Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhiều trường học bị bỏ hoang
Thứ sáu: 07:31 ngày 18/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sau khi Báo Tây Ninh phản ánh tình trạng Trường tiểu học Phạm Tự Ðiểm (ấp Xóm Mới 1, xã Trí Bình, huyện Châu Thành) xuống cấp, bị bỏ hoang, nhiều người dân cho biết, trên địa bàn tỉnh còn không ít trường học tương tự.

Trường tiểu học Phước Tây, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu bị bỏ hoang.

Ðiển hình như Trường mẫu giáo Hoa Mai ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh. Trường có 3 phòng học, xây dựng ở vị trí cao ráo, gần khu dân cư, không hiểu vì sao nhiều năm qua vắng bóng học sinh.

Chiều 15.9, chúng tôi đến xã Thạnh Tân, cổng Trường mẫu giáo Hoa Mai mở toang, trong sân, cây hoang cỏ dại mọc kín. Trong hành lang, nhiều đám cỏ hôi, cỏ Mỹ, mắc cỡ mọc lên các bậc tam cấp, cả lối đi. Hầu hết các cửa lớp đã bị bể kính. Bên trong phòng học chỉ còn lại một vài chiếc bàn học và giường sắt. Dưới nền gạch đầy chai nhựa và có rất nhiều rác. Phía sau, khu nhà vệ sinh, nhà bếp cũng hoang tàn.

Bà Nguyễn Thị Bé- người dân địa phương cho biết: “Khoảng 6-7 năm nay, trường mẫu giáo này không còn hoạt động. Trước đây, tôi thấy có một hai người vô ở trọ, rồi từ đó bỏ hoang luôn tới bây giờ”.

Theo ông Ngô Thành Lợi- Phó Chủ tịch UBND xã, do địa phương xây dựng trường mẫu giáo mới ở gần trụ sở UBND xã, nên Trường Hoa Mai đã ngưng hoạt động. Cấp trên đã giao cơ sở vật chất lại cho UBND xã quản lý. Những năm trước, xã cho một số giáo viên ở trọ, nhưng do trường cách xa nơi dạy học nên họ không ở nữa. Hiện nay, Hội Ðông y của xã đang thiếu cơ sở hoạt động, xã dự kiến giao cho Hội, nhưng Hội không nhận vì xa trung tâm xã.

Ðiểm phụ của Trường tiểu học Hưng Mỹ ở ấp Phước Thuận, xã Phước Chỉ, thị xã Trảng Bàng cũng bị bỏ hoang, dù ở nơi đông dân cư. Ngôi trường có 3 phòng học, một phần mái tôn bị tốc lên. Sáng 16.9, khi chúng tôi đến đây thấy trước hành lang chất hàng chục bao diêm; có phòng học dành cho người dân trọ, mở quán bán nước giải khát.

Ông Nguyễn Thành Lập- Phó Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho hay, điểm phụ này đã ngưng hoạt động 2 năm nay, thầy và trò dồn về điểm trường chính.

Khoảng 10 năm trước, thầy trò Trường tiểu học Phước Tây (ấp Phước Tây, xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) vui mừng đón nhận thêm một dãy phòng học mới một trệt, một lầu với 6 phòng học, do Công ty Cơ điện lạnh (REE) hỗ trợ 1 tỷ đồng và ngân sách địa phương xây dựng. Bên cạnh dãy phòng học này còn có dãy phòng học cũ với 3 phòng học. Hiện nay, tất cả các dãy phòng học đều vắng bóng học sinh.

Bà Ðỗ Thị Lệ- nguyên giáo viên Trường tiểu học Phước Tây, hiện ở sát bên trường kể, ngôi trường này xây dựng vào khoảng năm 1978-1980, với 5 lớp học. Sau đó, trường xây dựng thêm dãy phòng học mới. Khoảng 2 năm nay, học sinh chuyển sang Trường tiểu học Phước Thạnh học. Từ đó, ngôi trường này bỏ hoang.

Ở ấp Phước Trung, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành Trường tiểu học Phước Hoà cũng đã ngưng tiếp nhận học sinh 2 năm nay. Ngôi trường có 2 dãy phòng học, được xây cất theo kiểu hình chữ L. Nhìn bề ngoài, ngôi trường còn khá mới và chắc chắn.

Trường tiểu học Hưng Mỹ không còn dành cho giáo dục.

Ông Ðỗ Phước Giang, ngụ ấp Phước Trung cho biết, trước đây con ông học trường này, nhưng hơn hai năm nay, trường không còn hoạt động, hằng ngày ông phải đưa con ra điểm trường mới, cách nhà khoảng 5km.

Theo ông Nguyễn Trọng Hiệp- Phó Chủ tịch UBND xã, đây là điểm phụ của Trường tiểu học Phước Hoà. Hiện nay, thực hiện xây dựng nông thôn mới, các trường xây lầu, với diện tích rộng lớn hơn, nên điểm trường này sáp nhập vào Trường tiểu học Phước Vinh A, cơ sở vật chất do Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện quản lý.

UBND xã dự định sắp tới sẽ làm văn bản đề xuất UBND huyện trao đổi với Phòng GD&ÐT giao lại cơ sở cho chính quyền địa phương. Ấp Phước Trung đã có nhà văn hoá, nhưng xây dựng ở cuối xóm, gần sông Vàm Cỏ Ðông, địa bàn ấp rất rộng, nếu được cấp trên chấp thuận, xã sẽ lấy trường làm điểm sinh hoạt văn hoá cộng đồng, hội nghị tiếp xúc cử tri, sinh hoạt các tổ tự quản.

Bà Mai Thị Lệ- Giám đốc Sở GD&ÐT cho biết, theo phân cấp quản lý, các cơ sở giáo dục như giáo dục mầm non, tiểu học, THCS, sau khi sáp nhập, cơ sở vật chất giao lại cho UBND huyện quản lý. Các huyện sẽ sắp sếp, bố trí lại hoặc giao cho cơ quan khác, hoặc thanh lý để bổ sung cho nguồn ngân sách. 

Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh