Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhớ Hoàng Trương...
Thứ tư: 00:15 ngày 15/05/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng 13.5, ngày đầu tuần, như thông lệ, tôi chuẩn bị quay lại thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng suốt buổi cứ lần lữa mãi mà không muốn đi, cũng chả biết vì lý do gì. 10 giờ 16 phút, Facebook của bạn Đại Dương nhảy lên dòng tin ngắn gọn: Nhà báo Vũ Hoàng Trương - phóng viên Báo Tây Ninh đã vĩnh viễn ra đi.

Phóng viên Hoàng Trương trong một lần tác nghiệp tại huyện Châu Thành năm 2000. Ảnh: Đ.H.T

Anh em đồng nghiệp ở Báo Tây Ninh tôi quen gần hết, mỗi bạn đều có những kỷ niệm không quên. Riêng với Hoàng Trương, kỷ niệm dường như là bất tận vì lần nào về Tây Ninh tác nghiệp, Hoàng Trương cũng luôn là người đầu tiên giúp tôi tiếp cận thông tin đa chiều ở địa bàn. Trương giới thiệu cho tôi nhiều gương điển hình về nghiên cứu khoa học, về nông dân giỏi, về giáo viên tận tuỵ với nghề, về học sinh đoạt giải sáng tạo, về các mô hình làm giàu từ nông nghiệp, nông thôn… bạn không chỉ nói miệng mà còn đi cùng, dẫn tới tận nơi và gợi ý cho tôi những thế mạnh của gương điển hình để tập trung khai thác câu chuyện.

Tôi nhớ, năm học 2003 - 2004, tôi về Tây Ninh tìm gương điển hình về các cô giáo yêu nghề, gắn bó đời mình ở vùng sâu vùng xa dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Hoàng Trương cùng Đại Dương đưa tôi đi gặp cô Truyện Thị Cúc, hiệu trưởng gắn bó lâu năm nhất của điểm trường tiểu học Biên Giới, xã Biên Giới, huyện Châu Thành. Cô là người Long An, lên xã Biên Giới công tác vài chục năm mà vẫn không lập gia đình riêng.

Sau đó, cả nhóm vòng luôn về Hoà Hiệp, Tân Biên và ghé ngôi trường 2 phòng xây gạch lợp tôn, bàn ghế tươm tất, nằm chơ vơ giữa những cánh đồng mía bạt ngàn vừa mới thu hoạch để tiếp cận cô giáo chủ nhiệm lớp 3C có 12 học sinh, của cô Diễm Anh. Cô giáo trẻ này là người TP. Hồ Chí Minh, chị cả trong gia đình 6 chị em. Em của cô có người làm luật sư, làm phiên dịch, kế toán…

Nhờ gợi ý của Hoàng Trương với cô Diễm Anh, tôi biết thêm năm 1997, cùng với bạn bè, cô xung phong tham gia chiến dịch ánh sáng văn hoá hè tại vùng đất phân nửa số dân là người Việt, nửa kia là người Khmer ở vùng Hoà Hiệp này. Đợt công tác ngắn ngủi 5 tuần lễ với 6 học sinh, trong đó có “3 em tuổi bằng cô giáo” lần ấy đã để lại trong cô tình cảm không quên.

Vậy là hè năm 1998, cô Diễm Anh lại quyết tâm trở về vùng đất nắng bụi mưa bùn tiếp tục công việc bỏ dở từ hè năm trước. Ngày kết thúc chiến dịch, đám học trò trẻ con chạy tìm đủ loại hoa rừng tặng cô. Buổi chia tay cô trò đều khóc. Tình đất, tình người, tình thầy trò ở vùng khỉ ho cò gáy, sáng ngắm mặt trời lên trên ngọn mía, chiều nhìn hoàng hôn tắt dưới gốc tràm khiến cô giáo trẻ nặng lòng. Tháng 10.1999, bất chấp mọi cản ngăn của gia đình, cô cầm tấm bằng tốt nghiệp và hồ sơ xin việc bỏ chốn thị thành quay về chốn xưa.

Năm 2005, Hoàng Trương phát bệnh. Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy khi ấy đã có những tiên lượng xấu. Bạn bè ở Sài Gòn vận động quyên góp để hỗ trợ anh phần nào chi phí điều trị thay lời động viên. Anh cười, bảo: số mình không ngắn vậy đâu.

Mười năm, tuần ba buổi đi từ Tây Ninh về TP. Hồ Chí Minh để chạy thận. Kỹ thuật viên chạy thận ở Bệnh viện Bình Dân trở thành bạn thân. Nơi Trương chạy thận gần cơ quan tôi. Khi nào xuống, Trương cũng đi bộ qua. Khi xong ca, Trương gọi, anh em lại ngồi quán khi húp hủ tiếu, khi ăn mì xào, lúc uống cà phê. Mệt mỏi thấy rõ, nhưng ánh mắt Hoàng Trương luôn rực sáng cùng nụ cười lạc quan trên môi. Trương bảo: “Nếu không vậy, em đã đi rồi!”.

Cũng may, năm 2015, Bệnh viện Cao Văn Chí mở khoa Thận nhân tạo, nên Trương được chạy Thận tại đây, gần nhà, gần người thân bạn bè thêm một chút.

Sau tết nguyên đán vừa rồi (Kỷ Hợi - 2019), ghé nhà thăm Trương, khi gọi hỏi đường, nghe giọng Trương rất vui dù khi ấy đã nằm một chỗ. Tháng trước, bạn Hoàng Thái nhắn: “Nghe nói Trương hiện rất yếu, đang nằm ở cấp cứu Bệnh viện Thống Nhất”. Chưa kịp vào thăm, Trương đã chuyển về Cao Văn Chí.

Tuần trước, trong cử cà phê sáng, tôi hỏi bạn Đức An về sức khoẻ của Hoàng Trương. Đức An chìa cho tôi xem bức ảnh Hoàng Trương đang nằm cấp cứu ở Bệnh viện Cao Văn Chí (Hoà Thành), sau khi được chuyển về từ Bệnh viện Thống Nhất. Trong ảnh, Hoàng Trương thật nhỏ bé. Một cánh tay của Trương cong như chữ cờ. Mũi mồm, chân tay đầy dây nhợ.

Hoàng Trương được đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay trong thời gian anh bị bệnh. Đã có tiếng vào lời ra, về một phóng viên 3 ngày/tuần ở bệnh viện, nhưng cá nhân tôi cho rằng đó là quyết định đúng đắn của chi bộ nơi anh công tác. Hoàng Trương không chỉ là một tấm gương nghị lực, lạc quan vượt lên bệnh tật, mà còn là một phóng viên tận tâm với công việc, trách nhiệm với nghề.

Không có nhiều bài viết xuất sắc trong cuộc đời làm báo của mình, tuy vậy, nếu nhắc đến phóng viên Hoàng Trương, rất nhiều người nghĩ ngay đến gương mặt của một người yêu trẻ. Một người tâm huyết và đầy trách nhiệm khi được phân công phụ trách mảng “Vì trẻ thơ”. Do vậy, “tài sản” lớn nhất mà Hoàng Trương để lại, có lẽ chính là việc đã có rất nhiều học sinh hoàn cảnh khó khăn, thông qua “mai mối” của anh được các doanh nghiệp trao tặng học bổng, tiếp sức cho các em đến trường.

Mười bốn năm bệnh tật, những gì cần nói, có lẽ trước lúc nhắm mắt Trương đã nói hết với người nhà. Chắc Trương cũng chẳng còn gì tiếc nuối!

Nguyễn Thiện

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục