Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ mùa “cóc hội”
Thứ hai: 14:45 ngày 25/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Họ hàng nhà cóc quanh khu vực hội tụ về đây để giao phối, đẻ trứng duy trì nòi giống, bà con quê tôi gọi là “cóc hội”. Hồi đó, cóc thường hội ở hố lớn, có khi cũng hội ở hố nhỏ, và đôi khi chúng cũng hội ở những đám ruộng trũng ven rạch. Chúng “mắc hội” vào đêm nào, ở đâu thì không ai biết trước được.

Nhà tôi ở giữa xóm nghèo, trên một khu vực đất cao nhô ra gần một dòng rạch lớn. Hai bên xóm có hai cánh đồng ruộng trũng, từ dòng rạch ăn sâu vào vùng đất cao được gọi là hố. Cánh đồng phía Đông của xóm tôi rộng hơn cánh đồng phía Tây, nên gọi là “hố lớn”. Còn cánh đồng phía Tây gọi là “hố nhỏ”.

Phía Nam của xóm tiếp giáp với dòng rạch cũng có những đám ruộng trũng, mỗi khi mưa, hoặc vào mùa nước lụt là ngập nước. Cánh Bắc của xóm nối liền với vùng gò đồi rộng lớn. Hồi đó, nhà cửa dân cư còn thưa thớt. Hầu hết là nhà tranh, vách đất, gần nhà người ta trồng chuối, tre, trúc, tầm vông. Ngoài ra còn nhiều vùng đất hoang hoá, rừng chồi, gò mối, đồng mả...

Nhìn chung môi trường sống của cóc, ếch, ễnh ương ở quê tôi rất thoải mái. So với ếch và ễnh ương, “dân số” nhà cóc ở quê tôi đông đảo hơn rất nhiều. Cóc hiền lành, chậm chạp và phân bố khắp nơi. Chúng sống từ đồng ruộng, ao hồ, đến bụi cây, gò mối, hốc đá... ở ngoài đồng, cho đến vách đất sau hè, góc tối trong nhà, dưới lu nước ăn (lu nước lớn đặt ở giàn nước), xó bếp... của con người chúng cũng chẳng ngại mà vào trú ngụ.

Để từ đó cứ trời vừa chạng vạng (nhá nhem tối), chúng rời nơi ẩn nấp, nhảy ra tìm thức ăn và uống sương đêm (vào mùa nắng). Còn vào mùa mưa chúng tha hồ tắm mát. Hồi đó, cóc có thể tìm bắt được quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa mưa. Đặc biệt là vào những đêm “cóc hội” thì tha hồ mà bắt. 

Vào mùa nắng, cóc ốm, thịt ăn không ngon và cũng khó bắt. Mặc dù vậy, mỗi khi thấy có đứa cháu nhỏ nào bị ốm yếu, bà nội tôi lại kêu mấy đứa cháu lớn đi lật dưới lu giàn nước, vạch tìm trong hốc đá, gốc cây... hoặc canh trời chạng vạng đi tìm bắt cóc.

Bắt về, nội làm thật kỹ, rồi nấu chừng một tô cháo cho cháu nhỏ ốm yếu ăn. Cũng có khi thấy các cháu ớn cháo cóc, nội lại bằm thịt cóc cuốn lá dâu (loại dâu tằm ăn) mà nướng cho ăn. Không những quan tâm đến sức khoẻ con cháu trong nhà, mỗi khi thấy trẻ nhỏ trong khu vực có vẻ ốm yếu, xanh xao, nội cũng kêu cha mẹ chúng đi tìm cóc làm thịt nấu cháo cho ăn.

 Vào mùa mưa, nhất là những cơn mưa đầu mùa, bà con xóm tôi tha hồ đi bắt cóc về ăn. Không chỉ bắt cóc ngay trong đêm mưa, mà kể cả những đêm không mưa cũng bắt cóc rất dễ dàng. Nhất là đêm hôm trước có cơn mưa to, chiều tối hôm sau mối cánh và các loại côn trùng từ trong lòng đất chui lên khỏi mặt đất rất nhiều, thế là cóc tập trung ra đớp mồi.

Anh em tôi cùng nhiều người xách đèn lúp, mang đụt đi bắt cóc. Nhưng bắt cóc dễ và nhiều nhất là những đêm “cóc hội”. Sau những cây mưa to đầu mùa, những cái ao và các đám ruộng trũng đọng nhiều nước.

Họ hàng nhà cóc quanh khu vực hội tụ về đây để giao phối, đẻ trứng duy trì nòi giống, bà con quê tôi gọi là “cóc hội”. Hồi đó, cóc thường hội ở hố lớn, có khi cũng hội ở hố nhỏ, và đôi khi chúng cũng hội ở những đám ruộng trũng ven rạch. Chúng “mắc hội” vào đêm nào, ở đâu thì không ai biết trước được.

Vào đầu hôm khi lắng nghe tiếng cóc kêu “cọc...cọc...cọc...cọc” nhiều ở hướng nào, thì nội lại thông báo địa điểm cóc hội. Nghe cóc kêu nhiều hướng Đông, nội nói: “Bữa nay cóc hội ở hố lớn đó bây!”. Còn nghe hướng Tây thì nội lại nói: “Đêm nay cóc hội ở hố nhỏ”.

Khi nghe tiếng cóc kêu hướng Nam, nội nói: “Tụi nó nay dời địa điểm về mấy đám ruộng trũng ven rạch rồi!”. Đêm nào có cóc hội, nội cũng nhắc anh em tôi chớ nóng vội mà đi bắt sớm. Phải chịu khó chờ cho tới gần nửa đêm, khi đó cóc quanh khu vực tập trung về hội đông đủ thì mới xách đèn lúp, cầm bao tải mà đi bắt.

Nghe lời nội, lần nào cũng vậy, chờ cho đến gần nửa đêm, anh em tôi mới đi bắt cóc hội. Lúc này dưới ao, hoặc ruộng có nước, mỗi con cóc cái cõng một con cóc đực trên lưng (cóc đực nhỏ hơn cóc cái).

Còn cóc đực chắc “sợ té”, nên ôm chặt lưng cóc cái. Thế là anh em tôi đứa rọi đèn, đứa “lượm” cóc bỏ bao. Mỗi lần lượm là được hai con cóc. Chẳng mấy chốc cóc trong bao nặng vai, không những đủ ăn mà còn có dư cho bà con hàng xóm.

Cóc bắt về, nội kêu chị tôi làm thịt, bảo đảm thịt cóc làm thật sạch. Cóc làm xong thường thì nội kêu kho khô sả ớt để ăn cơm, hoặc xào tàu môn ngọt; có khi đổi bữa nấu cháo, hoặc cuốn lá dâu, lá lốp...

Những đêm anh em tôi đi bắt cóc hội, thế nào sáng ra, nội cũng “í ới” vài nhà hàng xóm ở gần, cho mỗi người vài chục con. Cho cóc ai, nội cũng nhắc nhở làm cho thật kỹ, rửa thật sạch... 

Nhớ hồi đó, mỗi lần nội kêu đi bắt cóc, anh em tôi lại ngêu ngao: “Con cóc trong hang- Con cóc nhảy ra- Con cóc nhảy ra- Con cóc ngồi đó - Con cóc ngồi đó- Con cóc nhảy đi”... Nhưng với 4 chân ngắn ngủn và vác cái “bụng phệ”, con cóc có nhảy đi đâu cho thoát mỗi khi anh em tôi ra tay bắt chúng.

Xóm nghèo quê tôi giờ nhà cửa đông đúc, nhà nào cũng xây tường. Ao vũng san lấp, cây cối, gò mối, đồng hoang... đều được san lấp để cất nhà. Môi trường sống của con cóc ngày càng thu hẹp, con cóc trở nên khan hiếm. Ngày nay, vào mùa mưa ở quê tôi đi tìm vài con cóc để làm thuốc cũng khó, nói chi đi bắt cóc ăn thịt. Còn những đêm “cóc hội” thì mãi mãi đi vào quá khứ. 

T.L

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục