Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
data:
Nhiều vấn đề cử tri quan tâm đã được thực hiện
Thứ hai: 20:11 ngày 10/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nhìn chung, đối với những vấn đề cử tri quan tâm và phản ánh, hiện nay đã có chuyển biến tích cực; dù chưa được giải quyết triệt để, nhưng bước đầu cho thấy, ngành chức năng và địa phương đã từng bước chấn chỉnh. Hy vọng trong thời gian tới, những tồn tại nêu trên sẽ được xử lý dứt điểm.

Thời gian qua, nhiều vấn đề xã hội như bán hàng rong trước cổng trường, hoạt động của karaoke di dộng, việc quản lý rừng phòng hộ Dầu Tiếng… được người dân phản ánh liên tục trong các cuộc tiếp xúc cử tri và qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tiếp thu các ý kiến đó, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nhanh chóng vào cuộc, từng bước chấn chỉnh những vấn đề cử tri quan tâm.

Dẹp bớt nạn buôn bán hàng rong trước cổng trường

Ðầu tháng 4.2018, Báo Tây Ninh, Ðài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phản ánh tình trạng buôn bán hàng rong trước một số cổng trường ở huyện Hoà Thành, đơn cử như ở Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai (thuộc xã Long Thành Trung).

Từ nhiều năm qua, trước cổng trường này bày bán nhiều loại hàng hoá như một ngôi chợ nhỏ. Từ các loại thức ăn như: cơm, bánh mì thịt, bánh chuối nướng, nước ngọt đến các loại đồ chơi mang tính bạo lực, thậm chí có cả… rau quả, cá, thịt.

Nhiều phụ huynh đưa con đến trường, tấp vào mua thức ăn cho con, tiện thể “đi chợ” luôn. Cũng vì lý do này nên đoạn đường luôn bị tắc nghẽn giao thông, cảnh quan trước cổng trường trở nên nhếch nhác. Không thể xử lý việc buôn bán hàng rong, nhà trường chỉ còn cách vận động học sinh không mua hàng ngoài cổng trường và kiến nghị chính quyền địa phương tìm biện pháp giải quyết.

Karaoke di động gây tiếng ồn quá lớn làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.

Sau khi chính quyền địa phương vào cuộc, tình trạng hàng rong bủa vây trước cổng trường giảm bớt rõ rệt. Dù vẫn có một vài người bày đồ chơi, cá mắm ra buôn bán, nhưng không còn lấn ra mặt đường, bàn ghế được kê sát vào trong, cổng trường có phần thông thoáng hơn.

Cô Bùi Thị Thái Hoà- Phó Hiệu trưởng Trường TH Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “Sau khi Báo, Ðài phản ánh, nhà trường kết hợp với chính quyền địa phương giải toả hoạt động buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường của một số hộ dân và mời họ về trụ sở UBND xã ký cam kết chuyển đi nơi khác buôn bán.

Hầu hết bà con ở đây đã chấp hành nghiêm túc vấn đề này, chỉ còn một vài người dân ở địa phương khác đến bày hàng. Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, cố gắng chấn chỉnh dứt điểm”.

Theo bà Huỳnh Thị Thanh Phương- Phó Phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Hoà Thành, hiện trên toàn huyện có 48 trường học các cấp. Năm học 2018-2019, tình trạng buôn bán hàng rong, lấn chiếm lòng, lề đường trước cổng trường vẫn còn rải rác, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nề nếp sinh hoạt của học sinh.

Tuy nhiên, xử lý những người buôn bán hàng rong này rất khó, vì họ thường xuyên di chuyển chứ không buôn bán cố định. Phòng GD&ÐT đã phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, vận động phụ huynh, học sinh không mua thực phẩm lề đường, đồ chơi không nhãn mác. Mặt khác, được sự chỉ đạo của Phòng, đến nay, đã có 33 trường xây dựng căn-tin để phục vụ nhu cầu ăn uống của học sinh, được Phòng Y tế cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Âm thanh di động: sẽ đưa vào khuôn khổ

Những năm gần đây, dàn âm thanh di động, hay còn gọi là karaoke di dộng xuất hiện, hoạt động văn hoá văn nghệ của người dân phong phú hơn, từ phục vụ tiệc cưới, hỏi, liên hoan, sinh nhật, cho đến hỗ trợ bán kẹo kéo, vé số dạo, v.v… Tuy nhiên, nhiều người sử dụng quá công suất, quá giờ giấc, gây phiền phức cho người khác.

Một dàn âm thanh di động, gồm các thiết bị như: ampli, máy vi tính, màn hình và từ 2-4 cặp loa cỡ lớn, đặt trên xe tự chế, xe lôi máy, xe tải chở đi cho thuê dạo khắp nơi, với giá từ 70.000-100.000 đồng/giờ.

Người dân có nhu cầu ca hát, chỉ cần gọi điện thoại là người cho thuê sẽ đem đến, sẵn sàng phục vụ khách hàng từ sáng đến tối. Nhu cầu của người dân ngày một nhiều nên dịch vụ này cũng không ngừng nở rộ. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Gò Dầu, trong thời gian 3 năm gần đây, đã có 129 hộ kinh doanh dàn âm thanh lưu động.

Ông Nguyễn Văn Minh- Trưởng Phòng Văn hoá - Thông tin huyện cho hay: “Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật, lễ tết, những người kinh doanh loại hình dịch vụ này không có đủ máy móc cho thuê”.

Một cây rừng đã ngã xuống, bị người dân lén lút vào lấy gỗ, ngọn, cành bỏ ngổn ngang trên mặt đất.

Trên thực tế, nhiều gia đình tổ chức vui chơi ca hát bằng loại hình karaoke di động gây tiếng ồn quá lớn hoặc ca hát quá giờ giấc nghỉ trưa, ngủ tối làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân, việc học tập của trẻ em, thậm chí nhiều nơi dẫn đến mất an ninh trật tự.

Tại không ít cuộc tiếp xúc cử tri, người dân kiến nghị ngành chức năng cần sớm chấn chỉnh tình trạng này, và các địa phương cũng đã đưa ra nhiều giải pháp, như: tổ chức hội nghị tập huấn cho cơ sở kinh doanh âm thanh di động, tổ chức cho các cơ sở ký cam kết thực hiện tốt các quy định về nội dung bài hát, thời gian hoạt động (bảo đảm giờ nghỉ trưa, không hoạt động sau 22 giờ); sử dụng âm thanh không vượt quá quy định về tiêu chuẩn mức ồn tối đa cho phép…v.v…

Ông Nguyễn Nam Giang- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2017, toàn tỉnh có 153 cá nhân cho thuê dàn 323 âm thanh di động. 6 tháng đầu năm 2018, loại hình âm thanh di động hoạt động nề nếp hơn so với trước.

Qua công tác tuyên truyền của ngành VH,TT&DL, các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, các cá nhân cho thuê dàn âm thanh di động chấp hành tốt các quy định. Mặt khác, qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, các tổ chức, cá nhân nhận thức được những hệ quả không tốt do tiếng ồn từ dàn âm thanh di động gây ra, nên đã có sự điều chỉnh phù hợp trong quá trình sử dụng thiết bị vui chơi giải trí.

Sở VH,TT&DL đã và đang thực hiện một số giải pháp nhằm chấn chỉnh hoạt động này. Cụ thể, cơ quan này chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghệ, tăng cường lồng ghép nội dung tuyên truyền sự ảnh hưởng tiêu cực của các loại hình hoạt động âm thanh di động- nhất là loại hình karaoke di động, loa kẹo kéo… nhằm nâng cao ý thức của người dân;

Phối hợp với các ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố hướng dẫn các tổ chức, cá nhân cho thuê âm thanh di động đăng ký kinh doanh; Tham mưu bổ sung nội dung quản lý loại hình hoạt động này vào quy ước khu dân cư để cộng đồng phối hợp thực hiện, bảo đảm an ninh trật tự;

Phối hợp các sở, ngành liên quan và các địa phương hoàn chỉnh “Quy chế quản lý các loại hình âm thanh di động”, dự kiến sẽ trình UBND tỉnh xem xét, ban hành vào cuối năm 2018 để làm cơ sở, phối hợp quản lý loại hình này hiệu quả hơn.

Tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ Dầu Tiếng

Những năm gần đây, khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng (huyện Tân Châu) liên tục xảy ra các vụ cháy rừng, trộm cắp lâm sản, chặt phá cây rừng lấn đất làm rẫy. Thế nhưng, việc ngăn chặn, xử lý của đơn vị quản lý và các đơn vị có liên quan vẫn chưa thật sự hữu hiệu. Ở tiểu khu 43, có những vạt rừng bị đốt cháy, bên cạnh là những khoảnh mì trồng lấn dần vào đất lâm nghiệp. Ở một khu rừng khác, nhiều cây rừng lớn chết dần vì bị người dân vạt vỏ, đổ thuốc khai hoang.

Theo Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng, đơn vị đã triển khai thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng, như chủ động đốt trước thực bì đường ranh, bờ lô chống cháy; tổ chức phân công trực phòng cháy, chữa cháy tại các tổ, chốt, khu vực trọng điểm; thường xuyên phối hợp với các xã, đơn vị liên quan tăng cường tuần tra, kiểm tra, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời khi có cháy xảy ra; chú trọng tổ chức tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân sống gần rừng, ven rừng thực hiện tốt công tác phòng cháy rừng…

Tuy nhiên, tình trạng xâm hại rừng vẫn còn xảy ra. Chỉ riêng 3 tháng đầu năm, đã có 10 trường hợp cháy, trong đó 1 vụ cháy rừng tự nhiên, diện tích 1 ha tại tiểu khu 43. Nguyên nhân chính vẫn là có người cố ý đốt để lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Ðơn vị đang phối hợp với cơ quan Kiểm lâm, chính quyền địa phương hoàn chỉnh hồ sơ xử lý theo quy định. Ngoài ra, đơn vị đã củng cố hồ sơ xử lý vi phạm tái lấn, chiếm rừng và đất lâm nghiệp 24 trường hợp với diện tích hơn 38 ha.

Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng là địa bàn quản lý rộng, nhiều khu dân cư sống ven rừng, trong rừng, địa hình chia cắt, phức tạp, giáp ranh với sông Sài Gòn, hồ Dầu Tiếng, do đó lâm tặc có thể tạo ra nhiều con đường vận chuyển, bến bãi tập kết lâm sản trái phép, khó kiểm tra, phát hiện kịp thời. Còn nguyên nhân chủ quan, do nhiều diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trước đây còn tồn đọng, đến nay mới tiến hành lập hồ sơ xử lý, tình trạng tái lấn chiếm đất trồng mì, cao su, cây ăn trái.

Nhiều cá nhân nhận khoán trồng rừng vi phạm nội dung hợp đồng, thiếu trách nhiệm, không tổ chức bảo vệ rừng, để xảy ra mất cắp gỗ, không phát hiện và không báo cáo kịp thời cho các cơ quan chức năng xử lý. Tình trạng khai thác, phá rừng làm rẫy với nhiều hình thức như: lấn dần, chiếm dần, thời gian thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều tối, kể cả ban đêm, lúc trời mưa bão, sẵn sàng chống trả lại lực lượng thi hành nhiệm vụ. Nhiều trường hợp vi phạm bị phát hiện xử lý ngăn chặn, làm cho một số đối tượng xấu tức giận, lợi dụng thời tiết nóng trong mùa khô vào rừng đốt phá để trả thù và tiếp tục tái lấn chiếm đất rừng.

Ngày 7.9.2018, chúng tôi trở lại rừng phòng hộ Dầu Tiếng. Những nơi trước đây bị cháy rừng, nay trên mặt đất đã được phủ một màu xanh bởi những cây rừng nhỏ và nhiều loại dây leo. Những nơi đất rừng đã bị dọn sạch, tạm thời vẫn để cho người dân địa phương trồng lúa, chờ có kế hoạch trồng lại rừng. Những cây rừng lớn, đã bị vạt vỏ, đổ thuốc khai hoang vào, có cây đã héo úa sắp chết, có cây đã chết khô, đứng chơ vơ giữa rừng và có cây đã ngã xuống, bị người dân lén lút vào lấy thân làm gỗ, ngọn, cành bỏ ngổn ngang trên mặt đất.  

Ông Nguyễn Văn Quang- Phó Ban Quản lý khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng cho biết: “Trước tình trạng xâm hại rừng, Ban Quản lý đã phối hợp tuần tra, kiểm tra để ngăn chặn tình trạng người dân cố tình phá rừng. Những diện tích lấn chiếm, Ban quản lý lập hồ sơ chuyển đến cơ quan chức năng xử lý. Ðồng thời tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, làm đĩa CD về bảo vệ rừng gửi cho lãnh đạo các ấp để tuyên truyền cho người dân cùng chung tay bảo vệ rừng…”.

Nhìn chung, đối với những vấn đề cử tri quan tâm và phản ánh, hiện nay đã có chuyển biến tích cực; dù chưa được giải quyết triệt để, nhưng bước đầu cho thấy, ngành chức năng và địa phương đã từng bước chấn chỉnh. Hy vọng trong thời gian tới, những tồn tại nêu trên sẽ được xử lý dứt điểm.

Ðại Dương

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh