Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Bộ trưởng Bộ GTVT làm việc tại Tây Ninh:
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về hạ tầng giao thông
Thứ năm: 14:31 ngày 19/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Chiều 18.12, Đoàn công tác do ông Nguyễn Văn Thể- Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) làm Trưởng đoàn đã có buổi thăm và làm việc tại tỉnh Tây Ninh.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Thị Điệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Những lo lắng về hạ tầng giao thông của tỉnh

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ GTVT về thực trạng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng cho biết: về thuận lợi, tỉnh Tây Ninh đang có mật độ đường bộ tương đối cao so với các tỉnh trong khu vực. Mạng lưới đường bộ phân bổ tương đối đồng đều và rộng khắp; hình thành các trục dọc theo hướng Bắc - Nam để kết nối với TP.Hồ Chí Minh, các trục ngang để kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An. Ngoài ra, còn có các trục hướng tâm kết nối các huyện với thành phố Tây Ninh, các vùng nguyên liệu với nhà máy, các khu công nghiệp...

Toàn cảnh buổi làm việc.

Song song đó, đường thủy nội địa tương đối thuận lợi với 2 tuyến sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông kết nối trực tiếp với TP.Hồ Chí Minh (đến các cảng Sài Gòn, cảng Hiệp Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cơ sở hạ tầng bến, bãi và loại hình vận tải phần lớn được xã hội hoá đầu tư, chất lượng phục vụ ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu vận tải của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Dương Văn Thắng, bên cạnh một số thuận lợi trên, tỉnh Tây Ninh cũng gặp nhiều khó khăn trong phát triển hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng cho nhu cầu phát triển của tỉnh trong hiện tại cũng như thời gian tới. Cụ thể như: hệ thống giao thông quốc gia qua địa bàn tỉnh rất thấp, chiếm 1,6% mạng lưới đường bộ toàn tỉnh (có 3 tuyến với tổng chiều dài 132,21km/ 8.246km). Hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, nhất là kết nối với TP.Hồ Chi Minh gần như chỉ có tuyến QL22, hiện đã mãn tải nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng.

Một điều đáng lo ngại nữa là vào các giờ cao điểm, đoạn từ Củ Chi đến An Sương và một số đoạn qua KCN Trảng Bàng, đô thị Trảng Bàng luôn bị ùn tắc giao thông. Đặc biệt, QL22B đoạn từ Km33+262 đến Km84+162 đã được đầu tư rất lâu, có quy mô đạt tiêu chuẩn cấp III và đi xuyên qua các đô thị, khu dân cư, hiện nay đã không đáp ứng được nhu cầu vận tải và mất an toàn giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Một khó khăn nữa được tỉnh Tây Ninh báo cáo với đoàn công tác là hiện nay ranh giới giữa tỉnh Tây Ninh và Bình Dương là sông Sài Gòn với chiều dài khoảng 50km, nhưng chỉ có 2 điểm kết nối (cầu Sài Gòn và Dầu Tiếng), gây khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hóa giữa hai tỉnh và của khu vực. Hạ tầng phục vụ vận tải thuỷ chưa được quy hoạch (trên tuyến sông Sài Gòn), chưa đầu tư tương xứng để khai thác hiệu quả vận tải đường thủy...

Tỉnh Tây Ninh đề xuất một số kiến nghị đối với đoàn công tác của Bộ GTVT như: bổ sung quy hoạch tuyến luồng đường thủy nội địa, cụm cảng thủy nội địa và cụm cảng cạn sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh.

Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh đề xuất một số giải pháp tại buổi làm việc.

Kiến nghị Bộ GTVT đầu tư sớm nâng cấp, mở rộng đường QL22 trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, trong đó: mở rộng đoạn từ Suối Sâu đến hết đoạn tuyến tránh Trảng Bàng (khoảng 7km) 8 làn xe để đồng bộ với quy mô Quốc lộ 22 đoạn từ nút giao An Sương đến ranh tỉnh Tây Ninh đang được UBND thành phố Hồ Chí Minh lập đề xuất chủ trương đầu tư với quy mô 8 làn xe, chiều rộng nền đường 39,5m.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ xem xét, chuyển cấp quản lý ĐT.791 nối từ cửa khẩu quốc tế Xa Mát đến cửa khẩu quốc tế Tân Nam, dài khoảng 24km thành quốc lộ.

Đối với việc triển khai mô hình một cửa một lần dừng tại cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh cũng kiến nghị Bộ GTVT thống nhất cùng các bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ làm việc với phía Campuchia để sớm thực hiện kiểm tra một cửa một lần dừng tại cặp cửa khẩu Mộc Bài - Bà Vẹt.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Viết Thanh cho rằng, việc nâng cấp và tháo gỡ những khó khăn cho tỉnh sẽ giúp tỉnh sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển trong thời gian tới. Chẳng hạn như việc nâng cấp tuyến Quốc lộ để kết nối các cửa khẩu cũng như đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ là động lực tạo ra sự liên kết, phát triển kinh tế xã hội toàn vùng trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh uỷ cũng mong muốn Bộ GTVT bổ sung quy hoạch để phát triển hệ thống cảng, bến ven sông, thúc đẩy phát triển giao thông đường thuỷ nội địa. Bổ sung quy hoạch tuyến luồng đường thủy nội địa, cụm cảng thủy nội địa và cụm cảng cạn sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh..v..vv... nhằm tạo thuận lợi lớn cho việc phát triển logistics, thu hút đầu tư tại địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân giải thích làm rõ thêm một số kiến nghị của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Tân cũng chia sẻ thêm, việc nâng cấp tuyến Quốc lộ 22, 22B trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết để bảo đảm an toàn giao thông vì hiện nay, các vụ tai nạn giao thông hầu hết đều xảy ra trên các tuyến quốc lộ do hạ tầng xuống cấp. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng kiến nghị Bộ sớm tháo gỡ khó khăn cho tỉnh việc triển khai mô hình một cửa một lần dừng ở cửa khẩu Mộc Bài, vì hiện nay khu vực này hằng ngày xảy ra ùn ứ rất nghiêm trọng do lượng hàng hoá ngày càng tăng.

Phát biểu buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chia sẻ những khó khăn về hạ tầng giao thông của tỉnh trong thời gian qua. Đồng thời, Bộ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của địa phương trong việc giải quyết cũng như để xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, việc nâng cấp tuyến Quốc lộ 22B là sự cần thiết và khẩn trưởng thực hiện, bởi không chỉ tính cấp thiết để đảm bảo an toàn giao thông mà tuyến quốc lộ này còn có ý nghĩa lịch sử của nó vì đây là tuyến đường về Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, nơi đón tiếp và thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan du lịch, có ý nghĩa giáo dục truyền thống to lớn.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể phát biểu ý kiến về những kiến nghị, để xuất của tỉnh qua buổi làm việc.

Đối với dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, Bộ trưởng lưu ý tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với TP.HCM trong việc kêu gọi đầu tư, bố trí vốn cho công tác giải phóng mặt bằng để tuyến cao tốc sớm được triển khai.

Về đề nghị của tỉnh, nếu Bộ GTVT chưa thu xếp được nguồn vốn và đầu tư hoàn thành dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hoà thì cho phép 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Long An làm việc và thống nhất tạm ứng ngân sách địa phương đầu tư thông tuyến trên địa bàn 3 tỉnh; Bộ GTVT hoàn trả tạm ứng cho địa phương trong giai đoạn 2021-2025. Với đề xuất này ông Thể cho biết hoàn toàn ủng hộ các địa phương và đề nghị các địa phương này cần thống nhất phương án, hoàn tất thủ tục lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Bộ trưởng cũng thống nhất chủ trương bổ sung quy hoạch hệ thống cảng dọc sông Sài Gòn. Đối với một số kiến nghị, đề xuất khác của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận và đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp cùng tỉnh thực hiện các trình tự theo quy định.

Đức An

Tin cùng chuyên mục