Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ĐÔI ĐIỀU VỀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG MỚI:
Nhiều điểm mới, lắm băn khoăn
Thứ bảy: 21:27 ngày 05/01/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðiều băn khoăn đầu tiên và lớn nhất là liệu giáo viên có đủ khả năng dạy học theo chương trình mới? Chương trình mới có nhiều cái mới, nhiều môn mới, nhiều môn tích hợp cùng với việc chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Như tin đã đưa, vừa qua, Bộ Giáo dục & Ðào tạo chính thức công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo lộ trình, năm học 2020-2021, chương trình sẽ triển khai cho lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai cho lớp 2, lớp 6; năm học 2022-2023 triển khai tiếp cho lớp 3, lớp 7, lớp 10; năm học 2023 -2024 triển khai cho lớp 4, lớp 8, lớp 11 và năm học 2024 -2025 sẽ hoàn thành toàn bộ ba cấp học (lớp 5, lớp 9, lớp 12). Theo nhận định ban đầu, chương trình được công bố không khác nhiều so với chương trình được đưa ra lấy ý kiến đóng góp trước đó. Xét về tổng thể, chương trình mới phù hợp với xu hướng giáo dục của nhiều nước hiện nay. Chương trình có nhiều điểm mới nhưng cũng còn không ít băn khoăn về tính khả thi và hiệu quả.

Ðiểm mới đầu tiên là chương trình có một tổng chủ biên trong việc xây dựng chương trình tổng thể của các cấp học. Ðiều này tránh được độ “vênh” giữa nội dung trong từng môn học và cấp học. Kiến thức và kỹ năng của các môn ở các lớp, các cấp sẽ có sự kết nối, thống nhất, không lặp, không chồng chéo... giúp người học tận dụng và phát huy được vốn liếng ở lớp dưới, cấp dưới vào các lớp, các cấp cao hơn. Từ một chương trình tổng thể, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, các địa phương, giáo viên, học sinh có thể lựa chọn bộ sách phù hợp.

Chương trình mới chuyển từ mô hình dạy học theo nội dung sang mô hình dạy học phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hoá hoạt động của người học. Qua đó, giúp học sinh hình thành và phát triển những năng lực và phẩm chất cần thiết đáp ứng yêu cầu của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Chương trình thể hiện rõ hai giai đoạn: giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9, giai đoạn này lồng ghép những nội dung liên quan của một số môn học với nhau để tránh chồng chéo, trùng lặp...); giai đoạn giáo dục định hướng (từ lớp 10 đến lớp 12, giảm tải môn học, tiết học đáng kể so với chương trình hiện hành). Chương trình còn thiết kế một số môn học mới như Tin học, Công nghệ, Ngoại ngữ 2, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp... và một số môn tự chọn tạo điều kiện cho học sinh lựa chọn phù hợp với sở thích và năng lực của bản thân.

Từ cấp THCS trở lên, bên cạnh định hướng nội dung cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh, chương trình còn có 245 tiết (tương đương với 1 môn học) để các địa phương lựa chọn và bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai một số kế hoạch phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện địa phương, tạo nên sự kết nối hoạt động giáo dục giữa nhà trường - địa phương - gia đình - xã hội. Chương trình mới chú trọng việc vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát huy tính độc lập, sáng tạo của người học. Thầy cô giáo chỉ là người định hướng, dẫn dắt, còn học sinh là người chủ động thực hiện, thực hành để có được kiến thức và kỹ năng cần thiết.

Ngoài hoạt động học tập, chương trình mới còn chú trọng các hoạt động khác tạo điều kiện cho học sinh phát triển năng khiếu, rèn luyện, hình thành kỹ năng sống, kỹ năng mềm...

Tuy nhiên, nhiều người vẫn lo ngại về tính khả thi của chương trình giáo dục phổ thông mới. Ðiều băn khoăn đầu tiên và lớn nhất là liệu giáo viên có đủ khả năng dạy học theo chương trình mới? Chương trình mới có nhiều cái mới, nhiều môn mới, nhiều môn tích hợp cùng với việc chuyển từ dạy học theo nội dung sang dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh.

Ða số giáo viên được đào tạo từ khá lâu, có nhiều hạn chế về ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Vấn đề thừa thiếu cũng được đặt ra. Vì thế việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên là hết sức quan trọng. Những lần trước (1986-1987, 2002-2003), giáo viên được giảng viên các trường sư phạm bồi dưỡng trực tiếp, lần này bồi dưỡng qua mạng khiến nhiều người băn khoăn, mặc dù ông Hoàng Ðức Minh- Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã trấn an: “Với sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua mạng cùng hệ thống công nghệ thông tin, chúng tôi tin rằng giáo viên sẽ đủ điều kiện đáp ứng chương trình mới”.

Một băn khoăn khác của nhiều địa phương là liệu có đủ cơ sở vật chất để dạy học hai buổi/ngày ở tiểu học. Các thiết bị, công nghệ thông tin phục vụ dạy học ở các trường vẫn còn thiếu thốn, không đồng bộ.

Một điểm mới, quan trọng được Bộ GD&ÐT nhấn mạnh là chương trình mới có sự giảm tải về môn học và giờ học nhưng nhiều người vẫn cho rằng chưa hẳn đã giảm tải. Cảm nhận ban đầu của chúng tôi là cấp tiểu học, trung học cơ sở vẫn chưa thực sự nhẹ hơn so với chương trình hiện hành. Lớp 1, 2 vẫn còn 7 môn; lớp 3 còn 9 môn; lớp 4, 5 còn 10 môn (trong đó có những môn tích hợp cho nên lượng kiến thức sẽ tăng lên). Ở cấp trung học phổ thông có vẻ như “nhẹ hơn”, nhưng giảm giờ học không có nghĩa là giảm áp lực cho học sinh. Ðiều mà giáo viên và học sinh mong mỏi là giảm tải, giảm áp lực phải đi kèm với đổi mới cách đánh giá, kiểm tra, thi cử. Học cái gì thi cái ấy để tránh tình trạng dạy thêm học thêm.

Vấn đề cũng không thể không quan tâm là việc chọn sách giáo khoa, chọn môn học. Ai sẽ chọn sách giáo khoa? Học sinh có được tự mình chọn môn học và chọn giáo viên, hay là phải theo “gợi ý”,”ép buộc” của trường. Những môn học không được chọn và giáo viên dạy môn đó sẽ giải quyết như thế nào?

Thời lượng 245 tiết nội dung giáo dục địa phương cũng là một khó khăn thách thức. Phân chia ra cho từng môn, lựa chọn, biên soạn, hướng dẫn, thẩm định, đánh giá như thế nào là vấn đề không hề đơn giản và không phải địa phương nào cũng có đủ khả năng thực hiện.

Công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập của đất nước trong thời đại 4.0 buộc giáo dục không thể chậm trễ hơn trong việc đổi mới chương trình giáo dục. Chờ đợi đã lâu, hy vọng rất nhiều, bây giờ chương trình mới đã được hiện thực hoá. Nhiều điểm mới, lắm khó khăn, giáo viên cần phải biết để đón nhận, vượt lên chính mình. Hy vọng, với quyết tâm của toàn ngành, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội, hứa hẹn một sự thành công, một sự bứt phá ngoạn mục của giáo dục Việt Nam để góp phần đưa đất nước Việt Nam “bước lên đài vinh quang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu”.

DIỆU MAI

Tin cùng chuyên mục