Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Nhiều năm qua, nhờ chăn nuôi bò sữa, không ít hộ nông dân trên địa bàn huyện Trảng Bàng có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Qua đó cho thấy, hiệu quả kinh tế từ bò sữa đạt cao và ổn định hơn hẳn so với chăn nuôi gia cầm, gia súc khác. Nhiều hộ nông dân đã và đang tiếp tục đầu tư chăn nuôi bò sữa.
Anh Hiếu chăm sóc đàn bò sữa.
Tuy nhiên, hiện giá thu mua sữa không ổn định, không bảo đảm chi phí, thu nhập người chăn nuôi bò sữa giảm theo, dẫn đến nguy cơ khó duy trì đàn bò.
Trên địa bàn huyện Trảng Bàng có khoảng 300 hộ nuôi khoảng 4.500 con bò sữa. Các hộ ký hợp đồng cung cấp sữa tươi cho 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam và Công ty sữa Vinamilk, với tổng sản lượng thu mua khoảng 20 tấn/ngày. Trong đó, giá thu mua sữa của Vinamilk là 14.000 đồng/kg, của Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam là 12.000 đồng. Mức giá này cố định khoảng vài năm trở lại đây.
Anh Nguyễn Minh Hiếu, ngụ ấp An Thới, xã An Tịnh cho biết, anh đang nuôi khoảng 25 con bò sữa, trong đó có 12 con cho sữa, còn lại là bò tơ. Với 12 con bò đang khai thác sữa, năng suất bình quân đạt 2 tấn sữa/chu kỳ (14 ngày). Anh đang ký hợp đồng với Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam. Trước đây công ty này thu mua sữa với giá 12.000 đồng/kg, nhưng từ đầu năm 2016, công ty bổ sung văn bản thay đổi giá. Theo đó, công ty ký hợp đồng thu mua sữa với giá 9.000 đồng, nếu đạt các tiêu chí công ty đề ra, người nuôi sẽ được trả thêm, tương đương 11.000 đồng/kg. Chất lượng sữa đàn bò của anh Hiếu luôn đạt chuẩn, nhưng cũng chỉ bán được 11.000 đồng/kg- thấp hơn 3.000 đồng/kg so với giá mà Công ty sữa Vinamilk thu mua, gây thiệt thòi không nhỏ cho người chăn nuôi. “Nếu muốn chuyển sang ký hợp đồng với Công ty Vinamilk để có giá cao hơn thì không dễ chút nào, thậm chí có thể còn mất luôn hợp đồng tiêu thụ sữa với doanh nghiệp cũ”- anh Hiếu nói.
Anh Lưu Thanh Tùng- ngụ cùng ấp cho biết, hiện nay, nếu bò cho sữa không đạt một số tiêu chí chỉ bán được bình quân 10.000 đồng/kg mà thôi, mức giá này chỉ “lấy công làm lời”, có khi còn lỗ vốn.
Theo anh Tùng, hầu hết các hộ chăn nuôi bò sữa là khách hàng của Công ty Friesland Campina Việt Nam đều trong tình trạng rất lo lắng, bởi với giá sữa như hiện tại, người nuôi bò sữa chưa biết sẽ tính như thế nào. Họ hy vọng giá sữa của công ty này sẽ thay đổi trong thời gian tới.
Hằng ngày, các doanh nghiệp lấy mẫu sữa kiểm tra chất lượng, nếu bị lẫn tạp chất, vi sinh vật có hại, hàm lượng chất béo thấp hơn quy định hoặc bị viêm vú... sẽ bị trừ vào giá bán, nếu sữa có nhiễm kháng sinh sẽ bị cắt hợp đồng tiêu thụ sữa. Vì vậy, doanh thu và lợi nhuận của hộ nuôi bò sẽ phụ thuộc vào sản lượng và chất lượng của sữa.
Ðể giảm bớt khó khăn cho người chăn nuôi, vào tháng 8.2016, UBND tỉnh đã giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện Trảng Bàng phối hợp Công ty sữa Vinamilk, hộ chăn nuôi bò sữa bàn về nội dung phát triển chăn nuôi bò sữa và tiêu thụ sữa tại huyện Trảng Bàng. Theo đó, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, nâng cao năng lực cạnh tranh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các hộ chăn nuôi bò sữa nên phối hợp với nhau hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa để tạo điều kiện thuận lợi trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và tiêu thụ sữa; loại thải những con giống chất lượng kém, năng suất thấp; thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, quan tâm phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt khâu vệ sinh chất lượng sữa; đồng thời phối hợp với các công ty sữa giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ, nâng dần quy mô chăn nuôi để giảm giá thành và nâng cao hiệu quả.
THANH NHI