Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Cục diện địa chính trị thế giới đang tiếp tục chuyển dịch theo xu hướng đa cực, đa trung tâm với bước mở rộng mạnh mẽ của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế. Năm 2023, thế giới đã chứng kiến xu hướng liên kết, hợp tác rõ nét và ngày càng mang tính tất yếu trong một thế giới đầy biến động.
Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Tại hội nghị cấp cao lần thứ 42 ở Indonesia, diễn ra tháng 5, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thông qua lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên chính thức. Hai tháng sau, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO ) chính thức kết nạp Iran và khởi động thủ tục gia nhập cho Belarus. Tháng 8, Nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) ghi một dấu mốc quan trọng với việc nhất trí mời 6 quốc gia Argentina, Ai Cập, Iran, Ethiopia, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) gia nhập từ năm 2024. Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã mở rộng đáng kể quy mô khi trao tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU) tại hội nghị thượng đỉnh ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 9/9. Trước đó, Phần Lan đã trở thành thành viên thứ 31 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Có thể thấy, việc nhiều tổ chức khu vực và quốc tế đồng loạt mở rộng, kết nạp thêm thành viên phản ánh những thay đổi sâu sắc, toàn diện của cục diện thế giới và khu vực. Thế giới biến chuyển không ngừng đã và đang làm lộ rõ các thách thức và rủi ro đối với môi trường an ninh toàn cầu, từ các điểm “nóng” xung đột đến dịch bệnh, biến đổi khí hậu… Đặc biệt, tính chất phức tạp và hậu quả khôn lường của các thách thức an ninh phi truyền thống, từ an ninh mạng, an ninh lương thực, an ninh khí hậu, an ninh năng lượng tới an ninh tiền tệ, an ninh công nghệ..., đang tạo ra mối đe dọa đối với sự tồn tại, phát triển chung của toàn nhân loại. Chắc chắn không một quốc gia đơn lẻ nào có đủ sức mạnh và nguồn lực để có thể một mình giải quyết những thách thức lớn như vậy. Chính Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã thừa nhận: “Thế giới đang đứng trước bước ngoặt lịch sử, trong đó không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được các vấn đề của thế giới đương đại”. Vì thế, việc liên kết, hợp tác, cùng thiết lập một không gian rộng và đa dạng hơn để có thể hoạch định các chính sách, cùng hành động, cùng ứng phó với các thách thức và cùng phát triển… trở thành yêu cầu cấp thiết. Nhiều chuyên gia cho rằng chính những “biến cố” như đại dịch COVID-19 đã “đặt dấu chấm hết” cho kỷ nguyên trật tự thế giới đơn cực và thúc đẩy, góp phần định hình rõ nét hơn một trật tự thế giới đa cực, đa trung tâm, đa đối tác. Như nhận định của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, việc mở rộng và hiện đại hóa BRICS “là dấu hiệu cho thấy các thể chế trên thế giới phải làm quen với những thay đổi của thời đại”.
Bên cạnh đó, sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, đã và đang đẩy mạnh quá trình hợp tác, liên kết, giúp hình thành nên nhiều trung tâm, tổ chức kinh tế, tài chính, thương mại quốc tế mới không chỉ gói gọn ở phương Tây như trước mà lan ra toàn thế giới. Quá trình dịch chuyển kinh tế từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông, với sự nổi lên của các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đang tạo nên những “trung tâm quyền lực” mới .
Trong một thế giới biến đổi khó lường và phức tạp, với nhiều cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ, nhiều cuộc xung đột chưa tìm được lối thoát, gây ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế-xã hội, ngày càng nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, muốn gia nhập các tổ chức liên kết không chỉ trong khu vực mà còn trên phạm vi thế giới, nhằm củng cố vai trò và vị trí của mình trong các vấn đề toàn cầu. Ở chiều ngược lại, bản thân các tổ chức cũng muốn mở rộng quy mô để tăng cường tiếng nói, ảnh hưởng quốc tế, sức mạnh trong thế giới nhiều bất ổn. Đề cập vấn đề này, chuyên gia Yun Sun – Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại tổ chức nghiên cứu Trung tâm Stimson ở Washington (Mỹ) - nhấn mạnh: “Thành viên càng đông, họ càng có thể khẳng định tiếng nói tập thể mạnh mẽ hơn”.
Việc ASEAN nhất trí kết nạp Timor Leste được đánh giá sẽ giúp hiệp hội trở thành một tổ chức hợp tác khu vực mở có mức độ liên kết sâu rộng. Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Jakarta về việc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 thông qua lộ trình kết nạp Timor Leste, Đại sứ Timor Leste tại Indonesia Filomeno Aleixo da Cruz cho rằng sự kiện này có ý nghĩa rất tích cực đối với khu vực trên các khía cạnh hòa bình và an ninh cũng như hội nhập và phát triển kinh tế. Theo ông, "điều này sẽ tiếp tục củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực vì trên thực tế sẽ không còn quốc gia nào trong khu vực Đông Nam Á đứng ngoài tổ chức”.
BRICS đã chính thức mời thêm 6 nước gia nhập khối, trong đó có Saudi Arabia, Iran và UAE. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, đánh giá về việc BRICS mời thêm 6 nước gia nhập nhóm từ ngày 1/1/2024, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cho rằng động thái này sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn, giải quyết vấn đề nghèo đói, giáo dục, công nghệ, dịch vụ y tế... đối với các nước đang phát triển. Giới chuyên gia chính trị quốc tế nhìn nhận việc BRICS kết nạp thêm nhiều thành viên ở Nam bán cầu sẽ góp phần tạo nên những ảnh hưởng lớn trong nỗ lực cân bằng trật tự thế giới. Còn Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa khẳng định việc BRICS mở rộng giúp tổ chức này “có thể đóng vai trò như một bức tường thành chống lại một thế giới đơn cực”.
Tương tự, việc G20 nhất trí trao tư cách thành viên thường trực cho AU - khu vực với 55 nước thành viên, dân số khoảng 1,4 tỷ người và có GDP 3.000 tỷ USD, không chỉ giúp G20 mạnh mẽ hơn mà còn giúp “Lục địa Đen” có tiếng nói trọng lượng hơn đối với các vấn đề toàn cầu. Chủ tịch Ủy ban AU Moussa Faki Mahamat nhấn mạnh quyết định này tạo điều kiện để AU đóng góp hiệu quả hơn trong việc giúp thế giới giải quyết các thách thức chung.
Đối với những quốc gia như Iran, việc trở thành thành viên SCO (tổ chức gồm Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và 4 nước Trung Á thuộc Liên Xô trước đây), đồng thời được mời gia nhập BRICS có thể mang lại những lợi ích lớn về kinh tế và cả chính trị, trong bối cảnh nước này vẫn đang chịu nhiều biện pháp trừng phạt của phương Tây.
Đương nhiên, không phải lúc nào việc mở rộng thành viên cũng đem lại kết quả như kỳ vọng, nhất là khi vấn đề hài hòa tầm nhìn và lợi ích của các thành viên cũ và mới, sự chênh lệch về trình độ phát triển giữa các thành viên, tính toán của từng nước… luôn tạo ra nhiều thách thức. Hay như việc NATO mở rộng, kết nạp thêm Phần Lan được cho có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
Mặc dù vậy, xu thế mở rộng của các tổ chức khu vực và quốc tế sẽ tiếp tục trong thời gian tới, nhất là khi các nước đang phát triển ngày càng quan tâm đến một thế giới đa cực hơn, nơi mà các nước nhỏ có cơ hội lớn hơn để định hình và quyết định các vấn đề có ảnh hưởng đến chính mình. Hàng chục quốc gia đã chính thức đề nghị tham gia BRICS. Liên đoàn Arab (AL) thể hiện quyết tâm sớm được G20 kết nạp. Nội các Saudi Arabia tháng 3 vừa qua đã phê chuẩn quyết định gia nhập SCO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố gia nhập SCO là mục tiêu của Ankara… Có thể thấy xu thế không thể đảo ngược của hợp tác, liên kết trong thế giới còn nhiều bất ổn và thách thức, bởi như Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định khi nói về vai trò của chủ nghĩa đa phương trong xử lý các thách thức toàn cầu: "Cạnh tranh giữa các nước là điều khó tránh khỏi, nhưng không được phép để cạnh tranh tước đi cơ hội hợp tác về những điểm có lợi ích chung”.
Nguồn TTXVN