Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Hồ Chí Minh
Nhiều giải pháp hạn chế rủi ro vụ Hè Thu 2025
Thứ sáu: 03:30 ngày 23/05/2025

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau khi thu hoạch vụ Đông Xuân 2024-2025, nông dân tất bật chuẩn bị sản xuất vụ Hè Thu 2025. Do điều kiện thời tiết tương đối bất lợi, để bảo đảm vụ mùa thắng lợi, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Chủ động sản xuất

Đối với cây lúa, dự kiến diện tích sản xuất vụ Hè Thu 2025 khoảng 49.500 ha. Thời gian xuống giống tập trung trong tháng 4, 5 và kết thúc trước 15.6.2025 nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ xuống giống vụ tiếp theo. Lượng giống gieo sạ từ 80–120 kg/ha.

Ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh khuyến cáo nông dân sử dụng giống lúa có nguồn gốc rõ ràng; áp dụng các giải pháp kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”. Do đầu vụ thời tiết thường nắng nóng, nông dân cần lưu ý khi gieo sạ tránh động nước gây chết mầm lúa. Đồng thời chủ động các phương án tiêu thoát nước đề phòng mưa lớn bất thường. Dự báo tình hình sâu bệnh phát sinh gây hại trên cây lúa như bọ phấn trắng, bọ trĩ, nhện gié, sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, chuột, ốc bươu vàng, bệnh đốm vằn và các bệnh do vi khuẩn gây ra...

Ông Trần Thành Thật- Tổ trưởng Tổ liên kết sản xuất Lúa Vàng Việt, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu cho biết: "Nông dân sản xuất theo quy trình lúa chất lượng cao, áp dụng kỹ thuật rút nước theo nguyên tắc ướt khô xen kẽ; bón phân hợp lý, cân đối; sử dụng bảng so màu lá lúa để điều chỉnh lượng đạm bón phù hợp; quản lý dịch hại tổng hợp và thu rơm rạ ra khỏi ruộng bằng máy cuộn rơm. Ngoài ra, nông dân còn áp dụng cơ giới hoá ở nhiều khâu trong canh tác nên giảm công lao động. Hiện các diện tích lúa Hè Thu của nông dân ở giai đoạn đẻ nhánh, lúa phát triển xanh tốt”.

Dự kiến diện tích sản xuất lúa vụ Hè Thu 2025 trên địa bàn tỉnh khoảng 49.500 ha.

Trên địa bàn xã Long Vĩnh, huyện Châu Thành có Hợp tác xã (HTX) sản xuất và dịch vụ nông nghiệp Long Vĩnh, Tổ hợp tác (THT) lúa xã Long Vĩnh. Có 47 thành viên của HTX, THT tham gia thực hiện chuỗi liên kết sản xuất với diện tích 75 ha, đạt 100% so diện tích hợp đồng, đạt 100% diện tích thành viên có đất sản xuất; trong đó, có 18 hộ/34,39 ha được cấp giấy chứng nhận VietGAP.

Ông Trần Văn Đạt, ngụ ấp Long Phú, xã Long Vĩnh có 1,5 ha đất trồng lúa. Vụ Hè Thu 2025, ông Đạt và các hộ nông dân trên địa bàn tiếp tục tham gia THT lúa xã Long Vĩnh. “Tôi được cơ quan chức năng hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, phòng chống sâu bệnh hại và bao tiêu sản phẩm đầu ra, giúp nông dân an tâm sản xuất”- ông Đạt chia sẻ.

Đối với rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày, kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu 2025 trên địa bàn tỉnh khoảng 6.600 ha, đậu các loại 730 ha, đậu phộng 260 ha, bắp 1.250 ha, khoai mì 12.300 ha và mía 300 ha. Tuỳ thuộc vào điều kiện đất đai, mùa vụ, hệ thống tưới tiêu, đối tượng cây trồng để xác định biện pháp kỹ thuật thâm canh hợp lý để có hiệu quả kinh tế cao.

Ngành Nông nghiệp dự báo tình hình sâu bệnh hại trên cây rau các loại như sâu vẽ bùa, bệnh thối nhũn, thối gốc... gây hại trên nhóm rau cải; bọ trĩ, nhện đỏ, sâu xanh, ruồi đục quả, bệnh đốm lá, đốm vàng, thán thư, phấn trắng... gây hại nhóm cây khổ qua, dưa leo, bầu, bí, mướp; nhóm nhện, bọ trĩ, bệnh thán thư, héo xanh, héo vàng gây hại cây ớt; dòi đục lá, sâu xanh da láng, bệnh thán thư gây hại cây hành lá...

Hệ thống kênh vượt sông Vàm Cỏ Đông đoạn qua địa phận xã Hoà Hội (huyện Châu Thành) bảo đảm cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.

Riêng cây khoai mì, nông dân nên sử dụng các giống KM140, KM505 sạch bệnh; giống khoai mì mới có khả năng kháng/chống chịu bệnh khảm lá (HN1, HN5) để gieo trồng. Một số đối tượng phát sinh gây hại như bệnh lở cổ rễ, thối củ, xì mủ chết đọt phát sinh gây hại. Nông dân thường xuyên thăm đồng để có các giải pháp tiêu thoát nước kịp thời khi mưa lớn bất thường. Đối với cây bắp cần quản lý tốt sâu keo mùa thu ngay từ đầu vụ nhằm tránh gây thiệt hại cuối vụ.

Kế hoạch diện tích trồng cây ăn trái năm 2025 là 24.820 ha, một số loại cây chính như cây chuối 1.950 ha, cây xoài 2.540 ha, cây nhãn 4.100 ha, cây sầu riêng 3.900 ha, cây bưởi 1.250 ha, cây mãng cầu 6.000 ha. Ngành Nông nghiệp triển khai hướng dẫn nông dân xây dựng mô hình đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng cây ăn trái; áp dụng các biện pháp kỹ thuật như tỉa cành, tạo tán, rải vụ, tưới nước tiết kiệm, bao trái...

Giai đoạn đầu vụ gặp nắng nóng, khô hạn, nông dân cần áp dụng các biện pháp tưới nước tiết kiệm; tủ gốc, tỉa bớt cành nhánh, bón phân lân, kali và phun một số loại phân trung vi lượng qua lá để nâng cao khả năng chống chịu cho cây. Vào mùa mưa, rễ cây ăn trái thường yếu do mưa nhiều làm đất yếm khí, đồng thời thuận lợi cho các dòng nấm trong đất phát sinh gây hại; do đó cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối, tiêu thoát nước tốt, không để vườn ngập trong điều kiện mưa nhiều.

Nông dân thu hoạch mãng cầu.

Nông dân tăng cường bón phân hữu cơ nhằm nâng cao khả năng giữ ẩm và tăng độ phì cho đất; thường xuyên kiểm tra vườn phát hiện sớm dịch hại để phòng trừ kịp thời nhằm tăng khả năng chống chịu của cây. Ngành Nông nghiệp cấp mã số vùng trồng cho vùng có diện tích cây ăn trái lớn (tối thiểu 10 ha) và mã số cơ sở đóng gói phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc; thực hiện kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.

Dự báo tình hình sâu bệnh hại trên mãng cầu ta như bọ trĩ, sâu đục trái, ruồi đục trái, rệp sáp; bệnh thán thư, thối rễ, nấm hồng; trên cây nhãn: rệp sáp, sâu đục quả; bệnh thối trái, chổi rồng; trên cây sầu riêng: rệp sáp, sâu đục thân, bệnh nứt thân xì mủ, thán thư; trên cây có múi: sâu vẽ bùa, rầy chổng cánh, nhện đỏ, bọ trĩ, bệnh thối gốc chảy nhựa, vàng lá thối rễ, vàng lá gân xanh, loét vi khuẩn.

Đối với cây công nghiệp dài ngày, nông dân cần tăng cường đầu tư, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiến bộ vào sản xuất, tưới nước tiết kiệm, sử dụng giống mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích nghi với sự biến đổi khí hậu, thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ dịch hại.

Để vụ mùa bội thu

Nhằm giúp nông dân sản xuất tốt vụ Hè Thu 2025, ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương trên địa bàn đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp nông dân ứng phó hiệu quả trước các điều kiện sản xuất bất lợi và nỗ lực kéo giảm tối đa các chi phí.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp xây dựng mô hình đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng để nông dân tham quan học tập, áp dụng vào sản xuất; triển khai các lớp tập huấn cho nông dân về cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây trồng; tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo nông dân sản sử dụng giống lúa cấp xác nhận; hướng dẫn nông dân sạ thưa với lượng giống từ 80–100 kg/ha, áp dụng “1 phải 5 giảm”, cơ giới hoá trong sản xuất và thu hoạch nhằm bảo đảm sản xuất lúa vụ Hè Thu 2025 đạt hiệu quả cao.

Nông dân nên sử dụng các giống khoai mì KM140, KM505 sạch bệnh.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật theo dõi, tổng hợp tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả; tăng cường công tác phòng trừ sinh vật gây hại nhằm bảo vệ các vụ lúa, cây trồng chủ lực, cây trồng chuyển đổi; thực hiện điều tra, giám sát đồng ruộng/vườn cây để kịp thời phát hiện dịch hại mới, dịch hại mới nổi, sinh vật gây hại có nguy cơ phát sinh trên diện rộng gây thiệt hại cho sản xuất; duy trì hoạt động hệ thống bẫy đèn thường xuyên tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh.

Chi cục Thuỷ lợi theo dõi các bản tin dự báo về tình hình khí tượng, thuỷ văn trên khu vực Tây Ninh; thông báo cho các địa phương biết, chủ động phòng tránh các đợt mưa bão bất thường và thiên tai (nếu có); bảo đảm nguồn cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp thời gian chuyển vụ Đông Xuân 2024–2025 sang vụ Hè Thu 2025 trên địa bàn tỉnh; kiểm tra hệ thống thuỷ lợi, củng cố, cải tạo thuỷ lợi nội đồng, đê bao, bờ bao, đề phòng ngập úng cục bộ do mưa lớn bất thường.

Nhi Trần - Hoàng Yến

Tin cùng chuyên mục