Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ chú Chín!
Thứ hai: 10:17 ngày 21/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Nghe tin chú Chín Khoa (Phạm Đăng Khoa)- nguyên Tổng Biên tập Báo Tây Ninh qua đời, tôi bủn rủn tay chân. Mới một ngày trước, tôi vừa đến thăm ông!

Chú Chín Khoa trò chuyện với tập thể cơ quan Báo Tây Ninh trong dịp 8.3.2021.

So với nhiều đồng nghiệp khác ở toà soạn, tôi ít có dịp được tiếp xúc với ông, nhưng mỗi lần gặp lại là một kỷ niệm khó phai. Hơn 30 năm trước, khi tôi mới chập chững làm cộng tác viên mảng thể thao của Báo Tây Ninh. Có lần, tôi cố sức đầu tư viết loạt phóng sự 3 kỳ, phản ánh tình trạng loạn “lò” luyện thi đại học tại Tây Ninh.

Thời điểm ấy, khoa học công nghệ còn lạc hậu, người làm báo chụp ảnh bằng máy cơ, sau đó đem phim đến tiệm ảnh tráng rọi và chờ một vài ngày sau mới lấy. Viết tin, bài cũng vậy, phải viết bằng tay trên giấy, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh rồi đem gửi.

Có người kỳ công hơn, lốc cốc gõ máy chữ hai, ba ngày mới xong một bài viết. Chính vì cách làm thủ công như vậy, cho nên từ khi bắt đầu đi tìm hiểu thực tế về các lò luyện thi đại học cho đến khi chấp bút và nộp bài cho toà soạn, các sĩ tử đã bắt đầu khăn gói xuống TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị vượt vũ môn.

Sau mấy ngày, anh Vũ Hoàng Trương - phóng viên Báo Tây Ninh tìm gặp tôi cho hay, chú Chín Khoa, khi đó còn là Phó Tổng Biên tập nhắn bảo cần gặp tôi để trao đổi công việc. Là cộng tác viên mới toanh, lại được mời đến gặp lãnh đạo Báo, tôi hồi hộp toát mồ hôi.

Sau một lúc hỏi han về gia đình, việc làm, thu nhập, chú khen loạt bài phóng sự của tôi có sự đầu tư, viết có ý tứ, nhưng không sử dụng được, vì không còn thời sự. Chú động viên, ngoài việc tiếp tục cộng tác mảng thể thao, nếu có thời gian, tìm tòi khai thác thêm những đề tài ở mãng xã hội. Lời động viên của chú Chín, như một cú hích thúc đẩy tôi đến với nghề báo.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Tây Ninh ngẫu hứng xuất khẩu thành hai câu thơ chị em.

Đầu năm 2008, khi tôi xin về Báo làm phóng viên, chú Chín Khoa đã là Tổng Biên tập, chú khuyên tôi nếu xác định theo nghề báo phải cố gắng học thêm về chuyên môn. Chú bảo những năm qua, tôi làm báo chỉ vì đam mê, đụng đâu viết đó, chứ chưa được trang bị kiến thức bài bản.

Phải tự học thêm, từ đó mới phát triển tốt hơn. Một thời gian ngắn sau, chú về nghỉ hưu. Thế hệ trẻ chúng tôi ít có dịp được nghe chú dạy bảo, nhưng lời khuyên học tập về chuyên môn vẫn được tôi ghi khắc và quyết tâm thực hiện.

Trong những năm giữ cương vị Tổng Biên tập Báo Tây Ninh, chú Chín Khoa vừa nghiêm, vừa khó nhưng vừa thân tình, gần gũi như người cha, người chú. Có lần tôi và một đồng nghiệp viết về phong trào thể thao ở huyện Bến Cầu. Trong bài viết, chỉ dùng sai một từ, chú gọi cả hai lên, giận dữ la rầy và buộc phải tìm hiểu lại thực tế và viết bài đính chính.

Sự nghiêm khắc ấy đã giúp phóng viên chúng tôi thời đó cẩn thận hơn trong từng bài viết, trưởng thành hơn trong nghề. Trong công việc, chú nổi tiếng khó tính, nhưng sau khi hết việc, gặp nhau ở quán cà phê, bên bàn cờ tướng, chú thân tình hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, chuyện con cái học hành của từng phóng viên. Những lúc ấy, chú gần gũi như người cha, người anh.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Tây Ninh Phạm Đăng Khoa phát biểu trong buổi họp mặt truyền thống.

Một điều khiến tôi bất ngờ và vô cùng thích thú về chú Chín Khoa, ngoài việc thường xuyên tham gia viết báo, chú còn sáng tác một số bài bản vọng cổ, trong đó có bài về địa danh Cây Chò - nơi khai sinh ra tờ báo Dân Quyền, tiền thân của Báo Tây Ninh ngày nay.

Những ca từ “làm báo bằng xu- xoa, đất sét” được chú đưa vào bài hát một cách ngọt ngào không thua kém bất kỳ soạn giả tài hoa nào. Năm 2012, nhân kỷ niệm 66 năm truyền thống Báo Tây Ninh, đích thân chú trình bày bản vọng cổ này trước sự ngỡ ngàng và nhiệt liệt vỗ tay khen ngợi của đông đảo khán giả.

Nguyên Tổng Biên tập Báo Tây Ninh Phạm Đăng Khoa chụp ảnh lưu niệm cùng phu nhân trong dịp họp mặt 8.3.2021 trên đỉnh Núi Bà Đen.

Những năm sau này, chú mắc bệnh hiểm nghèo. Dù sức khoẻ không tốt, nhưng hằng ngày, chú vẫn thường xuyên theo dõi tin tức thời sự và vẫn đảm trách chuyên mục “Câu chuyện cuối tuần” với bút danh Thiên Hạ. Những nội dung chú thể hiện trên chuyên mục này luôn được nhiều người quan tâm vì văn phong sắc sảo, được đông đảo độc giả yêu thích. Trong những lần cơ quan tổ chức họp mặt truyền thống, họp mặt cộng tác viên, chú tranh thủ đến dự và đều có những đóng góp ý kiến tích cực cho sự phát triển của báo chí tỉnh nhà.

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8.3 vừa qua, toà soạn tổ chức họp mặt trên đỉnh núi Bà Đen, dù bị những cơn đau hành hạ, chú vẫn cố gắng đến chung vui. Trong buổi họp mặt, chú còn vui vẻ chúc chị em phụ nữ bằng tiếng Pháp và ngẫu hứng xuất khẩu thành thơ.

Mới một ngày trước lúc chia xa, tôi đến nhà thăm chú. Nằm trên giường bệnh với những cơn đau không ngừng, nhưng chú vẫn cố gắng chuyện trò. Cứ ngỡ thời gian còn dài, thế hệ trẻ chúng tôi còn có thêm nhiều lần thăm chú để được học hỏi thêm về nghề báo.

Nào ngờ…!

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục