Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một khẳng định, từ sau dịch Covid-19, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra tại một số đơn vị, cơ sở y tế công lập, tuỳ vào từng thời điểm. Đến nay, tình trạng này đã được khắc phục, các đơn vị, cơ sở y tế công lập phục vụ khám, chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khoẻ cho người dân ngày càng tốt hơn.
Nhiều kiến nghị của cử tri
Từ sau kỳ họp thứ 14 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh khoá X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã có nhiều ý kiến của cử tri kiến nghị khắc phục tình trạng thiếu thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) và vật tư y tế tại các bệnh viện công lập trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, cử tri xã Tân Phong (huyện Tân Biên) phản ánh người dân tham gia BHYT hơn 10 năm nhưng khi nằm viện, Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh yêu cầu phải mua thuốc và các loại vật tư y tế theo toa do bệnh viện không đủ khả năng chi trả BHYT. Cử tri xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu) phản ánh từ ngày 1.7.2024, mức lương cơ sở tăng kéo theo đó là tiền mua BHYT cũng tăng, trong khi, tình trạng thiếu thuốc BHYT và trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ người dân đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra, chất lượng khám và điều trị bệnh chưa được cải thiện.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh khám bệnh cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh
Cử tri đề nghị ngành chức năng xem xét khắc phục để tạo điều kiện thuận tiện cho người dân khám, chữa bệnh và an tâm khi tham gia BHYT. Cử tri xã Hiệp Thạnh (huyện Gò Dầu) kiến nghị ngành chức năng quan tâm công tác đào tạo nâng cao chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ y, bác sĩ- nhất là đội ngũ bác sĩ tuyến huyện để phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh cho người dân.
Người dân nhận thuốc BHYT tại Khoa Khám Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh
Cử tri xã Thạnh Bình (huyện Tân Biên) kiến nghị ngành chức năng cung ứng thuốc BHYT tại các trạm y tế xã để thuận tiện cho việc chăm sóc sức khoẻ người dân, đặc biệt là thuốc huyết áp. Về ý kiến này, Sở Y tế cho biết, theo Thông tư 46/2016/TT-BYT của Bộ Y tế, tăng huyết áp là bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày; và theo Thông tư 52/2017/TT-BYT, Bộ Y tế quy định đơn thuốc và kê đơn thuốc hoá dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, số lượng thuốc được kê đơn do bác sĩ khám bệnh trực tiếp quyết định trong thời gian 30 ngày cho một lần điều trị. Trước đây, các trạm y tế tuyến xã cấp thuốc điều trị tăng huyết áp 1 lần trong tuần. Tuy nhiên, BHXH tuyến huyện không đồng ý thanh toán công khám bệnh do đây là bệnh mạn tính (không được tách đợt điều trị), nên một số trạm y tế tuyến xã tạm thời ngưng cấp thuốc huyết áp ngắn ngày. Hiện nay, sau khi được hướng dẫn của các trung tâm y tế tuyến huyện, một số trạm y tế tuyến xã đã cấp thuốc tăng huyết áp dài ngày (28 ngày/lần khám), vừa bảo đảm có đầy đủ thuốc, vừa bảo đảm thanh toán, quyết toán BHYT. Thời gian tới, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo các trung tâm y tế tuyến huyện giao các trạm y tế tuyến xã mở rộng công tác quản lý và cấp thuốc cho các bệnh không lây.
Bảo đảm đủ thuốc khám, chữa bệnh
Tình trạng thiếu thuốc BHYT trong một thời gian khá dài đã ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh của người dân ở các cơ sở y tế Nhà nước. Nguyên nhân, kết quả đấu thầu thuốc tập trung năm 2019 có hiệu lực 24 tháng, nên đến cuối năm 2021, thời hạn hợp đồng đã hết hiệu lực, các cơ sở khám, chữa bệnh không thể mua được thuốc BHYT. Mặt khác, dịch Covid-19 xảy ra, mọi hoạt động đều tập trung vào công tác phòng, chống dịch bệnh nên đã gây ảnh hưởng đến công tác thực hiện đấu thầu thuốc giai đoạn tiếp theo.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người bệnh
Cuối năm 2022, Sở Y tế triển khai đấu thầu thuốc BHYT tập trung cấp địa phương và hoàn thành 4 gói thầu vào cuối tháng 5.2024, với 1.217/1.570 mặt hàng được phê duyệt kế hoạch (đạt 77,52%), cơ bản bảo đảm nhu cầu thuốc BHYT phục vụ khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tại các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu cục bộ một số loại thuốc do không lựa chọn được nhà thầu.
Tuy nhiên, công tác đấu thầu mua hoá chất xét nghiệm, vật tư y tế tiêu hao đã gặp một số khó khăn nhất định (không có báo giá, tư vấn thẩm định giá...) gây ảnh hưởng đến chất lượng KCB cho người dân có BHYT, đặc biệt vào những tháng đầu năm 2024.
Sở Y tế khẳng định, từ tháng 7.2024, tất cả các cơ sở KCB công lập đã thực hiện đấu thầu gói thầu vật tư, hoá chất và đã ký hợp đồng mua sắm, bảo đảm đủ vật tư y tế phục vụ công tác KCB trên địa bàn tỉnh, chỉ trừ một số mặt hàng không có đơn vị trúng thầu. Ngoài ra, còn có trường hợp bệnh được chỉ định thuốc và vật tư y tế ngoài danh mục BHYT chi trả, do đó, nếu thuốc và vật tư y tế nằm ngoài danh mục BHYT chi trả, người bệnh phải tự mua thêm.
Ngành Y tế nhìn nhận, bên cạnh vấn đề thiếu thuốc BHYT, vật tư, trang thiết bị y tế ảnh hưởng đến chất lượng KCB, ngành Y tế còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân lực y tế công lập, bác sĩ và điều dưỡng trình độ cao; cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, nhiều đơn vị sử dụng lâu nhưng chưa được quyết toán, không thể sửa chữa; chất lượng công tác khám, chữa bệnh chưa đồng đều giữa các đơn vị; công tác quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT còn gặp nhiều khó khăn, các đơn vị được giao tự chủ tài chính gặp khó khăn do thu không đủ chi...
Giải pháp căn cơ
Để nâng cao chất lượng hoạt động, ngành Y tế đề ra các giải pháp căn cơ, lâu dài. Theo đó, Sở Y tế tiếp tục tham mưu Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách thuận lợi, phù hợp và hiệu quả để phát triển nguồn vốn, quản lý tài chính, nhân lực y tế, xã hội hoá, tạo điều kiện để ngành Y tế triển khai hoạt động theo những chỉ tiêu sức khoẻ đã đề ra... Đặc biệt, cần có những chính sách, chế độ mạnh mẽ, thu hút hơn nữa để phát triển nhân lực Y tế.
Hiện Sở Y tế đã hoàn thành quyết toán năm 2023 của các đơn vị trực thuộc; đồng thời đề nghị tỉnh hỗ trợ ngân sách Nhà nước để bù vào các khoản “hụt thu”, giải quyết dứt điểm công nợ với các đơn vị cung cấp thuốc. Trên cơ sở đó, lành mạnh hoá công tác tài chính của các đơn vị KCB công lập, tăng cường phát triển kỹ thuật mới, xây dựng đề án KCB dịch vụ để tăng thu nhập cho đơn vị và nhân viên y tế, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về đơn vị KCB Nhà nước làm việc, phục vụ tốt công tác KCB cho người dân.
Đẩy mạnh xã hội hoá công tác y tế ở tuyến y tế cơ sở, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Thực hiện thoả thuận hợp tác và phát triển giữa các tỉnh vùng Đông Nam bộ, với các nội dung trọng tâm như: hợp tác, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến cuối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện tuyến tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ.
Đối với trạm y tế tuyến xã, Sở Y tế sẽ tổ chức lại các trạm y tế theo hướng bố trí thiết bị và nhân lực hợp lý, tổ chức và hoạt động phù hợp với quy mô, cơ cấu dân số, điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng tiếp cận của người dân; hạn chế đầu tư dàn đều, tập trung cùng một lúc theo phong trào.
Hiện Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đề án “Thành lập Trường cao đẳng Y tế Tây Ninh” trên cơ sở nâng cấp Trường trung cấp Y tế Tây Ninh, để chủ động trong công tác đào tạo nhân lực y tế, phục vụ công tác KCB trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Tâm Giang