Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều nguy cơ từ chuyện 'hảo ngọt'
Thứ bảy: 21:31 ngày 10/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Chuyện không mới nhưng các bác sĩ vẫn phải cảnh báo việc trẻ em và cả người lớn “hảo ngọt” khi các căn bệnh liên quan đến đồ ăn, thức uống có nhiều đường ngày càng gia tăng.


Các bác sĩ khuyên thay vì cho trẻ ăn đường có trong bánh kẹo, nước ngọt, phụ huynh nên cho trẻ ăn đường tự nhiên - Ảnh minh họa: CHÂU ANH

PGS.TS Võ Trương Như Ngọc, trưởng bộ môn răng trẻ em ĐH Y Hà Nội, cho biết tỉ lệ trẻ em bị sâu răng, thậm chí sâu cả hàm vẫn tiếp tục gia tăng, mà lý do chính là trẻ hay ăn vặt, ăn quá nhiều bữa, ăn nhiều bánh kẹo và uống nước ngọt.

“Trẻ em ngày nay ăn nhiều đường, nước ngọt, bơ sữa, ăn nhiều bữa hơn trước, trong khi lại ăn ít rau và trái cây. Trẻ ăn bánh kẹo, bơ sữa khiến cặn bám vào răng nhiều và chuyển hóa thành acid phá hủy men răng”- ông Ngọc cho hay.

Theo ông Ngọc, có rất nhiều trẻ dưới 3 tuổi đến khám tại Trung tâm Kỹ thuật cao khám chữa bệnh răng hàm mặt của ĐH Y Hà Nội đã bị sâu răng cả hàm.

Trẻ có 20 chiếc răng thì sâu cả 20 chiếc! Đây là hệ quả của hội chứng bú bình, trẻ ôm bình sữa cả đêm. Ở nhóm trẻ lớn hơn thì bánh kẹo, nước ngọt là yếu tố nguy cơ chính dẫn đến chứng sâu răng.

Bà Lê Bạch Mai, nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, cảnh báo: “Nhiều trẻ em ngày nay thích uống nước ngọt. Khi uống một lon nước ngọt, các em đã dùng tới 36-63 gam đường, trong khi mỗi người chỉ nên sử dụng 20 gam đường mỗi ngày.

Mỗi người nên uống 2 lít nước/ngày, nhưng nhiều gia đình đã dùng sữa thay nước, mà trong sữa cũng có đường nên không tốt cho sức khỏe”.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng (Viện Dinh dưỡng quốc gia), tùy vào cấu tạo sẽ có những loại đường khác nhau là: đường đơn, đường đôi và đường đa.

Đường đôi, đường đa thường có trong những thực phẩm tự nhiên như gạo, trái cây, trong khi đường đơn là những loại đường thường đã qua chế biến, tinh luyện có trong bánh kẹo, nước ngọt...

“Cùng khối lượng thì các loại đường cung cấp mức năng lượng như nhau. Mặt trái của đường là có liên quan đến bệnh béo phì và sâu răng. Khi sử dụng quá nhiều đường sẽ có nguy cơ mắc tiểu đường và tim mạch.

So với đường đôi và đường đa, đường đi của đường đơn - đường từ bánh kẹo, nước ngọt... - ngắn hơn nhiều và do đó làm tăng nguy cơ tăng đường huyết sau ăn, nguy cơ rối loạn đường huyết dẫn đến bệnh tiểu đường”- bác sĩ Hưng cho biết.

Bác sĩ Hưng cũng cho rằng đường đôi, đường đa thường có trong thực phẩm tự nhiên như trái cây, cơm, nên có thể kiểm soát tốt hơn lượng đường vào cơ thể do thực phẩm tự nhiên nhanh mang đến cảm giác no hơn.

Còn ăn bánh kẹo, uống nước ngọt chứa đường đơn, dẫu đã ăn, uống nhiều rồi nhưng vẫn chưa có cảm giác no nên cứ ăn thêm mãi, càng làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh răng miệng và rối loạn chuyển hóa.

Nói về hậu quả của việc ăn, uống nhiều đồ ngọt, PGS Võ Trương Như Ngọc kể: “Đã từng có những em bé đến khám chỗ chúng tôi có nhiều ổ mủ trong miệng, tháng nào cháu cũng phải uống kháng sinh vì đau răng. Có những cháu không ngủ và ăn được vì đau răng.

Phụ huynh ngày nay có điều kiện chăm sóc vật chất và ăn uống cho con tốt hơn, nhưng dường như kiến thức dự phòng bệnh lý răng miệng không song song với điều kiện chăm sóc vật chất cho trẻ”.

Còn các bác sĩ tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết đã có trẻ mới 9 tuổi đã bị tiểu đường type 2. Và con số gây lo lắng là người bệnh tiểu đường type 2 đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua. Đây là chứng bệnh liên quan nhiều đến thói quen ăn uống và lối sống.

Thói quen ăn uống nhiều đường của người Việt được thể hiện qua các con số dưới đây. Theo bà Lê Bạch Mai, thống kê gần nhất là năm 2015, bình quân mỗi người Việt sử dụng trên 53 lít nước giải khát/năm.

Một tỉ lệ lớn trong số này là nước giải khát có đường - chất cần hạn chế để bảo vệ sức khỏe. Lượng gạo sử dụng hằng ngày đã giảm, nhưng lượng bánh mì trắng, mì ăn liền, bánh ngọt lại tăng gấp đôi trong 10 năm trở lại đây: từ 16 gam/người/ngày tăng lên 33 gam/người/ngày.

Lượng bánh kẹo sử dụng tuy chưa có thống kê, nhưng cảm quan cho thấy cũng gia tăng.

Học cách chăm sóc răng khi trẻ còn trong bào thai

PGS.TS Võ Trương Như Ngọc cho rằng thói quen của người Việt là có bệnh mới đi khám, trong khi nếu dự phòng tốt thì vừa bảo vệ được hàm răng cho trẻ vừa tránh được các bệnh lý răng miệng.

Ở các nước phát triển, cha mẹ đến gặp nha sĩ từ khi trẻ còn trong bào thai. Khi đó, nha sĩ sẽ hướng dẫn để cha mẹ biết cách dự phòng bệnh răng miệng cho trẻ.

“Răng sữa có các chức năng: nhai, phát âm, thẩm mỹ, kích thích xương hàm phát triển và hướng răng vĩnh viễn mọc ở các vị trí phù hợp. Nếu răng sữa bị sâu từ sớm thì các chức năng này sẽ bị mất” - ông Ngọc cho biết.

Nguồn TTO

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh