cấp. Trong đó, có một số cầu không còn lưu trữ hồ sơ thiết kế nên hiện nay, ngành chức năng muốn cắm biển báo tải trọng cũng không có căn cứ, đành cắm biển báo chung chung: “Chú ý cầu yếu”.

Cầu Thống Nhất quá nhỏ, nhưng hằng ngày phải gồng mình chịu nhiều xe tải nặng qua lại.

Hiện nay, khi điều khiển ô tô tải qua những cây cầu dân sinh ở huyện Dương Minh Châu, nhiều tài xế không khỏi hoang mang khi thấy tại đầu cầu có cắm biển báo “cầu yếu”.

Anh T.V.T, 45 tuổi, tài xế- thường xuyên điều khiển xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng có tải trọng nặng lưu thông trên nhiều tuyến đường ở huyện Dương Minh Châu, bày tỏ sự lo lắng: “Mỗi lần chạy xe qua những cây cầu này, tôi luôn cảm thấy không an tâm, vì trước cầu có cắm biển báo “cầu yếu”, nhưng “yếu” mức độ nào và cho phép tải trọng qua cầu là bao nhiêu? Không biết tải trọng cụ thể thì làm sao tài xế biết được xe của mình qua cầu được hay không, và cho xe qua mà lỡ sập cầu thì ai chịu trách nhiệm?”.

Ghi nhận thực tế trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, chúng tôi nhận thấy có nhiều cây cầu gây khó cho giới tài xế xe ô tô tải. Ngay tại thị trấn Dương Minh Châu, hai bên đầu cầu đôi bắc qua suối Xa Cách cũng được gắn biển báo: “Chú ý cầu yếu”.

Đây là cây cầu nằm trên tuyến đường huyết mạch của Thị trấn và của huyện Dương Minh Châu nên hằng ngày có lưu lượng xe cộ qua lại khá cao, trong đó, có nhiều xe ô tô tải chở vật liệu xây dựng, xe máy cày chở hàng nông sản, xe ô tô chở đầy hành khách v.v…

Những loại xe này đều có tải trọng khá nặng, nhưng tất cả tài xế đều không biết rõ tải trọng của xe mình đang điều khiển có được phép qua cầu Xa Cách hay không. Theo quan sát của chúng tôi, các “bác tài” điều khiển xe đến đây, nhìn thấy biển báo, có chút ngập ngừng, nhưng rồi cũng đành liều mình cho xe qua cầu, chứ không còn cách nào khác.

Tương tự như thế, nằm ven khu rừng lịch sử huyện Dương Minh Châu, có cầu Thống Nhất, bắc qua dòng kênh cũng được cắm biển báo “Chú ý cầu yếu”. Vì bắc qua dòng kênh nhỏ, nên cầu Thống Nhất cũng chẳng lớn lắm. Cầu được xây trên hai thanh dầm ngang, không có trụ ở giữa.

Thành cầu làm bằng sắt ống, theo thời gian, những ống sắt này đã ngả màu gỉ sét. Có nơi, thanh sắt bị móp méo, chắc do một chiếc xe tải nào đó va chạm. Mặt cầu hẹp khoảng 3 mét, chiều dài 25 mét, trải nhựa. Con đường này nối liền giữa hồ Dầu Tiếng với xã Phước Ninh và toả đi nhiều nơi khác.

Vì trong hồ Dầu Tiếng có nhiều doanh nghiệp khai thác cát hoạt động, nên vô tình, con đường này trở thành một trong những tuyến đường chính vận chuyển cát. Thử đứng trên thành cầu để trải nghiệm, cứ mỗi lần xe ô tô tải lưu thông qua lại là chúng tôi nghe cầu rung rinh.

Dấu hiệu nhận biết công trình bị xuống cấp rõ nhất là cầu kênh Tây (xã Phước Ninh). Trên mặt cầu, nhiều nơi bị bong tróc lớp nhựa khỏi kết cấu sắt. Thậm chí, có nơi, trên mặt cầu còn lòi ra cọng sắt ngang.

Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy những nơi bong tróc này có dấu hiệu đã được giặm vá, sửa chữa, nhưng có vẻ như cách làm này không phát huy hiệu quả. Nhiều nơi tiếp tục bong tróc với diện tích ngày càng rộng hơn. Phía dưới dạ cầu, có một số trụ bê tông đứng làm nhiệm vụ chống đỡ dầm cầu.

Trong đó, không hiểu vì sao, có một trụ bị gãy mất một phần ngọn. Trụ bê tông này trở thành đứng chơ vơ không còn có tác dụng chống đỡ thân cầu. Hai bên đầu cầu cũng có cắm biển báo “Chú ý cầu yếu”, nhưng nhiều xe tải, xe khách vẫn vô tư chạy qua.

Ở xã Phước Minh, hiện có một cây cầu bê tông bắc qua kênh, có tên gọi là cầu 33 tấn. Nhìn bề ngoài, cây cầu này có vẻ còn khá chắc chắn nhưng theo biên bản khảo sát chất lượng, tải trọng các cây cầu trên địa bàn huyện DMC, cây cầu này đã bị “lão hoá” và không còn bảo đảm an toàn giao thông.

Cụ thể, thanh dầm bên phải (hướng Tây Ninh- Bình Dương) đã bị nứt, lộ cốt thép, mặt cầu bị bong tróc và có hiện tượng đứt cáp dầm ngang. Hiện tại, hai bên cầu cũng được gắn biển báo với nội dung “Chú ý cầu yếu” giống như những “đồng loại” nêu trên.

Cầu K33, nhìn bề ngoài có vẻ còn khá chắc chắn nhưng đã bị “lão hoá”.

Cần nhanh chóng khắc phục để bảo đảm giao thông

Trước tình hình trên địa bàn huyện có nhiều cầu dân sinh như thế, đầu năm 2018, UBND huyện Dương Minh Châu phối hợp với những đơn vị có trách nhiệm liên quan, như Sở Giao thông - Vận tải, Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, Xí nghiệp Khai thác thuỷ lợi huyện v.v… khảo sát hiện trạng các cây cầu dân sinh trên địa bàn huyện.

Kết quả khảo sát cho thấy các cây cầu này đều được xây dựng từ năm 1980 - 1981, nhưng không có gắn bảng tải trọng, không được bố trí kinh phí duy tu sửa chữa, qua thời gian sử dụng nhiều năm và thường xuyên có xe tải trọng lớn lưu thông trên cầu, nên những công trình này đã có hiện tượng xuống cấp.

Để bảo đảm an toàn giao thông, huyện Dương Minh Châu đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh và những đơn vị có trách nhiệm liên quan xem xét sửa chữa, kiểm định chất lượng và gắn bảng tải trọng. Cụ thể, ở những cây cầu cần sửa chữa gồm: cầu kênh Tây, cầu Thống Nhất (xã Phước Ninh), cầu 33 tấn (xã Phước Minh), cầu K13 xã Bàu Năng và cầu Xa Cách (thị trấn Dương Minh Châu).

Qua kiểm tra, đoàn lãnh đạo huyện còn mới phát hiện ra một vấn đề đáng chú ý là hiện nay, hầu hết những cây cầu dân sinh này đều không còn lưu trữ hồ sơ thiết kế. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến những công trình này không có cơ sở khoa học để ngành chứ năng gắn bảng tải trọng.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Bùi Xuân Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà cho biết, trước đây, Ban Kiến thiết của Ban Quản lý công trình xây dựng 301 có vẽ bản thiết kế những cây cầu dân sinh này.

Xây dựng xong, Ban Quản lý công trình xây dựng 301 bàn giao hồ sơ những cây cầu này cho Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà, nhưng do thời điểm năm 1980, đội ngũ kỹ sư sử dụng giấy scan để vẽ, chứ không phải vẽ bằng máy vi tính như bây giờ, nên trải qua quãng thời gian gần 40 năm, một số bản vẽ thiết kế các cây cầu này bị thất lạc hoặc bị phai màu, không còn đọc được các thông số một cách rõ nữa.

Từ nhiều năm nay, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng - Phước Hoà chỉ quản lý một số cây cầu nhỏ, có tải trọng 3 tấn và phần cống điều tiết nước, còn phần mặt cầu và cầu do Sở Giao thông - Vận tải quản lý. Theo ý kiến của ông Đại, hiện nay, để có cơ sở cắm bảng tải trọng những cây cầu dân sinh này, ngành chức năng phải thuê đơn vị tư vấn thẩm định lại hiện trạng sử dụng, từ đó mới biết được cụ thể mỗi cây cầu có thể chịu được tải trọng bao nhiêu.

Mặt cầu kênh Tây bong tróc ngày càng rộng.

Ông Nguyễn Tấn Tài- Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, đơn vị cũng  không có hồ sơ thiết kế những công trình cầu dân sinh này. Ông Tài cho biết thêm, đối với hai cây cầu kênh K8 (xã Lộc Ninh) và kênh K13 (xã Bàu Năng), do nằm trong dự án nâng cấp, mở rộng đường Đất Sét - Bến Củi (cầu K8) và đường 782-784 (cầu K13) nên sẽ được kiểm tra, nâng cấp trong quá trình thi công hai tuyến đường này.

Đối với một số cây cầu còn lại trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, Sở GTVT cũng đã khảo sát, đánh giá mức độ và sẽ bố trí kế hoạch vốn trong năm nay để sửa chữa, nâng cấp tải trọng những cây cầu này nhằm bảo đảm an toàn giao thông cũng như phát triển kinh tế trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Đại Dương - Thái Hoà

 

 

 

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh