Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều trải nghiệm mới tại Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen
Thứ hai: 06:35 ngày 01/05/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đặc biệt hấp dẫn là các tiết mục nghệ thuật của người Khmer Nam bộ và đờn ca tài tử được thể hiện bởi các nghệ nhân Tây Ninh.

Triển lãm ảnh về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ

Dịp lễ 30.4 và 1.5 năm nay, núi Bà Đen có thêm công trình mới và nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo được trình diễn trên đỉnh núi. Trong đó, đặc biệt hấp dẫn là các tiết mục nghệ thuật của người Khmer Nam bộ và đờn ca tài tử được thể hiện bởi các nghệ nhân Tây Ninh.

Cụm trụ kinh Bát nhã dát vàng

Bên cạnh những công trình tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn, Khu triển lãm Phật giáo với hàng trăm phiên bản mô phỏng các tác phẩm Phật giáo kinh điển của Việt Nam và thế giới, trong dịp lễ 30.4, 1.5 năm nay, trên đỉnh núi Bà Đen, du khách còn được chiêm bái cụm trụ kinh Bát nhã dát vàng.

Công trình này được xây dựng tại khu vực trung tâm của quần thể các công trình kiến trúc tâm linh trên đỉnh núi. Cụm gồm 5 trụ kinh bằng đá granite đen kim sa, điêu khắc 12.000 chữ kinh Tây Tạng được dát vàng. Trong đó, trụ lớn nhất có đường kính 2m, cao 19,8m.

Đế trụ bắt đầu từ khu giảng pháp đường dưới lòng đất và vươn thẳng lên trời, cụm trụ kinh trên đỉnh thiêng là một biểu tượng mới của miền biên, để mỗi phật tử, du khách hướng về khi muốn tâm tĩnh, lòng an.

Công trình đang trong quá trình xây dựng, chưa hoàn chỉnh, còn nhiều hạng mục dưới lòng đất đang tiếp tục thi công. Tuy nhiên, du khách đến đỉnh núi Bà vào những ngày này đã được chiêm ngưỡng một phần cụm trụ kinh xây dựng giữa hồ nước, trước công trình tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn.

Anh Lưu Tiến Đạt và nhóm bạn đến từ tỉnh Bình Dương khám phá núi Bà Đen bằng cách đi bộ từ chân núi lên đỉnh. Đạt kể, những năm trước, anh đã từng tham quan núi Bà Đen, khi đó núi còn rất hoang sơ, chưa có nhiều công trình xây dựng. Lần này đến với núi Bà Đen, anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy nơi đây các hệ thống cáp treo hiện đại, công trình nghệ thuật Phật giáo tâm linh, có khu ăn uống sang trọng, nhiều hoa kiểng đẹp, thu hút du khách vui chơi, tham quan, vãn cảnh.

Không khí mát lạnh trên đỉnh núi cũng là một điểm cộng đối với du khách này. Đạt nói, khi leo từ chân núi lên đỉnh, áo của anh và các bạn đều đã ướt đẫm mồ hôi. Nhưng lên đến đỉnh núi, gió mát lạnh, giúp áo của anh khô ráo lúc nào không hay và anh đã lấy lại sức khoẻ sau nhiều giờ leo núi. “Không khí, cảnh vật, kiến trúc trên đỉnh núi thật tuyệt vời”- Đạt nói.

Chương trình đờn ca tài tử

Lên đỉnh núi Bà Đen vào những ngày này, du khách còn được xem triển lãm về nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ- di sản văn hoá phi vật thể được UNESCO công nhận. Hàng chục bức ảnh kèm nội dung giới thiệu tóm tắt về nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ được trưng bày ở nhiều nơi trên đỉnh núi Bà Đen, giúp du khách hiểu nhiều hơn về loại hình nghệ thuật này.

Đặc biệt, trong hai buổi tối 29 và 30.4, du khách còn được thưởng thức chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, với sự tham gia của các Nghệ nhân ưu tú Thành Trí, Văn Long, Đức Lập. Trong đêm 29.4, Nghệ sĩ ưu tú Quế Trân, ngôi sao vọng cổ Võ Minh Lâm, nghệ sĩ Cao Thị Hồng Nhi- giải Ba “Chuông vàng vọng cổ 2022” và các nghệ sĩ thuộc Đoàn nghệ thuật cải lương Tây Ninh biểu diễn.

Chị Kim Ngân, ngụ huyện Bến Cầu cho biết, tết hằng năm chị và gia đình đều đến núi Bà cúng viếng. Dịp nghỉ lễ này, nghe trên đỉnh núi có chương trình đờn ca tài tử cải lương, yêu thích môn nghệ thuật này nên chị Ngân rủ chị em trong xóm đi tham quan đỉnh núi và thưởng thức chương trình văn nghệ.

Trong đêm 30.4, chương trình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên đỉnh núi Bà có sự góp mặt của 2 Nghệ sĩ ưu tú Châu Thanh và Cẩm Tiên. Với 2 chủ đề “Núi Bà Đen huyền thoại” và “Tây Ninh- đất và người”, liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử sẽ mang đến cho du khách các tiết mục hoà tấu và trích đoạn cải lương nổi tiếng.

Bên cạnh đó, du khách còn được thưởng thức không khí lễ hội tưng bừng qua những vũ điệu rộn ràng của các thiếu nữ mặc sampot rực rỡ sắc màu, các vũ công điêu luyện trong điệu múa trống Chhay-dăm khi mạnh mẽ khi uyển chuyển đẹp mắt, các âm thanh từ trầm hùng đến cao vút, khi ngọt ngào lúc du dương từ nhạc ngũ âm truyền thống của người Khmer… tạo nên một không gian văn hoá đậm màu sắc trên đỉnh núi.

Đại Dương

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục