Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Ngày ấy, nhà tôi là căn nhà tranh ở một xóm nghèo miền quê biên giới. Khuôn viên xung quanh không lớn, nhưng được bao bọc bởi khóm trúc, vòm tre thật mát mẻ. Phía sau nhà có giàn khổ qua, giàn bầu lủng lẳng trái, thật bình yên.
(ảnh minh hoạ: P.TK)
Mỗi khi đi làm đồng về mỏi mệt, cha mẹ tôi ngả lưng trên chiếc võng kẽo kẹt dưới bóng tre, gió thổi rì rào qua kẽ lá. Bên chái hiên nhà trống trải còn có chiếc giường tre do cha tôi đóng từ những cây tre già mà nhà sẵn có, sau ngày học tập và lao động, đêm về mấy anh em lăn mình trên giường tre ngủ một giấc ngon lành mà không cần điện, quạt vì lúc bấy giờ chẳng có điện đóm, chỉ có ánh đèn dầu vàng vọt trong đêm. Đêm tối, anh em tôi chia nhau mỗi đứa một góc nhà ê a bên trang sách nhỏ, nơi bàn giữa thì dành cho anh chị lớn học.
Ngày đó, có lẽ mẹ là người lái đò đầu tiên, mẹ cầm tay nắn nót cho tôi từng nét chữ với cây bút chì mới tinh. Nhà nhỏ, anh chị em tôi thay nhau quét dọn, nên lúc nào cũng sạch sẽ. Mái nhà tranh nhưng đặc biệt ít khi bị dột vào trời mưa, vì kiểm tra thấy có hiện tượng chuột cắn đứt tranh hay lỗ thủng nào đó là cha tôi ra đồng cắt tranh về đánh thành tấm chống dột sửa liền.
Mẹ tôi kể lại, căn nhà do cha mẹ gánh từng gánh đất đổ lên thành nền, sau đó đóng khung sườn xung quanh nhà bằng cây tầm vông, đào một hầm đất sâu khoảng gần 1 mét để bỏ lớp đất trên, tới lớp đất thịt, mềm, có bùn là rải rơm đổ thêm nước cho nhão, rồi đạp cho đất ăn đều với rơm, đem lên trét xung quanh thành một bức vách đất bền chắc, riêng mái nhà thì ra ruộng cắt tranh về đánh thành từng tấm lợp lên. Muốn vách nhà bền bỉ phải trét cho dày độ hơn 2 tấc, còn khung sườn phải đóng bằng những cây tầm vông hoặc tre lâu năm.
Nhà tôi thuận tiện là có sẵn vòm tre rậm rạp, do nội tôi cùng cha trồng trước kia, lúc làm nhà đỡ tốn tiền mua, đến khâu trét vách đất hay lợp nhà, cha mẹ tôi phải nhờ chú bác, bà con lối xóm đến, năm bảy người hè hụi làm cả hai, ba ngày mới xong, đâu có ai lấy đồng xu nào, chỉ ăn một bữa cơm thân mật rồi về.
Đến phần sửa nhà hay làm nhà mới của bà con, cha mẹ tôi đến phụ lại như ngày nào, người xách nước đổ dưới hầm đất, người đánh tranh hay rơm. Hồi đó, nhà trong xóm hay lợp bằng rơm, vì dễ tìm, nhà nào làm ruộng là có, thời buổi ấy chỉ xin là cho chứ đâu có bán chác gì.
Hôm làm nhà, mọi người trong xóm xúm nhau phụ giúp, phụ nữ lo chẻ lạt, lặt rau, nấu cơm, đàn ông làm việc nặng nhọc như chẻ tre, tầm vông đóng khung vách đất, trét vách đất, leo lợp nhà… Thời buổi khó khăn nhưng bà con chòm xóm rất thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau.
Tôi nhớ có lần, đang ngồi học bài giữa đêm khuya, bất chợt giông gió tắt hết tất cả các ngọn đèn làm tối om cả nhà, mẹ cầm chiếc hộp quẹt bật cạch cạch không cháy, kiểm tra lại văng cục đá mất tiêu…
Lúc ấy, cha tôi ra ruộng soi cá có cầm theo chiếc hộp quẹt mới, mẹ tôi buộc lòng bảo đứa nào sang hàng xóm xin lửa, tôi ngồi ngay góc cửa nên thật nhanh xuống sau nhà, cầm miếng vỏ dừa khô sang nhà chú Hai hàng xóm mồi lửa.
Qua nhà chú Hai chơi thường, thấy nền nhà chú tráng xi măng mát lạnh rất thích, tôi nói với cha sao nhà mình không tráng xi măng cho mát, cha cười cười: “Để từ từ, thời điểm này lo các con ăn học ổn định cái đã…”.
Nói vậy, rồi cha mẹ tôi lại gồng gánh nắng mưa tích luỹ, vài năm sau dựng lên một căn nhà ngói nhỏ, nền lát gạch tàu, cả nhà cùng bà con lối xóm mừng rỡ. Nền gạch chưa cũ lắm, cha tôi lâm bệnh nặng và ra đi vào một ngày cuối thu.
Căn nhà ngói cũ bây giờ vẫn còn, người anh ruột của tôi ở tuổi 70 không lập gia đình riêng, vẫn ở vậy trông nom thờ phụng ông bà, cha mẹ. Câu ca dao nhắc về công cha nghĩa mẹ tôi luôn ghi nhớ: “Ơn cha nặng lắm ai ơi/ Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang… Chim trời đâu dễ đếm lông/ nuôi con ai dám kể công tháng ngày”.
Ngày nay, về quê tôi, những mái nhà xưa đã không còn, thay vào đó là những ngôi nhà kiên cố sạch sẽ khang trang, cô chú hàng xóm ngày ấy không còn mấy người. Về thăm căn nhà ngói cũ xưa, tôi như nghe tiếng mẹ gọi các con thức dậy học bài dưới mái tranh thân yêu.
Thuỳ Dung