Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều thành tựu thực hiện 10 năm chiến lược phát triển văn hoá
Thứ năm: 08:30 ngày 26/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Ngày 25/12, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hoá đến năm 2020. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 đã thu được nhiều kết quả, tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện dân chủ ở cơ sở, ổn định chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, đạt kết quả quan trọng.

Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

Văn hóa đã góp phần quan trọng tạo không khí dân chủ, dân trí được nâng cao, tính năng động sáng tạo, tính chủ động và tính tích cực xã hội của con người được phát huy, dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được mở rộng, góp phần hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được mở rộng và đi vào chiều sâu mang lại hiệu quả thiết thực. Nhiều phong trào, cuộc vận động về văn hóa đạt kết quả tích cực, góp phần tạo môi trường văn hóa, bảo vệ và phát huy những giá trị nhân văn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đa dạng của công chúng. Sản phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng, tăng đáng kể về số lượng, chất lượng, đã và đang hình thành thị trường sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, khoa học, công nghệ. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa.

Văn hóa đã trở thành một nội dung quan trọng trong các hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp, từng bước gắn bó chặt chẽ với các nhiệm vụ kinh tế, xã hội. Nhận thức rõ hơn trong việc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quốc phòng - an ninh, đối ngoại với phát triển văn hóa và xây dựng con người. Vì thế, những năm gần đây, vai trò của văn hóa góp phần vào sự phát triển bền vững đã và đang được khẳng định.

Trong 10 năm thực hiện Chiến lược công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: Hàng nghìn di tích lịch sử-văn hóa đã được xếp hạng, tu bổ, tôn tạo, đã trở thành những điểm du lịch-văn hóa đặc thù, gắn kết với những tuyến du lịch hấp dẫn, có tác dụng thúc đẩy kinh tế du lịch ở các địa phương.

Bên cạnh đó, hệ thống bảo tàng ngày càng được hoàn thiện, trực tiếp góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, ý thức giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hoá dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu phổ biến kiến thức khoa học và nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân.

Nhiều lễ hội truyền thống, tập quán xã hội và tín ngưỡng, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian có giá trị... đã và đang được phục hồi và phát triển. Nhiều nghệ nhân có tài năng xuất sắc, nắm giữ, có công bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được Nhà nước tôn vinh và có chính sách đãi ngộ phù hợp...

Trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, các hoạt động sáng tạo đã có bước phát triển mới, đóng góp vào quá trình dân chủ hóa xã hội và sự phong phú, đa dạng của sản phẩm văn hoá. Sáng tác và hoạt động văn học nghệ thuật tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của thời kỳ chiến tranh cách mạng, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống, quan tâm nhiều hơn đến những góc cạnh đời thường, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn trong văn hóa.

Việc thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực dân cư là một trong những định hướng lớn, đúng đắn trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

Ngành văn hóa, thể thao và du lịch tích cực triển khai đưa văn hóa, thể thao về cơ sở, ưu tiên hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận văn hóa, tập luyện thể dục thể thao nhằm rút ngắn khoảng cách phát triển và mức hưởng thụ đời sống kinh tế - xã hội giữa các dân tộc, vùng, miền, nhất là ở các địa bàn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số, miền núi thông qua các nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa, cũng như thông qua việc thực hiện nhiều Đề án.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những đóng góp, kết quả mà Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch đã đạt được trong thời gian qua. Phó Thủ tướng khẳng định: “Việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam. Văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển.”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian tới: “Các cấp các ngành địa phương và trung ương cần tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân của khó khăn, hạn chế và đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc. Từ đó, có thể có một đánh giá tổng quát nhất về tình hình thực hiện Chiến lược, nhằm xây dựng cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc ban hành Chiến lược mới, cũng như xác định những căn cứ cho các chính sách của Đảng, Chính phủ và ngành văn hóa trong những vấn đề liên quan đến lĩnh vực văn hóa”.

Nguồn Báo Tin tức

Tin cùng chuyên mục