Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Việc sản phẩm nhãn Hoà Thành được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu không chỉ tạo cơ hội nâng cao giá trị thương hiệu mà còn giúp nông dân có thêm động lực phát triển sản xuất.
Thu hoạch nhãn trên địa bàn xã Trường Ðông (thị xã Hoà Thành).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, diện tích nhãn trên địa bàn tỉnh gần 4.000 ha, tập trung chủ yếu các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, thị xã Hoà Thành… năng suất bình quân đạt 17 tấn/ha.
Theo đó, nhãn là một trong những loại cây ăn trái đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho nông dân. Tuy nhiên, gần đây, nhiều vụ nhãn liên tiếp rơi vào tình trạng được mùa - mất giá, khiến người trồng không có lợi nhuận.
Cần chuyển đổi giống nhãn có chất lượng
Nhiều năm trước đây, trái nhãn tiêu da bò được thị trường Campuchia và Trung Quốc săn đón, cây nhãn được coi là cây “hái ra tiền”, nhiều người đua nhau trồng. Gần đây, nhãn liên tục rớt giá, có khi chỉ 3.000 đồng - 4.000 đồng/kg. Với giá như vậy, mỗi héc-ta, nông dân thất thu hàng chục triệu đồng.
Trước tình hình này, một số nông dân mạnh dạn chuyển đổi giống nhãn khác thay thế nhãn da bò để mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm chi phí đầu tư. Hiện giống nhãn tiêu da bò chiếm khoảng 90% tổng diện tích, 10% diện tích còn lại chuyển sang trồng các giống khác như nhãn xuồng và Ido.
Qua tìm hiểu thực tế, ông Trần Văn Liền (ngụ ấp Lộc Tân, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) nhận thấy nhãn xuồng cơm vàng là một trong những giống có chất lượng vượt trội so với các giống nhãn da bò, nhu cầu tiêu thụ của thị trường rất lớn, giá bán cao. Năm 2018, ông quyết định trồng 2 ha nhãn xuồng cơm vàng ghép trên gốc nhãn da bò, thành công khoảng trên 90%.
“Nhãn xuồng cơm vàng nhẹ công chăm sóc nhưng phải bảo đảm đủ phân bón để trái to, mẫu mã đẹp. Do giống nhãn có khả năng kháng bệnh tốt nên tôi sử dụng rất ít thuốc bảo vệ thực vật. Từ lúc nhãn ra bông đến khi thu hoạch hơn 4 tháng, giá bán lại cao gấp 4 lần so với nhãn da bò nên lợi nhuận cao”- ông Liền chia sẻ thêm.
Từ hiệu quả của mô hình, ông Liền hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều nông dân trồng nhãn cùng làm theo, giúp nhà vườn nâng cao giá trị cây nhãn, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích.
Ông Phan Ðình Vũ (ấp Thuận Tân, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) cho biết, trong những năm qua, giá cả nhãn tiêu da bò bấp bênh, thị trường tiêu thụ không ổn định làm cho người trồng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thu nhập bị giảm sút.
Vì vậy, việc chuyển đổi sang giống nhãn khác có năng suất cao, chất lượng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao là cần thiết. Trong đó, giống nhãn Mỹ có tỷ lệ bệnh chổi rồng thấp, khả năng sinh trưởng tốt, có năng suất và chất lượng cao phù hợp với điều kiện canh tác ở địa phương.
Theo ông Vũ, sau khi chuyển đổi 1 ha nhãn tiêu da bò kém hiệu quả sang nhãn Mỹ, vụ thu hoạch đầu tiên cho năng suất bình quân đạt 9 tấn/ha với hơn 80% trái đạt loại 1, giá bán bình quân 27 triệu đồng/tấn, lợi nhuận thu được gần 200 triệu đồng/ha/vụ.
So với nhãn tiêu da bò cùng độ tuổi, năng suất chỉ đạt khoảng 6 tấn/ha, lợi nhuận khoảng 22 triệu đồng. Ðiều đó cho thấy việc trồng nhãn Mỹ thay thế giống nhãn tiêu da bò là hướng chuyển đổi đúng, bởi vùng đất tại địa phương thích hợp cho cây phát triển tốt, năng suất cao, ít nhiễm sâu bệnh, ít bị rụng trái trong quá trình thu hoạch, vận chuyển.
Sau nhiều lần tìm hiểu, giống nhãn Ido được ông Nguyễn Văn Huyện (xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu) đánh giá cao và quyết định chuyển đổi 0,5 ha sang trồng. Không như nhiều loại cây ăn trái khác, nhãn Ido nhẹ chi phí đầu tư, ít tốn công chăm sóc lại phù hợp với thổ nhưỡng địa phương nên phát triển tốt, có khả năng kháng bệnh cao, ít bị bệnh chổi rồng và rụng trái non nên hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm được chất lượng trái và cho năng suất trái cao. Ðặc biệt, trái nhãn Ido có vị ngọt thanh, ít nước, cơm ráo, dày, có thể để lâu, vận chuyển xa mà tỷ lệ hao hụt ít nên rất được thị trường ưa chuộng.
Vườn nhãn của gia đình ông Huyện đang chuẩn bị cho trái, với giá từ 29.000 - 35.000 đồng/kg, ước tính vụ nhãn năm nay, ông thu hoạch hơn 5 tấn trái, trừ các chi phí, ông cầm chắc trong tay hơn 100 triệu đồng.
Theo Sở NN&PTNT, thổ nhưỡng, khí hậu, thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh thuận lợi để phát triển cây nhãn; nông dân có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất; sản lượng nhãn đáp ứng được 100% nhu cầu tiêu dùng của người dân nội tỉnh, tiêu thụ ở các tỉnh, thành phố lân cận và Campuchia.
Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm
Thị xã Hoà Thành được xem là “thủ phủ” trồng nhãn của tỉnh với tổng diện tích gần 1.500 ha, chủ yếu giống nhãn da bò. Ðể khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Thị xã tiếp tục sản xuất nhãn an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nhãn; tăng cường liên kết với các công ty, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Ngày 15.5.2020, nhãn Hoà Thành được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hoá. Ông Ðinh Văn Tỷ- vừa là người trồng, vừa là người thu mua nhãn trên địa bàn xã Trường Ðông, thị xã Hoà Thành phấn khởi khi biết vùng chuyên trồng nhãn của thị xã Hoà Thành đã có chứng nhận nhãn hiệu sản phẩm. "Tôi hy vọng trong thời gian tới sẽ có cơ hội liên kết, hợp tác với nông dân Hoà Thành”.
Ông Nguyễn Hữu Thanh, người trồng nhãn tiêu da bò trên địa bàn xã Trường Hoà, thị xã Hoà Thành cho biết: “Từ lâu, cây nhãn trở thành cây trồng chính giúp nâng cao thu nhập cho nhiều hộ nông dân.
Việc sản phẩm nhãn Hoà Thành được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu không chỉ tạo cơ hội nâng cao giá trị thương hiệu mà còn giúp nông dân có thêm động lực phát triển sản xuất. Tôi cùng nhiều nông dân khác luôn ý thức trong việc xây dựng nhãn hiệu trái nhãn và cải thiện canh tác sao cho phù hợp với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Nhằm tăng cường quảng bá và khẳng định chất lượng, nhãn hiệu sản phẩm nhãn Hoà Thành, Hội Nông dân Thị xã cho biết, Hội sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan sử dụng, quản lý nhãn hiệu nhãn Hoà Thành một cách có hiệu quả.
Ðịa phương sẽ tập trung thực hiện một số nội dung như: xây dựng và hướng dẫn người dân trồng nhãn theo đúng quy trình, bảo đảm chất lượng, an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP; tạo điều kiện để sản phẩm nhãn Hoà Thành tham gia các hội chợ, triển lãm, xúc tiến thương mại, góp phần phát triển nhãn hiệu bền vững; tổ chức xây dựng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
Nhi Trần