Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng

Đường Điện Biên Phủ. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

TẬN DỤNG MỌI ĐIỀU KIỆN ĐỂ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG GIAO THÔNG

Theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT), năm 2018, Sở đã tham mưu UBND tỉnh các nội dung về phát triển hạ tầng giao thông, một số đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhân chuyến thăm và làm việc với tỉnh Tây Ninh, được Thủ tướng Chính phủ đồng thuận.

Những nội dung mang tầm vĩ mô bao gồm: kiến nghị Chính phủ sớm đầu tư cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (Bộ GTVT đang hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư); giao UBND tỉnh thẩm quyền tổ chức kêu gọi đầu tư dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát; hỗ trợ vốn và giao UBND tỉnh làm chủ đầu tư dự án nâng cấp đường tuần tra biên giới đoạn từ cầu Sài Gòn 2 (giáp tỉnh Bình Phước) đến cửa khẩu quốc tế Xa Mát với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng; xem xét sớm đầu tư cao tốc Chơn Thành - Đức Hoà (hiện Bộ GTVT đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), cũng như các nội dung liên quan đến quốc lộ 22 đoạn từ Suối Sâu đến Mộc Bài, quốc lộ 22B và 22B kéo dài.

Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh trong việc góp ý báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài; góp ý điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có bổ sung quy hoạch tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát...

Năm 2018, Sở đã tổ chức thi công 12/12 dự án (6 dự án chuyển tiếp, 6 dự án mới) và thi công hoàn thành các tuyến đường Nguyễn Văn Linh, đường 794 (đoạn từ ngã ba Kà Tum đến cầu Sài Gòn), đường Tà Nông và đường 30.4.

Riêng các dự án còn lại, dự kiến sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2019 - 2020, gồm: đường Lý Thường Kiệt (đoạn từ đường CMT8 đến đường Châu Văn Liêm), đường 790 nối dài (đoạn từ đường Khedol - Suối Đá, còn gọi là đường 790B) đến đường Bờ Hồ - Bàu Vuông - Cống số 3 đường 781B), đường Phước Vinh - Sóc Thiết, đường 782 - 784, đường Đất Sét - Bến Củi, đường 781 từ ngã ba Bờ Hồ đến ranh tỉnh Bình Dương, đường Trưng Nữ Vương (đoạn từ cầu Thái Hoà đến quốc lộ 22B), đường huyện 12 xã Biên Giới, huyện Châu Thành.

Để cùng lúc triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng của tỉnh, cũng như nâng cao tính hiệu quả của các dự án khi hoàn thành, thời gian qua, Sở GTVT đã chủ động  kết hợp với các bộ, ngành Trung ương- nhất là Bộ GTVT và các đơn vị thuộc Bộ GTVT, tranh thủ các chương trình từ Trung ương, kịp thời tham mưu UBND tỉnh kiến nghị, đề xuất những nội dung có liên quan đến các dự án Trung ương đầu tư trên địa bàn. Từ đó, nhiều kiến nghị của địa phương được các bộ, ngành quan tâm, đồng thuận như dự án đường tuần tra biên giới; dự án sửa chữa, cải tạo quốc lộ 22B.

Thi công nâng cấp đường 30 tháng 4. Ảnh: Đ.H.T.

Sở cũng đã đề xuất Tổng cục Đường bộ Việt Nam đầu tư 28 cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh theo Dự án LRAMP, tải trọng 20 tấn, tổng kinh phí hơn 56 tỷ đồng,  giúp người dân vùng nông thôn đi lại, vận chuyển hàng hoá được thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng còn khó khăn. Đến nay, đã thi công xong 10 cầu, còn lại 18 cầu đang lập dự án.

Sở GTVT đã chủ động làm việc với các tỉnh lân cận để thực hiện kết nối giao thông vận tải giữa các địa phương. Năm 2018, Tây Ninh thống nhất với tỉnh Bình Dương bổ sung vào quy hoạch tổng thể GTVT của 2 tỉnh thêm 3 cầu vượt sông Sài Gòn để kết nối đường 789 (Tây Ninh) đến đường 744 (Bình Dương); đầu tư đường kết nối từ ngã ba Đất Sét (Tây Ninh) đến đường 744 (Bình Dương); xây dựng mới 1 cầu bắc qua sông Sài Gòn (hiện phần đường phía Tây Ninh đang thi công xây dựng).

Tây Ninh cũng đề nghị Long An đầu tư tuyến đường 838C đồng cấp với đường 786 của Tây Ninh (đã bổ sung vào kế hoạch đầu tư công) và đường 821 đồng cấp với đường 787A của Tây Ninh (phía Long An thực hiện trong năm 2019). Tỉnh cũng đã thống nhất với Long An bổ sung vào quy hoạch tổng thể GTVT của 2 tỉnh cầu bắc qua sông Vàm Cỏ Đông tại bến khách ngang sông Phước Chỉ - Lộc Giang; và mở mới tuyến giao thông kết nối trung tâm xã Phước Chỉ với trung tâm xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An.

CẦN ĐẦU TƯ ĐỒNG BỘ

Theo ông Ngô Trần Ngọc Quốc- Giám đốc Doanh nghiệp vận tải Trần Quốc (huyện Hoà Thành), việc tỉnh chủ trương tập trung đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng trong thời gian qua là tín hiệu tích cực, rất cần thiết. Bởi trong phát triển kinh tế, hạ tầng giao thông đóng một vai trò rất quan trọng. Hạ tầng giao thông tốt sẽ tạo điều kiện cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá thuận lợi, từ đó thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ.

Thực tế thời gian qua, các tuyến đường trọng điểm của tỉnh như quốc lộ 22B, đường 782-784, đường Đất Sét - Bến Củi… xuống cấp nặng và quá tải đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, cũng như có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao. Do đó, khi các tuyến đường trên được thi công hoàn thành và đưa vào sử dụng, chắc chắn sẽ mang lại những đổi thay tích cực ở địa phương.

Dự án giai đoạn 1 đường ĐT 794, đoạn từ Km16+000 (cầu Suối Ngô) đến

cầu Sài Gòn 1 nối với tỉnh Bình Phước cơ bản hoàn thành. Ảnh: Lê Đức Hoảnh.

Đặc biệt là các tuyến đường này đều kết nối với các khu du lịch nổi tiếng của tỉnh như núi Bà Đen, hồ Dầu Tiếng, Toà thánh Cao Đài Tây Ninh. Do đó, việc tỉnh chú trọng đầu tư các tuyến đường quan trọng này cũng sẽ góp phần thúc đẩy du lịch tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, trong quá trình tập trung phát triển hạ tầng giao thông, ngành GTVT cần có định hướng để phát triển đồng bộ. Bởi hiện nay, ngoài đường 794 đã hoàn thành kết nối thuận lợi với tỉnh Bình Phước, đường Đất Sét - Bến Củi kết nối với tỉnh Bình Dương, dự án đường kết nối với tỉnh Long An gần như chưa có, nên cũng cần được đầu tư trong thời gian tới. Bên cạnh đó, cũng cần chú trọng đến các tuyến đường ra các cửa khẩu lớn để thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu.

Trong những năm tới, Sở GTVT tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh đầu tư các dự án giao thông quan trọng như dự án cầu An Hoà, đường 793… để đưa hạ tầng giao thông của tỉnh phát triển đồng bộ, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Cầu Bến Đình. Ảnh: Nguyễn Huỳnh Đông

T.H