Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút giáo viên
Thứ ba: 21:45 ngày 03/05/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Theo kế hoạch, kỳ họp của Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh vào tháng 7 năm nay sẽ thông qua nghị quyết quy định một số chính sách hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non và phổ thông về công tác ở những địa bàn đặc thù. Chính sách này, nếu được thông qua, sẽ góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp, bậc học.

Cùng một thời điểm, giáo viên Trường tiểu học Phước Vinh (xã thuộc khu vực biên giới huyện Châu Thành) vừa dạy trực tuyến vừa dạy trực tiếp.

Nguyên tắc thực hiện chính sách

Chính sách thu hút, hỗ trợ được thực hiện đối với đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế của các cơ sở giáo dục công lập, phù hợp với mục tiêu chung của tỉnh. Chỉ thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ các bậc học, chuyên ngành thuộc các lĩnh vực trong danh mục cần thu hút, hỗ trợ đào tạo do UBND tỉnh quy định.

Sinh viên là người Tây Ninh được tỉnh cử đi đào tạo đại học theo chế độ cử tuyển, các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo từ các chương trình, đề án của các bộ, ngành Trung ương; hưởng học bổng toàn phần từ nguồn tài trợ của chính phủ nước ngoài, các tổ chức quốc tế thì không được hưởng chính sách này.

Người hưởng chính sách hỗ trợ phải giữ đúng vị trí việc làm theo quy định, thực hiện nhiệm vụ chuyên trách. Chính sách hỗ trợ được chi trả cùng kỳ lương hằng tháng, không dùng làm căn cứ để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế. Thời gian không tính hưởng phụ cấp đãi ngộ gồm thời gian nghỉ chế độ thai sản; nghỉ việc riêng không hưởng lương; thời gian đi học liên tục, nghỉ ốm, bị tạm đình chỉ công tác từ một tháng trở lên.

Không áp dụng chính sách này đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các đơn vị lực lượng vũ trang, các cơ quan Trung ương được tổ chức theo ngành dọc đóng tại địa phương, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn dạy lớp tiểu học có số học sinh vượt từ 20% trở lên so với số học sinh/lớp theo quy định được hỗ trợ thêm 18 giờ dạy/giáo viên/tháng (cách tính thực hiện như cách tính tiền lương dạy thêm giờ). Thời gian hưởng 9 tháng/năm.

Chế độ, chính sách hỗ trợ đối với viên chức, nhân viên

Theo dự thảo, chính sách mới hỗ trợ nhân viên cấp dưỡng, phục vụ, bảo vệ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc tỉnh quản lý (bao gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, trường chuyên biệt, cao đẳng Sư phạm), cụ thể như sau:

Nhân viên cấp dưỡng được hỗ trợ 1 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với các trường ở địa bàn khó khăn, không thu tiền học sinh để chi trả cho đối với nhân viên cấp dưỡng (nấu ăn). Ngoài chế độ trên, nhân viên cấp dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non, trong trường hợp cấp dưỡng phục vụ số trẻ vượt quá quy định thì được hỗ trợ thêm 5 ngày tiền lương hiện hưởng/người/tháng. Mỗi đơn vị chỉ được thiếu không quá 2 cấp dưỡng trong năm học.

Nhân viên phục vụ mới hợp đồng được hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Nhân viên bảo vệ mới hợp đồng được hỗ trợ 600.000 đồng/người tháng và tiền trang phục 600.000 đồng/2 bộ/người/năm.

Giáo viên phụ trách công tác phổ cập giáo dục, xoá mù chữ tại các xã, phường, thị trấn được hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ sở/người/tháng.

Hỗ trợ viên chức khi được điều động, phân công công tác ở các địa phương khác nơi đăng ký thường trú nhưng không có nhà riêng hoặc nhà công vụ tại nơi công tác như sau: Từ 20km đến 40km được hỗ trợ 150.000 đồng/người/tháng; trên 40km được hỗ trợ 200.000 đồng/người/tháng.

Hỗ trợ giáo viên mầm non công lập

Đối với các đơn vị có tổ chức ăn, giáo viên đến sớm trước 6 giờ 30 để vệ sinh phòng, nhóm lớp, chuẩn bị đồ chơi để tổ chức đón trẻ và chuẩn bị các điều kiện tổ chức cho trẻ ăn sáng; tổ chức và trực trưa cho trẻ ngủ (từ 11 giờ 30 đến 13 giờ 30); tổ chức trả trẻ (từ 16 giờ 30 đến 17 giờ 30), nhưng không thu tiền học sinh theo Nghị quyết 12/2021/NQ-HĐND ngày 9.12.2021 của HĐND tỉnh được hỗ trợ gọi chung là “trực sáng, trực trưa”.

Nếu giáo viên tham gia trực sáng, trưa đầy đủ trong tháng theo phân công của hiệu trưởng thì được tính tối đa là 4 ngày lương/người/tháng. Trường hợp thiếu giáo viên, hiệu trưởng bố trí 1 giáo viên/lớp thì được tính tối đa 6 ngày lương/người/tháng; giáo viên không tham gia đầy đủ, tuỳ theo số giờ vắng của giáo viên mà tính; nữ giáo viên có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hoặc có thai từ 6 tháng trở lên (sinh con theo quy định kế hoạch hoá gia đình) thì không phải trực sáng, trực trưa. Trường hợp thiếu giáo viên nhưng các giáo viên này vẫn trực bình thường thì được tính 6 ngày lương/người/tháng.

Giáo viên mầm non trực tiếp đứng lớp có số trẻ vượt từ 20% trở lên so với số trẻ/lớp theo quy định được hưởng 4 ngày lương/tháng/giáo viên. Hỗ trợ 0,3 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với ban giám hiệu, giáo viên mẫu giáo và 0,5 lần mức lương cơ sở/người/tháng đối với giáo viên nhà trẻ (bao gồm cả giáo viên trong thời gian tập sự), thời gian hỗ trợ là 5 năm.

 Giáo viên mầm non tham gia hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật trẻ em mầm non có nhu cầu giáo dục đặc biệt tại trường nhưng không thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Khoản 2, Điều 7 của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10.4.2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật.

Đối với giáo viên mầm non tham gia công tác sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật được hỗ trợ 15.000 đồng/phiếu sàng lọc. Giáo viên mầm non tham gia công tác khám đánh giá được hỗ trợ mức tiền lương 3 giờ dạy/phiếu khám đánh giá. Giáo viên mầm non tham gia hoạt động can thiệp cho trẻ có nhu cầu giáo dục đặc biệt được hỗ trợ tiền lương 2 giờ dạy/buổi can thiệp/trẻ (không quá 10 buổi/tháng/giáo viên).

Chính sách thu hút

Những người tốt nghiệp ĐHSP TP. Hồ Chí Minh, ĐHSP Hà Nội đạt loại giỏi, hoặc có trình độ thạc sĩ chuyên ngành ở các cơ sở giáo dục đại học khác, nếu có cam kết phục vụ tối thiểu 7 năm liên tục trở lên trong ngành Giáo dục, phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển dụng thì được tuyển dụng vào ngành Giáo dục và được hỗ trợ 50.000.000 đồng.

Giáo viên mới được tuyển dụng và có cam kết phục vụ trong thời hạn ít nhất 5 năm, được hưởng các chính sách thu hút như sau:

Giáo viên mầm non được tuyển dụng mới kể từ năm học 2022-2023 đến hết năm học 2026-2027 theo mức: Năm đầu được tuyển dụng hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng. Năm thứ hai sau khi được tuyển dụng: hỗ trợ 70% lương cơ sở/người/tháng. Năm thứ ba sau khi được tuyển dụng: hỗ trợ 50% lương cơ sở/người/tháng. Từ năm thứ tư, thực hiện chế độ tiền lương cho giáo viên theo quy định hiện hành.

Giáo viên phổ thông mới tuyển dụng thuộc các môn thiếu giáo viên: Trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương theo ngạch, bậc tuyển dụng; được trợ cấp lần đầu để ổn định nơi công tác với số tiền hỗ trợ là 5.000.000 đồng/người; hằng tháng được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.

Đối với cán bộ quản lý và giáo viên đang công tác tại những địa bàn khó khăn của tỉnh, có công lao đóng góp, tiếp tục gắn bó lâu dài tại địa phương và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; hoặc những cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại địa bàn khác tình nguyện về công tác ở những địa bàn khó khăn của tỉnh, nếu cam kết phục vụ ít nhất 5 năm thì được hưởng chính sách như sau: Được trợ cấp lần đầu để ổn định nơi công tác với số tiền hỗ trợ là 5.000.000 đồng/người; hằng tháng được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người.

Cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên các doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh có trình độ đại học thuộc các môn gần với các môn học phổ thông đang thiếu giáo viên được đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm tham gia biệt phái hoặc dạy thỉnh giảng được hỗ trợ từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/tiết dạy.

Trường hợp cán bộ quản lý và giáo viên đã nhận hỗ trợ nêu trên nhưng vi phạm cam kết thì phải hoàn trả lại đủ số tiền đã được hỗ trợ.

Nguồn kinh phí thực hiện chính sách từ nguồn ngân sách tỉnh; ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện.

Vì những nguyên nhân khác nhau (báo chí đã đề cập nhiều lần), Tây Ninh đang thiếu hơn 1.200 giáo viên, trong đó phần lớn là giáo viên mầm non. Chính sách mới này có thể xem như một trong những giải pháp để khắc phục phần nào thực trạng vừa nêu.

Đối với viên chức có khó khăn về nhà ở công tác ở 20 xã biên giới, tại các cơ sở giáo dục công lập (gồm giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông được điều động, phân công công tác cách xa nơi đăng ký thường trú từ 30km trở lên, không được bố trí nhà công vụ mà phải thuê nhà ở thì được hỗ trợ tiền thuê nhà trọ bằng 0,7 lần mức lương cơ sở/người/tháng (thời điểm được điều động, phân công phải sau thời điểm đăng ký thường trú). Thời gian được hưởng chế độ hỗ trợ là 5 năm.

Việt Đông

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh