Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Ðảng ta là một Ðảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Ðảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
(HỒ CHÍ MINH)
Năm 2019, toàn Ðảng, toàn Dân, toàn Quân ta cùng những người yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới sẽ tổ chức kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân ngày giỗ lần thứ 50 của Người (2.9.1969 - 2.9.2019). Lịch sử càng lùi xa, tấm gương yêu nước, thương dân, mưu cầu hoà bình, hạnh phúc cho toàn nhân loại của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được chứng minh tỏ rõ, thêm ngời sáng, không gợn một chút bụi mờ…
***
Trái tim vĩ đại ấy đã ngừng đập vào hồi 9 giờ 47 phút sáng ngày 2 tháng 9 năm 1969 (tức ngày 21 tháng 7 năm Kỷ Dậu) tại Thủ đô Hà Nội. Tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trang trọng vào ngày 9.9.1969 tại quảng trường Ba Ðình với hơn 100.000 người đến dự, trong đó có các đoàn đại biểu từ các nước xã hội chủ nghĩa. Hàng triệu người trên khắp đất nước Việt Nam đã khóc.
Năm đó, người viết bài này tròn 20 tuổi đời, một tuổi rưỡi quân (Bộ đội Cụ Hồ) cũng đã khóc theo các chú, các má, các anh, các chị trong một đêm truy điệu Bác Hồ tại một nhà dân cách đồn địch hơn 2.000 mét đường chim bay. Không khí bi hùng, buồn sâu lắng. Ngày hôm sau, nhìn đôi mắt, vầng trán các chú, các cô lãnh đạo đơn vị, bọn thanh niên mới lớn chúng tôi ai cũng hiểu: Bác Hồ mất là một tổn thất vô cùng lớn lao!
Sau ngày đau buồn đó, lớn khôn thêm, nhờ nhiều nguồn thông tin tham khảo phong phú, thế hệ chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc rằng: Bác ra đi mãi mãi không về để lại niềm tiếc thương vô hạn không chỉ riêng cho toàn Ðảng, toàn Dân, toàn Quân ta, mà còn cho bầu bạn khắp năm châu bốn bể. Theo Ho Chi Minh - A Life (Hồ Chí Minh, một cuộc đời), William J. Duiker, tr. 562, “Hà Nội đã nhận được hơn 22.000 bức điện chia buồn từ 121 nước trên thế giới”.
Wikipedia sau này cũng đã đưa vào từ điển bách khoa toàn thư mở những thông tin cập nhật đậm chất sử liệu: “Nhiều nước trong khối xã hội chủ nghĩa đã tự tổ chức truy điệu và đưa ra những lời ca ngợi ông. Một tuyên bố chính thức từ Moskva đã gọi Hồ Chí Minh là một “người con vĩ đại của dân tộc Việt Nam anh hùng, nhà lãnh đạo xuất chúng của phong trào Cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc, và một người bạn lớn của Liên bang Xô Viết”.
Từ các nước Thế giới thứ ba, người ta ca ngợi ông trong vai trò của người bảo vệ những con người bị áp bức. Một bài báo xuất bản ở Ấn Ðộ miêu tả ông là sự kết tinh của “nhân dân và hiện thân của khát vọng đấu tranh cho tự do và cho sự đấu tranh bền bỉ của nhân dân” (Hồ Chí Minh, một cuộc đời, William J.Duiker). Những bài báo khác đề cao phong cách giản dị và đạo đức của ông. Một bài xã luận trên một tờ báo của Uruguay viết: “Ông có một trái tim bao la như vũ trụ và tình yêu trẻ thơ vô bờ bến. Ông là hình mẫu của sự giản dị trong mọi mặt” (Hồ Chí Minh, một cuộc đời, William J. Duiker) v.v…
Nhân đây cũng xin mở ngoặc, để nói riêng với những người chống cộng cực đoan hải ngoại và những kẻ tâm đen trong nước, đang ráo riết thực hiện âm mưu “hạ bệ thần tượng”, đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình”, rằng: William J. Duiker là Giáo sư, Tiến sĩ ngành Lịch sử của Mỹ đấy, ông ấy từng làm việc ở Ðại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn những năm 1964-1965.
Sau khi về hưu ông đã bỏ ra gần 30 năm để đi khắp thế giới, những nơi từng in dấu chân Nguyễn Tất Thành, Văn Ba, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh… trong đó nhiều lần đến Việt Nam, chỉ để sưu tầm tư liệu và nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, và cuối cùng đã hoàn thành cuốn sách Hồ Chí Minh, một cuộc đời (NXB Hyperion, New York, năm 2000) dày 700 trang, được công luận đánh giá là cuốn tiểu sử về Bác Hồ đầy đủ và có giá trị nhất ở Hoa Kỳ hiện nay.
***
Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta không còn nữa, nhưng trước khi ra đi, Người đã kịp để lại cho chúng ta một tài sản tinh thần vô giá, một di sản văn hoá lớn lao. Ðó là hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với bản Di chúc thiêng liêng gởi lại cho toàn Ðảng, toàn quân, cho đồng bào 54 dân tộc Việt Nam đương thời, nay đã thành “di sản thừa kế”, “quốc bảo truyền đời” cho hậu thế.
Năm mươi năm qua, hệ thống tư tưởng cùng với bản Di chúc đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ không bao giờ cạn, là cuốn cẩm nang cách mạng, vạch đường chỉ lối đúng đắn để quân dân ta tiến lên hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời cũng là những chỉ dẫn cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam trong các giai đoạn sau khi thống nhất non sông.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện Di chúc của Người, Ðảng ta sau bao nỗi thăng trầm, từ Ðại hội XII đã lại xuất hiện một số nhà lãnh đạo mẫu mực, có khả năng chèo lái con thuyền cách mạng vượt bão táp phong ba.
Trong 2 năm gần đây, cấp uỷ và Uỷ ban Kiểm tra các cấp đã kỷ luật hơn 490 tổ chức Ðảng và hàng ngàn đảng viên vi phạm, trong đó có 1 uỷ viên Bộ Chính trị, một số uỷ viên Trung ương (đương chức và đã nghỉ hưu) do tham nhũng và cố ý làm trái... Hơn nửa nhiệm kỳ khoá XII, 56 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý kiên quyết, “mạnh tay” đó không làm Ðảng suy yếu đi, mà kỷ cương, kỷ luật ngày càng được củng cố, nội bộ Ðảng được chỉnh đốn, tâm lý phấn chấn, tích cực từ trong Ðảng ra xã hội ngày càng có chiều hướng mạnh mẽ hơn.
Kinh tế và nhiều lĩnh vực văn hoá - xã hội khởi sắc hơn trước. GDP cả năm 2018 vượt mục tiêu đề ra (6,7%), tăng 7,08%, là mức tăng trưởng cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Ðó là mức tăng căn cơ, vì không còn phụ thuộc vào tín dụng. Từ những thành quả trên và qua khảo sát thực tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Ðảng, quyết tâm giải quyết những vấn đề của đất nước chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc nào.
***
Năm 2019, kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, cũng là năm thứ 2 thực hiện Quy định số 08-QÐ/TW, ngày 25.10.2018 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương”, ôn lại lời căn dặn đầu tiên của Người trong Di chúc (TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ÐẢNG), là dịp để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Ðảng tự soi rọi lại mình; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết trong Ðảng; “thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”; phấn đấu xây dựng Ðảng ta ngày càng thực sự trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” như “Ðiều mong muốn cuối cùng” của Người 50 năm trước.
T.H