Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Rắc rối xung quanh chế độ lương hưu mới:
Nhiều nữ giáo viên muốn nghỉ hưu trước tuổi
Thứ tư: 06:08 ngày 03/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Do sợ bị thiệt thòi sau ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, nhiều giáo viên nữ đã xin về hưu trước tuổi để được chế độ hưu 75% so với mức lương hiện hưởng.

Giáo viên nữ chấm thi tuyển sinh vào lớp 10.

Những ngày cuối tháng 12.2017, một số nữ giáo viên trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có quyết định nghỉ hưu dù chỉ mới 52 hoặc 53 tuổi (luật quy định tuổi nghỉ hưu của nữ là 55).

Một trong những điều kiện “cần và đủ” để số giáo viên này được phép nghỉ hưu trước tuổi là do sức khoẻ không bảo đảm. Họ đều đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trên 25 năm, tính từ thời điểm vào ngành. Có trường hợp tổng số ngày nghỉ trong năm đã lên đến 44 ngày (do ốm đau) nhưng khi xin nghỉ hưu trước tuổi đã không được chấp nhận (vì theo quy định, nghỉ 45 ngày trong một năm mới thuộc diện tinh giản biên chế).

Theo thông tin người viết có được, tại một huyện nọ, trước khi kết thúc năm 2017, có khoảng hai mươi giáo viên nữ đã tìm cách xin về hưu trước tuổi mà không được chấp thuận. Lý do những giáo viên này muốn nghỉ hưu chính là để được hưởng mức lương hưu 75% (so với khi đang làm việc), vì nếu về hưu sau ngày 1.1.2018, khi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) chính thức có hiệu lực, giáo viên sẽ bị thiệt thòi, vì mức lương hưu giảm khoảng 8% - 10%  so với thời điểm nghỉ hưu trước ngày 31.12.2017.

Sự chênh lệch mức lương hưu trên có liên quan đến Luật Bảo hiểm xã hội (Luật BHXH)- một văn bản pháp luật đã được Quốc hội thông qua năm 2014 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1.1.2018.

Trước tiên cần nói, hiếm có văn bản luật nào được Quốc hội thông qua lại gây nhiều ý kiến trái chiều như Luật BHXH. Ngoài Điều 60 liên quan đến chuyện lĩnh BHXH một lần từng gây dư luận ồn ào khiến phải tạm dừng áp dụng, Luật BHXH còn một số điều khoản khác gây thiệt thòi cho người lao động.

Trong đó, Điều 56 và Điều 74 liên quan đến cách tính tỷ lệ % hưởng lương hưu. Theo tinh thần này, lao động nữ đủ 55 tuổi nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi phải có đủ 30 năm đóng BHXH mới được hưởng tối đa 75%, trong khi trước đó, chỉ cần có đủ 25 năm đóng BHXH là được hưởng tỷ lệ tối đa 75%.

Điều này có nghĩa, sau ngày 1.1.2018, lao động nữ nghỉ hưu đóng đủ 25 năm BHXH chỉ được hưởng 65% tiền lương tháng đóng BHXH, tức mất đi 10% lương hưu so với những người nghỉ hưu năm 2017.

Chuyện thay đổi cách tính lương hưu không chỉ liên quan đến lao động nữ, mà còn cả lao động nam và không chỉ liên quan đến mức thu nhập sau khi về hưu mà còn liên quan đến chuyện tinh giản biên chế. Trước đây, khi chưa có Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014, lao động nam chỉ cần đóng 30 năm BHXH là khi về hưu được hưởng 75% lương so với khi còn làm việc, còn nữ chỉ cần đóng đủ 25 năm.

Nay, Luật BHXH 2014 kéo dài thời gian đóng BHXH của người lao động thêm 5 năm nữa (nam phải 35 năm và nữ phải 30 năm). Có không ít người lao động muốn nghỉ hưu sớm nhưng lại chần chừ vì thời gian đóng bảo hiểm chưa đủ như luật quy định. Điều này đồng nghĩa với việc tinh giản biên chế trở nên khó khăn hơn.

Trước những bất cập về quy định đóng BHXH cũng như tỷ lệ hưởng lương hưu của người lao động, cuối tháng 12 vừa qua, BHXH Việt Nam cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ phương án đề nghị tạm hoãn thực hiện cách tính lương hưu mới áp dụng từ 1.1.2018 đối với lao động nữ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, chưa thấy thông tin chính thức về việc tạm hoãn này, tức quy định về thời gian đóng BHXH cũng như cách tính lương hưu đối với lao động nữ trong Luật Bảo hiểm xã hội vẫn có hiệu lực. Như vậy, lao động nữ về hưu trong năm 2018 mà chưa đóng đủ 30 năm BHXH thì mức lương hưu được hưởng sẽ giảm.

Theo thông tin do BHXH Việt Nam công bố, năm 2018 cả nước có khoảng 400.000 lao động gồm cả nam và nữ đến tuổi nghỉ hưu sẽ bị ảnh hưởng bởi mức lương hưu giảm từ 2% - 7%. Vẫn theo số liệu do BHXH Việt Nam cung cấp, năm 2017, tổng số người nghỉ hưu trước tuổi tăng khoảng 10% so với năm 2016.

Quy định nâng thời gian đóng bảo hiểm từ 25 năm lên 30 năm đối với nữ và 30 lên 35 năm đối với nam đã gây ra nhiều ý kiến phản ứng. Có người đề xuất, tại sao không chọn phương án tăng tuổi nghỉ hưu thay cho phương án tăng thời gian đóng BHXH? Cách tính lương cho lao động nữ nghỉ hưu sau ngày 1.1.2018 liệu có khiến cho người ta liên tưởng đến sự bất bình đẳng giới không?

Thật ra, chuyện tăng tuổi nghỉ hưu đã được đặt ra nhiều lần nhưng cho đến nay, chuyện này chưa trở thành hiện thực, vì phương án này không phải không có những bất cập: tăng tuổi nghỉ hưu cũng đồng nghĩa với tăng tỷ lệ thất nghiệp.

Đó còn chưa kể, trừ những người lao động kỹ thuật trình độ cao hoặc những người làm công việc liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học, việc tăng tuổi nghỉ hưu có thể làm giảm năng suất lao động. Nguyên nhân là do thể trạng người Việt Nam nhìn chung là yếu, trình độ tay nghề thấp. Riêng cách tính lương hưu với lao động nữ cần phải được xem lại để bảo đảm công bằng. Tuy nhiên, muốn dừng phương án này thì phải... sửa luật. Muốn sửa luật phải chờ Quốc hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến quyết định kéo dài thời gian đóng bảo hiểm thêm 5 năm, trong đó có hai nguyên nhân chính. Đó là nguy cơ vỡ quỹ BHXH và tuổi thọ của người Việt Nam tăng. Quỹ BHXH mất cân đối đã từng được cảnh báo từ nhiều năm trước, còn tuổi thọ người Việt Nam tăng khiến cho thời gian hưởng lương hưu kéo dài.

VIỆT ĐÔNG

Tin cùng chuyên mục