Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Với mục tiêu được sử dụng thay thế những giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng VNeID đã tích hợp nhiều loại giấy tờ cá nhân dạng điện tử của người dân.

Ứng dụng VNeID là ứng dụng do Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư - Bộ Công an phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử. Ứng dụng này có giá trị sử dụng thay thế các giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên môi trường kỹ thuật số, cung cấp các tiện ích phát triển công dân số, Chính phủ số, xã hội số.
Tiện lợi, nhanh chóng
Hiện nay, Bộ Công an đã tích hợp 6 thủ tục hành chính trên ứng dụng VNeID, gồm: thông báo lưu trú, đăng ký tạm trú, đăng ký thường trú, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký cấp biển số xe lần đầu, xác nhận thủ tục hành chính.
Riêng tại Tây Ninh, người dân có thể thực hiện nộp hồ sơ của các thủ tục hành chính như: thông báo lưu trú, cấp phiếu lý lịch tư pháp, đăng ký cấp biển số xe lần đầu. Các thủ tục hành chính còn lại đang được Bộ Công an triển khai thí điểm tại một số địa phương.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 1.7.2024, VNeID là tài khoản duy nhất trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Sử dụng ứng dụng VNeID, người dân có thể thực hiện các thủ tục hành chính thiết yếu ngay tại nhà. Mọi thao tác đều nhanh chóng, dễ dàng với mức độ an toàn cao, thông tin cá nhân của người dùng được bảo mật tối đa.
Anh Quốc Học (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) cho biết, với tài khoản định danh điện tử và ứng dụng VNeID, thay vì phải trực tiếp đến bộ phận một cửa, anh có thể nộp hồ sơ trực tuyến và theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ qua ứng dụng, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại.
“Lúc đầu khi mới sử dụng VNeID vào giải quyết các dịch vụ công, tôi cũng khá bỡ ngỡ. Với sự hỗ trợ nhiệt tình, thân thiện của các cán bộ tiếp nhận hồ sơ nên tôi đã biết thao tác nộp hồ sơ trực tuyến ngay tại nhà thông qua ứng dụng VNeID”- anh Học nói.
Bên cạnh đó, ứng dụng VNeID còn cung cấp nhiều tiện ích về giấy tờ, an sinh xã hội, hồ sơ sức khoẻ và các dịch vụ khác. Điều đáng nói, từ ngày 1.1.2025, người dân có thể mua thuốc trực tuyến qua ứng dụng này. Quy trình mua thuốc được tối ưu hoá với các bước đăng nhập nhanh chóng, thao tác thực hiện giao dịch đơn giản, giúp người dân tiết kiệm thời gian, công sức.
Chị Lê Thị Yến Nhi (ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) chia sẻ, khi mua thuốc qua ứng dụng VNeID sẽ thể hiện rõ định danh người mua, người bán hàng bằng mã số, thông tin chi tiết về đơn hàng, lịch sử giao dịch… Tiện ích mua thuốc trực tuyến trên ứng dụng VNeID góp phần bảo đảm an toàn cho người sử dụng, giảm thiểu rủi ro khi mua thuốc không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, công dân có thể gửi kiến nghị, phản ánh về an ninh trật tự như các hành vi nghi sử dụng trái phép chất ma tuý; địa điểm, khu vực phức tạp về ma tuý; tội phá rối an ninh; giết người… Dựa vào các thông tin do người dân khai báo như địa điểm xảy ra, thông tin vụ việc, VNeID sẽ gửi thông tin đến cơ quan chức năng tiếp nhận, giải quyết.
Ngoài ra, ứng dụng này còn cung cấp các bài viết cảnh báo về thủ đoạn tội phạm như: cảnh báo thủ đoạn mạo danh nhân viên điện lực, gọi điện, nhắn tin yêu cầu người dân cài đặt ứng dụng thanh toán trực tuyến để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tra cứu website lừa đảo; khuyến cáo quy tắc “6 không” để phòng tránh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng…
Tích hợp nhiều loại giấy tờ
Với mục tiêu được sử dụng thay thế những giấy tờ truyền thống, định danh công dân trên nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng VNeID đã tích hợp nhiều loại giấy tờ cá nhân dạng điện tử của người dân như: thẻ căn cước/CCCD, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Trước đây, khi đi khám bệnh, chị Đào Thị Thanh Hương (ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh) phải mang theo một số giấy tờ như sổ khám bệnh, thẻ bảo hiểm y tế, CCCD… Tuy nhiên, nhờ tích hợp các loại giấy tờ cá nhân trên ứng dụng VNeID, giờ đây, chị Hương chỉ cần trình thẻ bảo hiểm y tế điện tử trên VNeID thay cho thẻ bảo hiểm y tế giấy trong quá trình khám, chữa bệnh.
“Việc tích hợp các giấy tờ vào VNeID giúp mọi người thuận tiện hơn khi đăng ký khám chữa bệnh. Ngoài ra, mọi người có thể xem lại lịch sử khám bệnh, các quyền lợi bảo hiểm y tế được hưởng”- chị Hương nói.
Còn anh Minh Hùng (ngụ phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) cho biết: “Tôi đã tích hợp giấy phép lái xe, giấy chứng nhận đăng ký xe vào ứng dụng VNeID, giúp tránh tình trạng mang quá nhiều giấy tờ khi ra đường. Trong trường hợp khi Cảnh sát giao thông có yêu cầu dừng phương tiện để kiểm tra thì xuất trình trên ứng dụng VNeID rất nhanh chóng, thuận tiện, thay vì sử dụng giấy tờ truyền thống như trước đây”.
Tuy nhiên, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2025 có quy định, điểm của giấy phép lái xe được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm.
Khi người điều khiển phương tiện vi phạm, số điểm sẽ bị trừ tương ứng với mức độ vi phạm theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP ngày 26.12.2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe.

Nắm bắt được tâm lý người dân chưa nắm rõ được những điểm mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các đối tượng lừa đảo tiếp tục giả danh lực lượng Công an gọi điện hướng dẫn cho người dân cài đặt tích hợp 12 điểm giấy phép lái xe nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo Luật sư Trần Thị Hạnh thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh, thủ đoạn lừa đảo giả danh cán bộ, nhân viên cơ quan Nhà nước tuy không còn mới nhưng chiêu trò của chúng lại ngày một tinh vi. Thủ đoạn chung của các đối tượng sẽ trực tiếp gọi điện đến số máy điện thoại di động cá nhân, giả danh là cán bộ Công an để tạo niềm tin và yêu cầu người dân đến trụ sở Công an gần nhất để bổ sung, chỉnh sửa, cập nhật, hoàn thiện dữ liệu về dân cư của người dân.
Chúng thường gọi, yêu cầu vào những thời điểm trong giờ hành chính, giờ làm việc… để người dân không thể sắp xếp thời gian, từ chối yêu cầu “đến trụ sở Công an” và làm việc, trao đổi thông tin trực tiếp qua điện thoại.
“Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tuỳ thân cho bất kỳ ai thông qua điện thoại, mạng xã hội. Điểm giấy phép lái xe sẽ được tự động tích hợp khi cài đặt dịch vụ công mức độ 2 đối với người có giấy phép lái xe; cơ quan Công an không yêu cầu người dân phải cài đặt bất kỳ dịch vụ nào để được tích hợp điểm.
Đặc biệt, khi tiếp nhận cuộc gọi lạ tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước cần thực hiện kiểm tra và xác minh danh tính đối tượng. Tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu, không tải ứng dụng lạ hoặc các trang web không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời” - Luật sư Hạnh chia sẻ.
Thiên Di