Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát:
Nhiều tiềm năng du lịch sinh thái
Thứ bảy: 13:21 ngày 01/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ðiều khiển xe gắn máy xuyên rừng, ngắm suối Ða Ha thơ mộng, xuống suối mò chem chép, tìm hiểu cây nắp ấm, ăn cơm vắt với muối mè giữa rừng… là những trải nghiệm thú vị khi bạn đến tham quan tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (xã Tân Lập, huyện Tân Biên).

Trảng cỏ ngút ngàn ở Vườn Quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ảnh: Lê Duy

Ghi chép: Đại Dương

Trải nghiệm đáng nhớ

Một ngày cuối tuần, chúng tôi rủ nhau tham quan Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát bằng phương tiện xe gắn máy. Sau khi liên lạc với Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, chị Minh- nữ nhân viên của Trung tâm kết hợp với anh Hùm- nhân viên bảo vệ rừng làm hướng dẫn viên đưa chúng tôi tham quan rừng. Bây giờ đang mùa mưa, những con đường mòn dẫn vào rừng sình lầy, trơn trượt.

Có nhiều đoạn, nước đọng vũng, trũng sâu kéo dài, khiến các tay lái phải mướt mồ hôi vượt qua. Một vài đoạn khó đi, xe bị mắc lầy; hay có chỗ cây rừng bị mưa giông làm ngã chắn ngang đường, phải dọn dẹp, đoàn xe mới tiếp tục di chuyển được. Mặc dù gian nan vất vả như thế, nhưng các thành viên trong đoàn ai cũng thích thú vì được một lần trải nghiệm thực tế đi rừng.

Sau một lúc vất vả luồn rừng, đoàn chúng tôi đến một khu trảng khá rộng. Nơi đây chỉ lưa thưa vài cây rừng. Một vài nơi, mặt đất bị chai cứng, cỏ không mọc được. Dừng xe nghỉ mệt bên trảng, anh Hùm cho biết đây là trảng Miên Thui.

Qua khỏi trảng Miên Thui, chúng tôi tiếp tục điều khiển xe chạy vòng vèo cả giờ liền mới đến được nơi có dòng suối khá rộng, hoang sơ giữa rừng sâu. Dòng suối này có tên là Ða Ha. Tôi không biết rõ con suối hình thành từ bao giờ, dài bao nhiêu và vì sao có tên gọi Ða Ha, chỉ biết con suối bắt nguồn từ Campuchia, chảy cắt ngang giữa rừng và đổ ra sông Vàm Cỏ Ðông. Hai bên bờ suối, nhiều tầng cây che phủ.

Thấp nhất là cây mật cật với lá xoè như bàn tay mềm mại, mỗi khi gió lùa qua là cành lá đong đưa như múa. Cao hơn một chút là vô số loài dây leo chằng chịt, xoắn xít, nhìn từ xa trông giống như những con rắn đang nằm vắt vẻo. Tầng cao nhất là những cây dầu mít, vên vên hàng trăm năm tuổi, đứng sừng sững, hiên ngang như trụ cột của rừng. Tia nắng sớm chiếu xuống, làm sáng lên từng khóm lá hiện rõ màng sương là đà trên mặt nước, khiến dòng suối đẹp như một bức tranh thuỷ mặc.

Từ điểm này, chúng tôi để xe gắn máy lại, đi bộ xuôi theo bờ suối khoảng 1km là đến đoạn đẹp nhất của suối Ða Ha. Nơi đó được gọi là khu vực Ðá Nứt. Ở nơi đây, nhiều tảng đá khổng lồ, màu đen sẫm hai bên bờ bị nứt, sạt lở xuống lòng suối, khiến dòng suối bị hẹp lại. Nơi hẹp nhất, bề ngang chỉ còn khoảng một mét, khiến mặt nước đang chảy lững lờ bỗng chảy xiết qua những khe đá và trở nên mạnh mẽ khác thường.

Không khí nơi đây trong lành, mát lạnh. Anh Hùm cho biết dưới suối có nhiều loại cá và chem chép. Những lần đi tuần tra dài ngày, các anh bảo vệ rừng thường xuống suối tắm và mò chem chép lên nướng ăn. Trên đường trở ra, đến một đoạn suối cạn, chúng tôi thử lội xuống mò loài thuỷ sản này. Quả thật không khó lắm, chỉ cần một chút thời gian, chúng tôi đã dễ dàng thu hoạch được một số chem chép, con nào cũng to, tròn, mập mạp.

Ðến trưa, chúng tôi dừng chân trên một khoảnh đất trống bên bờ suối và thưởng thức món cơm vắt. Những phần cơm này được các nhân viên Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng chuẩn bị sẵn. Những phần cơm vẫn còn ấm, để trong bịch ni-lông cùng với muối mè, chả lụa. Giữa trưa bên dòng suối chảy róc rách, tiếng chim hót líu lo trên cành, bụng đói, ăn miếng cơm vắt, chấm muối mè bùi bùi, mằn mặn hoà quyện. Quả thật không có gì tuyệt vời bằng!

Chia tay dòng suối Ða Ha thơ mộng, các hướng dẫn viên du lịch đưa chúng tôi đến tham quan khu vực có cây nắp ấm Thorel. Trên đường đi, chúng tôi dừng chân ngắm nhìn những trảng cỏ đẹp, những cánh rừng mua nở hoa tím tím. Hiện tại, số cây nắp ấm ở đây còn chưa đến 100 cá thể. Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại nắp ấm Thorel ở tình trạng cực kỳ nguy cấp.

Đoàn tham quan Báo Tây Ninh chụp ảnh tại trảng Miên Thui.

Nhiều tiềm năng khác

Những năm gần đây, Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng của Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát đã tổ chức những tour du lịch tham quan Vườn quốc gia bằng nhiều phương tiện: đi thuyền trên thượng nguồn sông Vàm Cỏ Ðông; xuyên rừng bằng xe gắn máy, xe đạp, đi bộ… Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát còn nhiều cách khám phá hấp dẫn khác.

Với tổng diện tích tự nhiên gần 20 ngàn ha, Vườn có hệ sinh thái chuyển tiếp giữa Tây Nguyên, Ðông Nam bộ và Ðồng bằng sông Cửu Long, trở thành nơi bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm, nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới.

Trong đó, hệ thực vật có dạng khảm giữa rừng bán rụng lá, rừng rụng lá trên đất thấp, các dải hẹp rừng thường xanh ven sông suối và rừng tràm. Các loài cây sinh trưởng phổ biến tại Vườn như vên vên, cây họ dầu, sao đen, sến mũ, căm xe, gõ mật, xay, cẩm lai, bằng lăng, sến cát. Một số loài có tên trong Sách đỏ như gõ cà te, giáng hương và mạc nưa. Mới phát hiện có dầu đồng, thuỷ nữ hoa đỏ, cây nắp ấm.

Có 2 cá thể vên vên và dầu con rái cổ thụ đã được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận cây di sản. Hệ động vật gồm 58 loài bò sát, 23 loài ếch, 88 loài cá sông Mekong, 128 loài côn trùng. Riêng lớp thú có 42 loài thuộc 7 bộ. Một số loài quý hiếm như voọc chà vá chân đen, voọc bạc Ðông Dương, gấu ngựa, sói đỏ và sói vàng, cu li nhỏ, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lợn, khỉ đuôi dài.

Riêng lớp chim ở Vườn quốc gia này rất phong phú với 203 loài như giang sen, già đẫy nhỏ, cò nhạn, gà lôi hồng tía, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám. Vườn còn là nơi dừng chân thường niên của sếu đầu đỏ khi di cư. Bên cạnh đó, Vườn mới phát hiện loài hạc cổ trắng, vẹt má vàng, gầm ghì lưng xanh.

Đến đoạn Đá Nứt, dòng suối Đa Ha bị thu nhỏ lại, chiều ngang chỉ còn khoảng 1m.

Tại Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng có phòng trưng bày nhiều mẫu động, thực vật ở Vườn như rồng đất, cá hô, rắn hổ mang chúa, mèo rừng, chồn đèn, cheo và bộ sưu tập các loài bướm, chuồn chuồn, các loài gỗ v.v…

Ðây là những tư liệu quý hiếm, rất cần thiết cho công tác nghiên cứu, học tập, giáo dục môi trường. Ngoài ra, trong rừng còn có di tích của Ðài Phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là căn cứ cách mạng của quân giải phóng trong kháng chiến chống Mỹ.

Theo thống kê của Trung tâm Giáo dục và Dịch vụ môi trường rừng trong 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm đã đón tiếp phục vụ 80 đoàn, với hơn 2 ngàn lượt khách đến tham quan nghiên cứu, đạt 38,5% kế hoạch năm 2018, tăng 149,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Ð.D

Tin cùng chuyên mục