Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Người dân An Tịnh phản ánh nhiều người ở địa phương từng tham gia trong chiến tranh biên giới Tây Nam với tư cách là dân quân tự vệ, nhưng đến nay chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri khối huyện, cụm liên xã trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua ở UBND xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng, cử tri Phan Văn Thuận (sinh năm 1961, ngụ ấp Suối Sâu) đã có phản ánh nhiều người ở xã An Tịnh từng tham gia trong chiến tranh biên giới Tây Nam với tư cách là dân quân tự vệ, nhưng đến nay chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần.
Ông Thuận nêu ý kiến trong buổi gặp gỡ ĐBQH.
Sau hội nghị, chúng tôi đến Văn phòng Ban quản lý ấp Suối Sâu gặp cử tri Phan Văn Thuận để tìm hiểu thêm vấn đề. Ông Thuận cho biết, trong giấy tờ, ông khai sinh năm 1961, nhưng trên thực tế, ông lớn hơn 2 tuổi. Năm 1975, ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông cũng như nhiều thanh niên xứ Trảng đều được chính quyền địa phương kêu gọi vào lực lượng dân quân dự bị để khi cần thiết sẽ tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. bản thân ông Thuận cũng đã đăng ký vào lực lượng Dân quân tự vệ xã An Tịnh. Năm 1977, ông được bầu làm Xã đội phó xã An Tịnh.
Khi chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra, ông lên biên giới đóng chốt cùng Huyện đội Trảng Bàng ở cầu Ông Sãi (xã Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng). Chiến tranh kết thúc, ông trở về địa phương, trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau, hiện nay ông là Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Suối Sâu.
Trở lại vấn đề chế độ trợ cấp một lần. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 62/2011/QĐ-TTG về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Quyết định này áp dụng đối với nhiều đối tượng, trong đó có đối tượng là “Dân quân tự vệ, công an xã do chính quyền cấp xã tổ chức và quản lý (bao gồm cả thôn, ấp thuộc các xã biên giới) trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã về gia đình, hiện không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng”.
Sau khi Quyết định ban hành, ông Thuận cùng 9 đồng đội khác đều là Dân quân tự vệ xã An Tịnh lập hồ sơ nộp lên UBND xã An Tịnh đề nghị được hưởng chế độ theo Quyết định số 62.
Ngày 6.7.2018, Hội đồng chính sách xã An Tịnh tổ chức xét duyệt, đề nghị cấp trên xem xét và giải quyết chế độ trợ cấp một lần đối với các đối tượng nêu trên.
Những trường hợp chưa được hưởng chế độ trợ cấp một lần, vì không đủ 18 tuổi khi tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Theo lời ông Thuận kể, sau đó, 10 bộ hồ sơ này được chuyển lên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trảng Bàng. Sau khi xem xét, lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Trảng Bàng mời ông Thuận đến và trả lời (không có văn bản) rằng, chỉ có 4/10 hồ sơ đủ điều kiện và đã được chuyển qua Hội đồng chính sách huyện Trảng Bàng xem xét. Đến nay, Hội đồng chính sách huyện đã xét duyệt xong 4 bộ hồ sơ này xong, 6 bộ hồ sơ còn lại, trong đó có hồ sơ của ông Thuận- do không đủ 18 tuổi khi tham gia bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam nên không được xem xét giải quyết chế độ theo Quyết định số 62.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu Quyết định số 62, ông Thuận không thấy điều khoản nào quy định không đủ 18 tuổi khi tham gia bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam nên không được hưởng chế độ. Ông Thuận còn cho biết thêm, thời điểm ông giữ chức vụ Xã đội phó xã An Tịnh, trong xã có đến 36 trường hợp tham gia bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam. Hiện nay, chỉ mới có 10 người làm hồ sơ xin hưởng chế độ theo Quyết định số 62, nếu được giải quyết chế độ, 26 trường hợp còn lại sẽ tiếp nộp hồ sơ xin hưởng chế độ.
Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri, sau khi lắng nghe ông Thuận trình bày ý kiến, ông Nguyễn Văn Nên- Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng ghi nhận kiến nghị và giao lại cho Đại tá Hoàng Đình Chung- Phó Chủ nhiệm Quân khu 7 xem xét kỹ lại những trường hợp này để giải đáp, hướng dẫn cụ thể đối với những trường hợp nêu trên.
Đại Dương