Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều ý kiến về thẩm quyền quyết định danh mục dự án sử dụng vốn ngân sách TW
Thứ tư: 07:51 ngày 29/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề nhiều đại biểu quốc hội quan tâm.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

“Sở dĩ kế hoạch đầu tư công trung hạn có trục trặc, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực của bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm mà Quốc hội trao”, ý kiến trên được đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đưa ra tại buổi thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), sáng 28/5.

Thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn là vấn đề đại biểu quan tâm tại buổi thảo luận này. 

Liên quan đến thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội quyết định là hoàn toàn khả thi, không mất thời gian nếu Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng nguyên tắc, định hướng và khi đầu tư từ trung ương không dàn trải hàng ngàn công trình như hiện nay mà chỉ tập trung vào một số ít công trình lớn, quan trọng, liên kết vùng miền là những cú huých tạo động lực tăng trưởng. 

“Quốc hội quyết định mới bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền hạn về phân bổ ngân sách trung ương theo Hiến pháp, vì dự án là linh hồn của kế hoạch đầu tư. Xem xét kế hoạch đầu tư mà không xem xét từ dự án, mức vốn cho từng dự án thì chỉ là hình thức, vì không xem từng dự án thì không thể cộng ra tổng tiền của kế hoạch và cũng không thể biết việc đầu tư có phù hợp với nguồn lực, tuân thủ định hướng đầu tư, nguyên tắc phân bổ vốn hay không”, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nhấn mạnh.

Ông cho rằng, Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án đầu tư từ ngân sách trung ương cũng là thông lệ của nhiều nước trên thế giới. Hiện nay, Chính phủ phải trình đi trình lại nhiều lần là do chuẩn bị chưa đạt yêu cầu; Quốc hội hay Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể từ chối khi Chính phủ chuẩn bị đầy đủ, đúng quy định.

Do đó, Chính phủ đề xuất trao thẩm quyền quyết định danh mục, mức vốn cho Chính phủ vì lý do mất thời gian, phát sinh thủ tục và số lượng dự án nhiều là không thuyết phục. Việc đa số ý kiến thống nhất quy định Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho các dự án đầu tư từ ngân sách trung ương là đầy đủ căn cứ, đảm bảo quyền thực chất của Quốc hội. Và nếu Chính phủ chuẩn bị tốt sẽ không có vướng mắc gì.

“Tuy nhiên, việc ngân sách trung ương đầu tư hàng ngàn công trình chưa thể khắc phục ngay; cải thiện chất lượng kế hoạch Chính phủ trình không thể một sớm, một chiều nên sẽ là linh hoạt hơn và vẫn bảo đảm thẩm quyền của Quốc hội nếu giữ như Luật hiện hành là Chính phủ trình Quốc hội danh mục, mức vốn để Quốc hội thảo luận nhưng không qui định cứng Quốc hội quyết định danh mục, mức vốn cho từng dự án”, đại biểu Hàm nói.

Ông cho rằng, tùy chất lượng kế hoạch, Quốc hội có thể quyết định hoặc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc giao cho Chính phủ quyết định sau khi xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như đang làm hiện nay.

Tán thành quan điểm trên, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phân tích, Hiến pháp khẳng định Quốc hội có chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, nhiệm vụ của Quốc hội là hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và những nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chính là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội.

Danh mục dự án là một bộ phận trung tâm hạt nhân, có tính chất quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu tách rời danh mục dự án thì kế hoạch đầu tư công trung hạn không còn ý nghĩa và như vậy Quốc hội sẽ không còn vai trò, vị trí của mình là quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng cho rằng, theo quy định của Hiến pháp, Chính phủ là cơ quan chấp hành của Quốc hội và là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền hành pháp. Nếu việc này cho Chính phủ sẽ không đúng với nguyên tắc phân công quyền lực, tổ chức quyền lực nhà nước. Trên thực tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn sở dĩ có trục trặc, không thực hiện được theo Luật Đầu tư công là do năng lực của bộ máy tham mưu giúp việc của Chính phủ chưa làm tròn trách nhiệm mà Quốc hội trao.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước Tôn Ngọc Hạnh phát biểu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Trong khi đó, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh (Bình Phước) cho rằng, để đảm bảo quan điểm khi xây dựng dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) là phân cấp, phân quyền mạnh, gắn với quy định rõ trách nhiệm, cần phải rõ trách nhiệm, kiểm tra, giám sát đảm bảo điều hành thực hiện kế hoạch đầu tư công linh hoạt, hiệu quả, sát thực tế, phù hợp với quy định của pháp luật.

Tán thành phương án Quốc hội quyết định tổng mức, giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo đúng khung kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua, đại biểu này lý giải, nếu quy định phương án Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn có thể phát sinh những khó khăn do quy trình lọc dự án và thực hiện thủ tục chuẩn bị dự án, các đơn vị không thể chuẩn bị kịp thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án tại thời điểm báo cáo Quốc hội, chỉ có thể tổng hợp được các dự án chuyển tiếp và một số dự án hoàn thiện thủ tục và chủ chương đầu tư. Với số lượng khoảng 9.000 dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, Trung ương.

Việc Quốc hội phê duyệt điều chỉnh danh mục mức vốn cho từng dự án là không thực tế và không có tính khả thi, việc nghiên cứu số lượng lớn tài liệu này của các vị đại biểu Quốc hội trong thời gian ngắn là không đáp ứng được chất lượng và trên thực tế, Quốc hội cũng không đủ thời gian, nguồn lực để thẩm định nội dung điều chỉnh.

Tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, giải trình của Chính phủ về việc giao Chính phủ quyết định, điều chỉnh danh mục dự án theo kế hoạch đầu tư công trung hạn được Quốc hội thông qua là chưa thuyết phục. Vấn đề cần mổ xẻ là đầu tư công thời gian qua chậm do vướng quy định của pháp luật hay khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu.

Nếu do vướng quy định của pháp luật, cần mổ xẻ để sửa luật nhưng nếu pháp luật đã phù hợp, không có cản trở mà là do khâu tổ chức thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự tập trung, làm chậm trễ thì phải điều chỉnh ở khâu này. Từ thực tiễn thực hiện của Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu cho biết, vướng chủ yếu từ khâu tổ chức thực hiện. Bà đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ vấn đề này.

“Giải trình của Chính phủ có nói là sợ mất thời gian của Quốc hội, tôi nghĩ đây không phải là vấn đề. Những vấn đề quan trọng của quốc gia thì cần bao nhiêu thời gian, Quốc hội cũng có thể đảm đương được và đó là sự cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho hay.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến của Đại biểu Quốc hội. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ, “chúng tôi hoàn toàn đồng ý thẩm quyền này thuộc về Quốc hội. Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, quyết định tất cả những vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có vấn đề ngân sách”. Ông cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn chỉ là một khung cho cả 5 năm, còn Quốc hội vẫn quyết định, phê duyệt và giao kế hoạch ngân sách cho từng dự án theo ngân sách hàng năm. Tuy nhiên, với 9.600 dự án của nhiệm kỳ vừa rồi và cũng khoảng chừng đó dự án trong nhiệm kỳ tới là một khối lượng rất lớn, nếu Quốc hội thực hiện quyền của mình để quyết định vấn đề này, ông băn khoăn “có khả thi không?”.

Dẫn quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là cấp nào quyết định, cấp đó điều chỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu: “chúng ta điều chỉnh dự án liên tục do thực tế. Ví dụ, do đấu thầu thừa ra khoảng 10 tỷ đồng, hay do tên của một dự án chỉ cần điều chỉnh một chút, đấy là điểm hoàn toàn chính đáng, hợp pháp, hợp lý, nhưng chúng ta vẫn phải làm một động tác là phải báo cáo lại Quốc hội, vì Quốc hội đã quyết định việc đó, như vậy khối lượng rất khổng lồ”.

“Tôi hình dung là nếu Quốc hội làm việc này thì rất nặng nề cho Quốc hội. Chúng tôi muốn việc đó giao cho Chính phủ thực hiện và Chính phủ phải làm, Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Quốc hội vẫn phải đảm bảo quyền năng của mình là cơ quan quyết định cao nhất là phải quyết định tổng mức đầu tư của 5 năm đó là bao nhiêu... Chính phủ phải điều hành trong khung mà Quốc hội đã quyết, Quốc hội làm chức năng giám sát”, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư nói.

Ông cho rằng, “nếu giao cho Chính phủ điều hành thì linh hoạt hơn, nhẹ hơn cho công việc của Quốc hội”, vì Quốc hội một năm có 2 kỳ họp, mỗi kỳ một tháng nhưng có rất nhiều nội dung, công việc,nếu chỉ sa đà vào thực hiện một việc sẽ rất khó cho Quốc hội và tính khả thi yếu đi.

Trước những ý kiến còn khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Ông đề nghị các đại biểu nghiên cứu trước để thể hiện ý kiến bằng hệ thống điện tử vào buổi sáng 29/5, trước khi thảo luận tổ.

Nguồn TTXVN

Tin cùng chuyên mục