Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khai thác khoáng sản:
Nhiều tổ chức, cá nhân không đóng cửa mỏ theo quy định
Thứ hai: 00:11 ngày 22/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trên địa bàn tỉnh hiện nay, theo ngành Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn 20 mỏ khai thác đất sét, sỏi phún… dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ lập thủ tục đóng cửa mỏ.

Một mỏ khai thác khoáng sản đất san lấp tại huyện Tân Châu đã tạm ngưng khai thác

Theo quy định tại Điều 73 Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản liên quan, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải lập đề án đóng cửa mỏ đối với toàn bộ hoặc một phần diện tích khai thác trong các trường hợp sau đây: đã khai thác hết toàn bộ hoặc một phần trữ lượng; giấy phép khai thác khoáng sản chấm dứt hiệu lực nhưng chưa khai thác hết trữ lượng khoáng sản trong khu vực khai thác khoáng sản.

Thế nhưng trên địa bàn tỉnh hiện nay, theo ngành Tài nguyên và Môi trường, vẫn còn 20 mỏ khai thác đất sét, sỏi phún… dù đã nhắc nhở nhiều lần nhưng chưa thực hiện nghĩa vụ lập thủ tục đóng cửa mỏ.

MẬP MỜ

Sau vụ việc cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, phát hiện một mỏ khai thác đất san lấp, đất phún tại huyện Tân Biên vượt độ sâu 1,5m theo quy định, dư luận càng thêm nghi ngờ về việc các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về độ sâu, sản lượng khai thác, bảo đảm an toàn mỏ…

Dư luận cũng đặt câu hỏi vì sao có 20 mỏ khai thác đất dù đã hết hạn khai thác, có mỏ hết hạn trong một thời gian dài nhưng không đóng cửa mỏ theo quy định, dù cơ quan chức năng, mà cụ thể là ngành Tài nguyên Môi trường đã nhắc nhở?

Tại huyện Bến Cầu, dù đã được cơ quan chức năng nhắc nhở nhưng vẫn có 4 mỏ chưa đóng cửa. Một chủ mỏ cho biết đang làm thủ tục chứ không phải cố tình không thực hiện, một phần do hồ sơ chậm.

Theo chủ doanh nghiệp, do mỏ bị ngập nước nên khó đo đạc chính xác độ sâu để đánh giá sản lượng đã khai thác; ngoài ra cũng do nước ngập nên bờ ta-luy bị sạt lở; công ty tư vấn làm thủ tục lâu… vân vân và vân vân!

Một chủ mỏ khác cho biết, do doanh nghiệp mới hoàn thành các loại thuế khai thác khoáng sản nên hết kinh phí, chưa tiến hành lập thủ tục đóng cửa mỏ.

Thế nhưng điều làm chúng tôi bất ngờ, tại một xã ở huyện Bến Cầu, đề cập đến một mỏ khai thác đất hết hạn đã lâu nhưng chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ, lãnh đạo địa phương này cho biết, rất khó tìm được chủ doanh nghiệp này. Khi gặp được thì người này than hoàn cảnh khó khăn chứ không phải cố tình không thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ.

Theo một chủ hầm mỏ tại huyện Tân Biên, vừa hết hạn khai thác, doanh nghiệp đã thuê công ty tư vấn làm các thủ tục đóng cửa mỏ. Tuy nhiên đến nay, công ty tư vấn chưa thực hiện xong, doanh nghiệp sẽ đôn đốc công ty tư vấn đẩy nhanh tiến độ, không để bị nhắc nhở.

Một mỏ khai thác khoáng sản tại huyện Bến Cầu đã hết hạn khá lâu, nhưng chủ mỏ chưa làm thủ tục đóng cửa mỏ do gặp khó khăn.

CẦN PHẢI CÓ CHẾ TÀI MẠNH HƠN

Một lãnh đạo địa phương tại huyện Tân Châu cho biết, chính quyền địa phương chỉ nắm về việc mỏ có giấy phép khai thác đất trên địa bàn cũng như ngưng khai thác chứ không nắm về việc chủ mỏ có thực hiện đầy đủ các thủ tục đóng cửa mỏ theo quy định hay không. Trong quá trình mỏ khai thác, chỉ khi nghe người dân phản ánh về vấn đề đường sá, môi trường, địa phương mới tiến hành kiểm tra để xử lý hoặc báo cáo cơ quan cấp trên. Còn đối với kiểm tra độ sâu, sản lượng hay các thủ tục khác, địa phương không nắm cụ thể.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi, trong số các doanh nghiệp trên, trong quá trình khai thác có vấn đề nào khuất tất hay không mà chưa chịu đóng cửa mỏ theo quy định. Nếu có trường hợp tổ chức, cá nhân cố tình khai thác vi phạm độ sâu, vượt sản lượng thiết kế gây thất thoát tài nguyên nhà nước rồi cố tình không thực hiện quy định đóng cửa mỏ, không lẽ cơ quan có thẩm quyền không có biện pháp chế tài nào nghiêm khắc buộc họ phải thực hiện.

Theo ông Trần Minh Sơn- Phó Giám đốc Sở TN&MT, việc quy định doanh nghiệp khai thác khoáng sản đóng cửa mỏ theo Luật Khoáng sản đã giúp cơ quan thẩm quyền quản lý chặt chẽ hơn việc khai thác của doanh nghiệp như sản lượng khai thác, độ sâu mỏ… để kịp thời phát hiện, xử lý những doanh nghiệp vi phạm. Từ đó, buộc các doanh nghiệp phải nghiêm túc tuân thủ các quy định về khai thác khoáng sản. Ngoài ra còn có quy định, nếu doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ thì không được xem xét cấp giấy phép khai thác mới.

Bên cạnh đó, Điều 49 Nghị định số 36/2020/NĐ-CP ngày 24.3.2020 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định cụ thể việc xử lý hành vi vi phạm về đóng cửa mỏ, cũng như các biện pháp buộc khắc phục hậu quả nếu có vi phạm.

Việc quy định đóng cửa mỏ để các chủ mỏ chấp hành tốt quy định khai thác khoáng sản, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm. Ảnh minh họa

Theo đó, ngoài việc phạt tiền đối với hành vi thực hiện không đầy đủ số lượng, khối lượng các hạng mục công trình, các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai xác định trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép kiểm tra, cho phép đóng cửa mỏ từng phần trước khi tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường các diện tích đã khai thác hết trữ lượng năm trong khu vực khai thác khoáng sản; phạt tiền đối với hành vi không thực hiện các hạng mục công trình, giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai xác định trong đề án đóng cửa mỏ khoáng sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể:

Phạt tiền đối với hành vi không lập đề án đóng cửa mỏ đối với các trường hợp đã quy định tại Điều 73 Luật Khoáng sản, cụ thể như sau: phạt tiền đối với hành vi quá từ 12 tháng trở lên kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản hết hiệu lực nhưng không nộp hồ sơ đề nghị đóng cửa mỏ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định, còn bắt buộc  tổ chức, cá nhân phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện đầy đủ các giải pháp đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn, phục hồi đất đai theo đề án đóng cửa mỏ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này..

Như vậy, chế tài về việc tổ chức, cá nhân cố tình dây dưa, chây ì không đóng cửa mỏ đã có quy định. Vấn đề còn lại là cơ quan có thẩm quyền sẽ mạnh tay xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm như thế nào trong thời gian tới, đó là câu trả lời mà dư luận quan tâm.

T.P

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục