12 con giáp là hệ thống thứ tự 12 con vật quen thuộc mà cuộc sống của chúng phần nào có tác động đến cuộc sống con người, được dùng làm biểu tượng để định danh cho một chu kỳ 12 năm tính theo âm lịch - lịch mặt trăng ở các nước có nền văn hoá Á Đông như Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Hàn Quốc, Nhật Bản… 12 năm “tròn một giáp”, là một chặng đường của cuộc đời người, và cũng là dịp để nhìn lại, xem ta đã được gì, mất gì?
ÐÔI ÐIỀU VỀ CUỘC ÐIỀU TRA PCI
Xin được lan man một chút trước khi đi vào nội dung bài báo này, để làm rõ đầu đề của nó là: “Nhìn lại chặng đường (12 năm) nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh”. Và cũng xin xác định rõ 12 năm ấy là giai đoạn 2006-2018, chứ không phải là 2008-2020, vì lẽ cuộc điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh- PCI bắt đầu từ năm 2005 và được công bố kết quả vào mùa xuân năm2006.
Như vậy, chặng đường được “nhìn lại” ở đây có kết quả mới nhất là của năm… 2018, còn kết quả điều tra PCI năm 2019 thì sau tết Canh Tý -2020 này mới được công bố.
Bảng xếp hạng PCI năm 2006, Tây Ninh đứng trong nhóm Tương đối thấp
Nội dung báo cáo PCI hằng năm, do các doanh nghiệp “chấm điểm” chính quyền cấp tỉnh trên các mặt (gọi là chỉ số thành phần) sau: 1.Gia nhập thị trường; 2.Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; 3.Tính minh bạch; 4.Chi phí thời gian; 5.Chi phí không chính thức; 6.Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh; 7.Cạnh tranh bình đẳng; 8.Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; 9.Ðào tạo lao động và 10.Thiết chế pháp lý.
Mỗi chỉ số được chấm theo thang điểm 10; vị chi kết quả PCI của từng tỉnh, thành được chấm tối đa là 100 điểm; nhưng trong 12 năm qua, cả 63/63 tỉnh, thành chưa bao giờ đạt điểm PCI tối đa. Ðiều này có nghĩa, lãnh đạo các tỉnh, thành vẫn còn nhiều “đất dụng võ” trong việc cải cách hành chính đối với hoạt động “kinh bang tế thế” tại địa phương mình.
Và bản báo cáo PCI hằng năm vẫn còn là tấm gương trong để mỗi tỉnh, thành nhìn vào đó mà nhận diện từng nét đổi thay trên khuôn mặt kinh tế xã hội của mình, và tìm cách điểm tô thêm những nét đẹp tươi mới, cũng như dần xoá hết những dấu vết hãy còn hoen ố, nhạt nhoà.
TRỞ LẠI VỚI TÂY NINH HƠN “MỘT GIÁP” VỀ TRƯỚC
12 năm trước, bất cứ ai quan tâm đến bước đường đi lên của Tây Ninh đều không thể quên bối cảnh kinh tế xã hội lúc đó. Những năm đầu thế kỷ XXI, dù đã có gần 20 năm đổi mới, nhưng những thành tựu phát triển trên đường công nghiệp hoá vẫn chưa được bao nhiêu.
Cụ thể, chỉ mới có được ngành công nghiệp chế biến đường với 3 nhà máy công suất tương đối lớn, cùng với một khu công nghiệp được lấp chưa kín mặt bằng, ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp - kể cả quốc doanh và tư nhân đều là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Còn về hoạt động của nền hành chính thì chủ yếu là tuân thủ quy định của cấp trên một cách… cứng nhắc, sự năng động, sáng tạo, linh hoạt trong điều hành kinh tế - xã hội hết sức rụt rè, thậm chí gần như không có.
Bảng thống kê chỉ số được chọn của Tây Ninh từ năm 2006 đến 2018.
So sánh chỉ số PCI của Tây Ninh trong vùng
Năm 2006, kết quả điểm số PCI của Tây Ninh là 48,35/100 điểm, xếp hạng 47/64 tỉnh, thành (lúc này cả nước có 64 tỉnh, thành) và đứng vào nhóm “Tương đối thấp” trong bảng tổng sắp gồm các nhóm Rất tốt, Tốt, Khá, Trung bình và Thấp. Tất nhiên với kết quả này thì người Tây Ninh chẳng lấy gì vui vẻ lắm. Tuy vậy, tỉnh lúc bấy giờ (và cho đến nay) vẫn lạc quan, thậm chí càng tích cực phấn đấu để ngày càng cải thiện kết quả năng lực cạnh tranh.
Ðiểm qua kết quả từng chỉ số ta thấy, chỉ số đạt điểm cao nhất là Gia nhập thị trường (8,49 điểm), điểm số này phản ánh nỗ lực của tỉnh trong việc tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư vào tỉnh nhà. Các chỉ số đạt điểm khá, trên 6 điểm lần lượt là: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất (6,26 điểm), nội hàm của điểm số này thể hiện quyết tâm rất mạnh mẽ, hành động rất quyết liệt của tỉnh và đạt kết quả thiết thực trong việc giải quyết mọi vấn đề rất phức tạp liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai.
Ðiểm số của chỉ số Chi phí không chính thức, nói rõ hơn là chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để “bôi trơn” cho việc đến làm ăn tại Tây Ninh, cũng được doanh nghiệp cho điểm cao (6,12 điểm). Ðiều này cho thấy, khi đến đầu tư vào Tây Ninh, doanh nghiệp ít phải tốn kém các chi phí tiêu cực, còn được gọi một cách mỉa mai là tiền “lót tay”, chi phí “gầm bàn”.
Kế đến là các chỉ số Cạnh tranh bình đẳng (6,06 điểm) và Thiết chế pháp lý (5,09 điểm) cho thấy ở Tây Ninh ít có sự đối xử bất bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong và ngoài Nhà nước, đồng thời cũng có bộ máy thực thi pháp luật nghiêm minh, công tâm.
Rõ ràng kết quả trên trong năm đầu Tây Ninh tham gia PCI là những điểm tốt rất cơ bản mà các nhà đầu tư đánh giá bộ máy hành chính tỉnh ta. Và không chỉ có trong năm 2006, thực tế cho thấy điểm tốt này từ đó vẫn luôn được giữ vững cho đến nay.
VÀ NHỮNG HOA TRÁI CỦA MẤY MÙA XUÂN QUA
Những năm kế tiếp, tuy điểm số PCI có lúc "trồi sụt thất thường", nhưng nhìn chung vẫn là xu hướng ngày càng cải thiện. Trong từng năm, chính quyền tỉnh đều có chỉ đạo các cơ quan công quyền đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng phát huy những điểm tốt, khắc phục những điểm còn hạn chế, tồn tại để không chỉ “thăng hạng” trong bảng tổng sắp PCI mà còn đem lại kết quả thiết thực là hoạt động quản lý, điều hành nền kinh tế xã hội của tỉnh ngày càng có hiệu lực, đạt hiệu quả nhất định.
Ðến năm 2018, là năm gần nhất có kết quả điều tra PCI, Tây Ninh đã có bước tiến đáng kể, đáng mừng là tỉnh nhà đã có được sự “bứt phá” ngoạn mục từ vị trí thứ 47, thuộc nhóm Tương đối thấp, vượt qua các nhóm Thấp, Trung bình để vươn lên nhóm Khá, tăng 33 bậc và xếp vào vị trí thứ hạng 14/63 tỉnh, thành trong cả nước với điểm số PCI từ 48,35/100 tăng lên 65,34/100 điểm.
Ðặc biệt, việc tăng điểm này không phải mang ý nghĩa mơ hồ, mà có căn cứ được định lượng cụ thể. 12 năm để đạt được sự đánh giá khách quan tốt đẹp của các doanh nghiệp không phải là thời gian ngắn, nhưng cũng không phải là quá dài trong tiến trình phát triển của một địa phương có gần 1,18 triệu dân với điểm xuất phát không có gì cao lắm.
Ðiểm qua bộ chỉ số PCI 2018 với 10 chỉ số thành phần cho thấy, không có chỉ số nào vượt trội lên hàng đầu bảng điểm, nhưng hầu hết các chỉ số thành phần đều tăng lên qua từng năm, cụ thể là từ năm 2016 đến năm 2018, tương ứng với 3 năm thực hiện Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng bộ tỉnh, cũng là 3 năm đầu nhiệm kỳ 2016-2021 của HÐND, UBND tỉnh. Về vị trí của tỉnh nhà trong khu vực miền Ðông Nam bộ - vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh đứng vị trí thứ 3, sau tỉnh Bình Dương (66,09 điểm) và thành phố Hồ Chí Minh (65,34 điểm).
Bước tiến đồng bộ này không chỉ phản ánh tỉnh ta thực hiện công cuộc cải cách hành chính khá tốt mà còn thể hiện sự ổn định, vững chắc trong thực hiện nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội của chính quyền tỉnh.
Kết quả cụ thể mà Tây Ninh đạt được qua 12 năm thực hiện điều tra năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thể hiện sự cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao nhất của lãnh đạo tỉnh trong các nhiệm kỳ gần đây. PCI ngày càng trở thành một sự đánh giá khách quan được coi trọng và có tác động thúc đẩy cải cách kinh tế, khuyến khích tính minh bạch, gia tăng đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế.
Nhìn lại quá trình Tây Ninh “theo đuổi” việc nâng cao năng lực cạnh tranh từ trước đến nay cho thấy lãnh đạo tỉnh Tây Ninh luôn lắng nghe và thấu hiểu để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh ngày càng thuận lợi hơn.
Ðiều này càng thấy rõ hơn khi 12 năm trước, ngay từ năm thứ hai dự án PCI bắt đầu triển khai trên phạm vi toàn quốc, lãnh đạo tỉnh đã hết sức cầu thị, mời các chuyên gia của VCCI, những thành viên trực tiếp thực hiện, điều hành dự án PCI đến Tây Ninh tìm hiểu, gợi ý cho tỉnh ta xác định hướng phát triển kinh tế một cách căn cơ, từng bước phát triển bền vững.
Rồi gần 10 năm sau đó, một lần nữa, lãnh đạo tỉnh lại mời các chuyên gia kinh tế trong, ngoài nước, các “bậc thầy” về kinh tế phát triển, trong đó có các nhà khoa học, nhà kinh tế giảng dạy đại học của nhiều cơ quan nghiên cứu, nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới đến Tây Ninh khảo sát và hướng dẫn cho các ngành, các lĩnh vực kinh tế của địa phương, xác định hướng phát triển và phương thức tăng tốc phát triển cho tỉnh nhà.
Hy vọng với những bước đi mang tính bứt phá nhưng không kém phần cẩn trọng trong những năm qua, mùa xuân Canh Tý 2020 sắp tới và nhiều con giáp tiếp theo, Tây Ninh sẽ tiếp tục phát triển đúng hướng để đem lại ngày càng nhiều quả ngọt, hoa thơm cho người và đất quê ta.
NGUYỄN TẤN HÙNG