Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học:
Nhiều việc phải làm
Thứ tư: 13:13 ngày 27/03/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Như tin đã đưa, vừa qua, Sở GD&ÐT tổ chức hội thảo “Xây dựng mô hình văn hoá học đường” nhằm triển khai Ðề án “Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025” của Bộ GD&ÐT.

Các em học sinh Trường THCS Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành đọc sách trong giờ ra chơi.

Ông Bùi Anh Tuấn- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Tây Ninh cho biết, Ðề án sẽ được triển khai tại Tây Ninh trong hai năm và được thí điểm tại 4 trường THCS, bao gồm: THCS Nguyễn Hiền, Trần Hưng Ðạo, Võ Văn Kiệt (TP. Tây Ninh) và Trường THCS Thị trấn (huyện Dương Minh Châu). Sau khi thí điểm, nhóm nghiên cứu sẽ lấy kết quả đạt được và trên cơ sở những đóng góp của các tổ chức, cơ sở giáo dục để hoàn thiện đề tài “Xây dựng mô hình văn hoá ứng xử học đường ở Tây Ninh”, sau đó nhân rộng mô hình ra các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh.

Cân bằng giữa dạy chữ và dạy người

Sự nghiệp giáo dục còn được mệnh danh là trồng người. Sự nghiệp đó đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của các lực lượng xã hội- mà quan trọng nhất là sự phối hợp ăn ý, chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Phát biểu tại hội thảo “Xây dựng mô hình văn hoá học đường” do Sở GD&ÐT Tây Ninh tổ chức, Tiến sĩ Phạm Văn Khanh- Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhấn mạnh tính hiệu quả từ dự án mang lại. Ông cho rằng, đề án không chỉ góp phần phát huy những giá trị mang tính truyền thống như: tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn… mà còn góp phần phát triển chất lượng dạy và học trong nhà trường. Hiệu quả Ðề án mang lại sẽ góp phần làm cho ngành giáo dục càng phát triển bền vững.

Thời gian qua, môi trường giáo dục còn tồn tại những hành vi lệch chuẩn như: thầy giáo gạ tình đổi điểm, giáo viên hành hạ học sinh, sử dụng lời nói sỉ nhục, doạ dẫm, hạ thấp nhân phẩm học sinh, học trò vô lễ với thầy cô, hay những vụ bạo lực học đường… Ðiều này cho thấy môi trường học đường không còn an toàn, gây ra những ảnh hưởng tâm lý nặng nề cho cả người dạy lẫn người học.

Khi các giá trị văn hoá đạo đức không còn được xem trọng trong môi trường sư phạm thì cũng làm mai một những giá trị truyền thống dân tộc. Vì thế, theo Tiến sĩ Phạm Văn Khanh, mục tiêu chung nhất của việc xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học chính là xác định những chuẩn mực, giá trị văn hoá mà tổ chức, nhà trường muốn hướng tới.

Trên cơ sở những giá trị chuẩn mực đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, giáo viên và học sinh cùng thực hiện. Việc triển khai đề án một cách hợp lý sẽ tạo ra môi trường học đường lành mạnh, nhân văn và góp phần rèn luyện, tạo ra những con người với nhân cách tốt. Môi trường giáo dục càng lành mạnh thì người học dễ tiếp cận, tiếp thu và hình thành nên những giá trị tích cực, tốt đẹp.

Cũng theo Tiến sĩ Khanh, muốn xây dựng văn hoá học đường phải bắt đầu từ cấp quản lý ngành, cán bộ lãnh đạo nhà trường. Người đứng đầu phải nắm rõ thực trạng văn hoá ứng xử trong trường của mình và văn hoá tại địa phương để có thể đề ra chủ trương, có kế hoạch triển khai cho phù hợp với thực trạng tại địa phương. Ngoài ra, các cán bộ ngành giáo dục cũng phải mạnh dạn đóng góp ý kiến cùng Sở GD&ÐT để xây dựng mô hình văn hoá học đường một cách thiết thực và phù hợp nhất.

Ông Ðào Thái Sơn- Phó Hiệu trưởng Trường THCS Suối Dây (huyện Tân Châu) cho rằng, để đề án triển khai hiệu quả cần có sự phối hợp giữa lực lượng giáo dục như thầy cô giáo, nhà trường và phụ huynh. Nhà trường cũng ra cam kết với phụ huynh về việc hỗ trợ nhau trong công tác giáo dục học sinh. Nhà trường sẽ thông báo kết quả học tập, rèn luyện của học sinh đồng thời nhận được phản hồi kịp thời của phụ huynh về tâm lý học sinh để có biện pháp giáo dục kịp thời khi các em gặp khó khăn, trở ngại trong học tập cũng như các mối quan hệ.

Nhà giáo ưu tú Cao Ðức Hoà- nguyên Hiệu trưởng Trường thực nghiệm GDPT tỉnh cho rằng, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là một việc làm cần thiết và có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học. Việc rèn luyện kỹ năng sống càng giúp các em vận dụng tốt bài học vào thực tiễn, giúp các em ứng phó tốt với những tình huống trong cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của cá nhân và xã hội. Ðể làm tốt việc giáo dục kỹ năng sống cho các em, nhà trường và giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy các môn xã hội như Ngữ văn, Sinh học, Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân… Qua đó, giúp các em sống tự tin, lành mạnh, biết làm chủ bản thân.

Theo ông Nguyễn Quyết Tiến- chuyên viên Văn phòng Sở GD&ÐT Tây Ninh, công tác tư vấn tâm lý trong nhà trường là biện pháp hữu hiệu để gắn kết mối quan hệ giữa nhà trường, giáo viên và học sinh. Việc vận dụng các nội dung tư vấn học đường giúp cho giáo viên tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, học sinh với gia đình.

Giúp học sinh giải quyết được những vấn đề khó khăn trong học tập và chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Qua đó, giáo viên có thể hiểu được tâm lý của học sinh, nắm bắt được những vấn đề phát sinh trong lứa tuổi học sinh để có những định hướng giáo dục phù hợp với các em.

Ứng xử văn minh, giảm thiểu bạo lực học đường

Việc xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học góp phần đưa học sinh vào nề nếp, kỷ cương, hạn chế bạo lực học đường, hướng đến xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh và an toàn để các em phát triển một cách tốt nhất.

Cô Nguyễn Xuân Lan- Hiệu trưởng Trường THCS Võ Văn Kiệt (TP. Tây Ninh) cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là phim ảnh, sách báo, game chứa nội dung nhảm nhí… Giới trẻ hiện bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, đề cao bản thân khi tiếp xúc dễ dàng với những hành vi bạo lực trên internet, phim ảnh và trò chơi điện tử. Bên cạnh đó, sự giáo dục của nhà trường còn nặng về kiến thức văn hoá, đôi khi lãng quên đi nhiệm vụ giáo dục con người và cũng do sự giáo dục chưa đúng đắn từ cha mẹ.

Cô Phan Thị Chuyên- Hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Nguyễn Hiền (TP. Tây Ninh) cho biết, hầu hết các trường học đều tích cực trong công tác giáo dục đạo đức, văn hoá học đường cho học sinh. Tuy nhiên, khi việc giáo dục đạo đức, văn hoá trường học chưa được học sinh thấu hiểu, ngấm sâu trong từng lời nói, hành động, tư tưởng thì bạo lực học đường khó được đẩy lùi triệt để. Nhận thức sâu sắc về sự nguy hiểm của bạo lực học đường, Trường Nguyễn Hiền đã nghiên cứu phương pháp dạy học nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nạn bạo lực, thông qua việc giáo dục học sinh xây dựng tình bạn đẹp trong nhà trường.

Thực tế cho thấy, những hành vi bạo lực học đường xuất phát từ những xích mích, hiểu lầm, mâu thuẫn giữa học sinh với nhau. Thông qua việc xây dựng văn hoá ứng xử trường học có thể trang bị kỹ năng giao tiếp cho học sinh. Giúp các em hình thành quy tắc ứng xử ngay hoạt động giao tiếp hằng ngày như: chào hỏi, cảm ơn, xin lỗi… Qua đó, giảm thiểu nguy cơ xung đột, hiểu lầm, cải thiện các mối quan hệ.

Ông Bùi Anh Tuấn- Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Tây Ninh cho rằng không chỉ riêng bạo lực học đường, các vấn đề ứng xử trong quan hệ thầy và thầy, thầy và trò, trò với trò, quan hệ giữa gia đình, nhà trường, xã hội hiện nay đang thiếu sự nhất quán, dẫn đến những tiêu cực trong nhà trường, bạo lực học đường, bạo lực giữa thầy cô với học trò của mình rộ lên. Vì vậy, quy tắc ứng xử là những điều cần thiết phải làm và cần làm ngay.

Ngọc Bích - Hoà Khang

Tin cùng chuyên mục