Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều địa phương chỉ dạy học 5 ngày/tuần, học sinh nghỉ thứ bảy
Thứ năm: 22:44 ngày 17/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Để giảm áp lực cho học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục, các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, TP Hà Tĩnh... chỉ tổ chức dạy học 5 ngày/tuần, học sinh được nghỉ thứ bảy.

Vào cuối tháng 9, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành công văn về việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ bảy, chủ nhật đối với các trường học theo quy định của Bộ GD&ĐT về chế độ tuần làm việc 40 giờ và đề xuất của ngành GD&ĐT địa phương.

Trường THCS Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh là trường dạy 2 buổi/ngày do đó học sinh được nghỉ thứ bảy. Trong ảnh, học sinh của trường vào giờ ra chơi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT, UBND các huyện, TP chỉ đạo các cơ sở giáo dục triển khai dạy và học 5 ngày/tuần từ thứ hai đến thứ sáu, nghỉ thứ bảy và chủ nhật đối với các cấp học.

Việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của bộ GD&ĐT, hoàn thành nội dung, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo kế hoạch thời gian năm học.

UBND tỉnh giao Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể việc triển khai dạy và học 5 ngày/tuần đảm bảo thực hiện hiệu quả nội dung, chương trình, nhiệm vụ năm học theo quy định.

Kết thúc năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT Lai Châu tổ chức đánh giá tình hình, kết quả việc thực hiện dạy và học 5 ngày/tuần trên địa bàn và báo cáo UBND tỉnh.

Tương tự, năm học 2024-2025, TP Hà Tĩnh tổ chức thí điểm cho học sinh bậc THCS nghỉ thứ bảy.

Trước đó, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cũng đã có văn bản về việc cho ý kiến dạy học 5 ngày/ tuần, nghỉ thứ bảy cho học sinh bậc THCS của TP Hà Tĩnh.

Sở GD&ĐT đánh giá đây là nỗ lực của phòng GD&ĐT TP trong đổi mới giáo dục, quan tâm đến đời sống, quyền lợi của giáo viên, người lao động và học sinh. Sở GD&ĐT cũng lưu ý phòng GD&ĐT TP cần rà soát, nghiên cứu kỹ, đảm bảo điều kiện khi triển khai.

Cụ thể, các trường đảm bảo thời lượng học tập theo quy định của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và phù hợp với thực tế; xây dựng kế hoạch dạy học 2 buổi/ngày trong các trường một cách khoa học, hợp lý, đảm bảo theo mục tiêu, kế hoạch đề ra; khảo sát lấy ý kiến giáo viên.

Hiện, việc thực hiện nghỉ thứ bảy tại các trường THCS ở TP Hà Tĩnh nhận được phản hồi tích cực.

Phòng GD&ĐT TP Hà Tĩnh cũng cho biết việc tổ chức dạy học 5 ngày/tuần chỉ được thực hiện ở những đơn vị đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ giáo viên; phải xuất phát từ nhu cầu, tự nguyện của cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh nhà trường.

Lào Cai là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm chương trình dạy học 5 ngày/tuần trên cả nước. Chương trình bắt đầu từ năm học 2019-2020. Sau 5 năm thực hiện thí điểm chương trình dạy học 5 ngày/tuần, tỉnh Lào Cai đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, nâng cao chất lượng giáo dục, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học.

Trước mắt tỉnh Lào Cai tiếp tục thực hiện dạy 5 ngày/tuần, nghỉ thứ bảy đối với cấp tiểu học và THCS; chưa thể thực hiện ở bậc THPT do điều kiện cấp học này chưa đáp ứng.

Trong khi đó, tại Nghệ An, một số trường THCS ở TP Vinh và một số huyện miền núi đã "nói không" với việc học chính khóa vào ngày thứ 7.

Cụ thể, tại TP Vinh có một số trường như THCS Hưng Bình, Đội Cung, Hưng Hòa, Nghi Ân.... Đăng Khôi, học sinh 1 trường THCS tại TP Vinh cho biết, đây là năm thứ 3 em được nghỉ thứ bảy. Việc nghỉ thứ bảy giúp em có thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá, dành thời gian cho gia đình và phụ giúp thêm cho ba mẹ việc nhà.

Còn tại TP.HCM, việc học ngày thứ bảy tuỳ thuộc vào trường tổ chức 2 buổi/ngày hay 1 buổi/ ngày. Thường những trường dạy 2 buổi/ngày sẽ học 5 ngày/tuần, nghỉ thứ bảy. Những trường dạy học 1 buổi/ngày sẽ học từ thứ hai đến thứ bảy.

Hiện nay, trên cả nước, hầu hết các trường tiểu học do học 2 buổi/ngày nên được nghỉ trọn vẹn 2 ngày thứ bảy và chủ nhật. Tuy nhiên, học sinh ở khối THCS, THPT thì phần lớn vẫn chỉ học 1 buổi/ngày và phải tổ chức dạy học chính khóa cả ngày thứ bảy do không đảm bảo về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên.

Nguồn PLO

Tin cùng chuyên mục