Trảng Tà Nốt, Vườn QG Lò Gò - Xa Mát mùa nước nổi. Ảnh: Ðặng Hoàng Thái
Ghi chép của Nghiêm Khánh
Hôm đi dự trại sáng tác tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát cùng Phân hội Văn học - Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, tôi tình cờ ngồi gần anh Nguyễn Trung Cấp, một sáng lập viên của Câu lạc bộ thơ huyện Tân Châu.
Suốt chặng đi, tôi cũng thích “tám” với ai đó trong đoàn cho vui vẻ, không ngờ bị “khoá mồm” ngay từ những phút đầu tiên khi xe vào cửa Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Ngay cả lúc đi ghe lên thượng nguồn sông Vàm Cỏ rồi quay về Ða Ha... tôi đều phải im lặng để nghe anh Cấp giới thiệu về những địa danh nơi đây. Anh Cấp đã từng đến đây khi đất nước chưa được giải phóng.
Ngày ấy, rừng nơi đây còn nhiều cổ thụ, rậm rạp có thể che giấu bộ đội. Anh Cấp cho biết, đầu năm 1972, anh nhập ngũ, vượt Trường Sơn hơn ba tháng trời mới vào đến rừng chuối Campuchia và sang Lò Gò - Xa Mát chiến đấu.
Hoá ra, anh từng là bộ đội tham gia cuộc chiến giành lại từng tấc đất ở Lò Gò - Xa Mát. Anh thuộc biên chế Tiểu đoàn 8, Ðại đội 2, Trung đội 1. Lúc này, Bộ Tư lệnh Miền giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 271 bằng mọi giá phải giải phóng chốt Xa Mát, sân bay Thiện Ngôn và thị trấn Tân Biên ngày nay.
Ngày 10.3.1972, đơn vị của anh Cấp nhận lệnh đánh chiếm chốt Xa Mát. Trong chốt lúc này có khoảng 2 đại đội lính bảo an - thám báo và biên phòng. Ba giờ sáng hôm sau, đơn vị đã ém quân sẵn sàng chiến đấu.
Năm giờ, Tiểu đội súng cối 60, 81 và 82 được lệnh đánh cấp tập vào nơi trú quân của địch. Rất chính xác- những viên đạn cối của các anh đã ồ ạt rơi vào lòng địch, làm chúng hoảng loạn phải rời bỏ vị trí, rút quân vào bìa rừng.
Anh Cấp nhận định: “Có lẽ lần đầu tiên địch nếm mùi hoả lực mạnh của ta với nhiều súng cối, nên mất tinh thần ngay từ đầu và trúng vào ý đồ của ta”. Các trung đội được lệnh truy kích tiêu diệt địch ở trong rừng, một số khác tháo chạy về phía Tân Biên, số còn lại đầu hàng, số bị bắt sống làm tù binh.
Ðến tám giờ sáng, đơn vị đã làm chủ trận địa, cùng lúc, các anh được tin Ðại đội 2 đánh chiếm hoàn toàn chốt Xa Mát của lính bảo an biên phòng. Như đã được huấn luyện và phổ biến kỹ về cách đánh của địch, đồng đội anh Cấp dàn mỏng đội hình, tích cực đào hầm cá nhân trú ẩn.
Khoảng chín giờ sáng, địch bắt đầu phản công, hàng loạt pháo hạng nặng từ Lò Gò, Kà Tum, Tân Biên bắn lên ầm đùng như vãi trấu. Cả đơn vị anh Cấp nằm yên không nhúc nhích. Anh em suy nghĩ: “Nếu một quả rơi trúng hầm là vĩnh viễn nằm lại nơi đây. Mất mát, đau thương là chuyện đương nhiên, không thể tránh khỏi”.
Hơn một giờ đồng hồ nằm yên chịu trận cho pháo dập, tưởng đâu được yên, không ngờ vừa ngưng tiếng pháo, lập tức máy bay “cán gáo”, bay sát ngọn cây quan sát mục tiêu, chỉ điểm.
Tiếp sau là từng tốp máy bay A-37, các loại máy bay khác bay tới bổ nhào từ trên, tha hồ thả bom như rải thảm xuống trận địa.
Từng cột khói bốc lên bao phủ kín cả bầu trời. Một vùng đất rung chuyển lên từng hồi, theo từng đợt thả bom của địch. Ðất đá phả vào mặt sặc sụa đến ngạt thở.
Ðặc biệt, địch dùng bom Napan (còn gọi là bom dầu) dễ bốc cháy, thả xuống nơi các anh trú ẩn. Xung quanh bén lửa, rừng bốc cháy. Toàn bộ đơn vị vừa di chuyển vừa dập lửa táp vào người. Ðến hơn mười một giờ thì ngớt tiếng bom.
Ðơn vị kiểm tra lại quân số, tiếp tục chống lại cuộc phản công của địch hầu chiếm lại chốt Xa Mát đã mất vào tay quân cách mạng. Từ xa, tiếng xe bọc thép, xe tăng, xe chở quân cả đoàn từ Tân Biên ào ạt kéo lên.
Song, chúng không thể tiếp cận được mục tiêu, vì trung đoàn bố trí Tiểu đoàn 2 chốt chặn không cho chúng tiến quân về hướng Xa Mát.
Ðộ khoảng một, hai giờ chiều, cơn khát nước đến với anh Cấp cùng đồng đội, vì các anh chưa tìm được nguồn nước để sử dụng. Phần vì mới vào trận chưa có kinh nghiệm, trời tháng ba nắng như thiêu như đốt, lại vừa qua một trận mưa bom, pháo dập, môi trường bị huỷ hoại, cảnh vật tan tác tạo nên bầu không khí ngột ngạt, khó thở.
Chưa ai được phép rời vị trí, bởi một vài cử động nhỏ cũng có thể bị địch phát hiện, nguy cơ thương vong không thể nào lường được, nên các anh đành chịu khát.
Mãi khi chiều xuống, đơn vị cử anh Cấp và một đồng đội của anh đi tìm nguồn nước. Lặn lội tìm trong giây phút chiều rơi, hoàng hôn buông xuống, rất vất vả trong rừng, đi mãi mới gặp một vùng trảng- sau này anh biết được địa danh chính là Trảng Cỏ.
Cuối cùng, các anh cũng dò gặp được một vũng nước. Khát quá, anh Cấp như người buồn ngủ gặp chiếu manh, cúi xuống uống vội, được ba bốn ngụm, cảm giác có con gì đó ngo ngoe trong miệng, anh phun mãi không ra nên đưa tay giật mạnh xuống.
Một con đỉa. Anh bắt đầu uống cẩn thận hơn. Cuối cùng, anh và đồng đội cũng lấy được vài bình-toong và một bọc ni-lông nước về cho đơn vị.
Trên đường về chưa đến nơi, máy bay địch lại xuất hiện, lao vun vút trên nền trời đã tối sầm. Lúc xa lúc gần, bỗng sáng lên nhiều điểm trên khoảng không mênh mông- trái sáng của địch bắn lên trời cao toả sáng cả một vùng.
Tiếp theo là hàng loạt súng máy 12 li xổ xuống rào rào như mưa đá. May mà anh và người đồng đội kịp tìm thấy và nấp vào mô đất có tàn cây to lớn, không bị địch phát hiện. Ðợt pháo sáng rồi vụt tắt. Các anh lần về đơn vị.
Mọi người ôm chầm lấy nhau mừng vui khôn xiết- “Mọi người cứ nghĩ chúng tôi đã hy sinh”, anh Cấp trầm ngâm. Ðúng là tình đồng chí, đồng đội không gì sánh bằng.
Qua hôm sau, địch tiếp tục bắn pháo và ném bom. Không còn trực tiếp đánh nhau nữa. Nhìn cả khu rừng tan hoang, anh Cấp không còn tin vào mắt mình, vì mới hôm qua rừng còn xanh tươi, mang đầy sức sống.
Ðịch chính thức bỏ đồn Xa Mát về cố thủ Tân Biên và Thiện Ngôn. Dù quân địch dùng hầu như tất cả vũ khí và nhiều phương tiện chiến tranh trút lên đầu anh em chúng tôi, nhưng chúng nào ngờ bị chúng tôi phản công quyết liệt và đạt mục đích giải phóng Xa Mát như ý muốn.
Sau đó, chúng tôi tiếp tục đánh chiếm Tân Biên và sân bay Thiện Ngôn. Ðịch hoàn toàn bất lực, không thể đánh chiếm lại vùng đất trên cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Anh em rất phấn khởi, tin tưởng vào sức của mình và trong tâm tưởng lúc nào cũng có Bác dìu dắt, nâng bước trên đường tiến công.
Ðêm đến, trong lúc nghỉ ngơi, anh Cấp tiếp tục kể chuyện đánh nhau. Lúc ấy, tôi đã biết về trận đánh năm 1972 ở Xa Mát qua lời kể của những người lính phía bên kia đào ngũ, bỏ trốn về nơi xóm nhà thương thị tứ Long Hoa. Giờ nghe anh Cấp kể, tôi phát hiện trước đây câu chuyện chưa đúng lắm, giờ thì nó được bổ sung gần như hoàn thiện, tròn trĩnh hơn.
Cây di sản Vườn QG Lò Gò - Xa Mát. Ảnh: Ðặng Hoàng Thái
Sáng hôm sau, trên đường về, anh em hội viên của trại sáng tác còn được tham quan trảng Nhân Trần. Anh Cấp cho biết: “Không như xưa, trảng này trước có nhiều cây nhân trần lắm, giờ thì chẳng còn gì”.
Anh Cấp là nhân chứng sống một thời, đã làm sống lại ký ức hào hùng của bộ đội ta trong trận đánh Lò Gò - Xa Mát, vốn tôi đã nghe nhưng hãy còn chưa đủ. Xin cảm ơn anh đã cho tôi những giây phút thăng hoa đến tột cùng, như anh đã từng vui sướng khi tìm được nước uống sau trận đụng độ với quân địch năm nào.
Năm 2017, anh Cấp vinh dự được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Ðảng. Hiện nay, anh còn đam mê sáng tác thơ, văn. Và tôi tâm đắc nhất một bài thơ do anh sáng tác khi nhớ về trận Lò Gò - Xa Mát. Nó đã hằn sâu trong ký ức của anh, giữa đêm anh như tâm sự với đồng đội mình:
“...Khương, Dung ơi nước có nguồn/ Bạn yên giấc nhé giữa lòng yêu thương/ Sông Vàm Cỏ nước xanh trong/ Từng nâng bước bạn dòng sông năm nào/ Tháng ba, Xa Mát-Bến Cầu/ Dấu in ghi tạc muôn dầu không quên...”.
N.K