Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Trong hai ngày 29 và 30 tháng Chạp, không khí mua sắm tết tại các chợ truyền thống diễn ra vô cùng tấp nập, nhộn nhịp, tất bật kẻ bán người mua. Những ngày giáp Tết, chợ phiên chính là nơi thu hút đông người nhất, bởi lẽ ai cũng mong muốn mang về cho gia đình một cái tết sung túc nhất có thể.
Phiên chợ cuối năm là nét đẹp văn hóa truyền thống của tết Việt. Nhiều người còn bảo nhau rằng “30 vui hơn Mùng 1” vì có chợ tết. Lẫn trong sự tất bật của chợ tết chính là niềm vui, nụ cười và những lời chúc tết mà người bán, người mua dành cho nhau.
Chợ cuối năm, chẳng ai muốn mặc cả giá thành, thuận mua vừa bán để còn trao nhau những nụ cười vui vẻ. Dù thành thị hay nông thôn, không khí tại các phiên chợ đều như nhau.
Cảnh mua sắm rộn rã ngày 29 tết tại chợ Phường 2 (TP. Tây Ninh).
Điều dễ nhận thấy ở các phiên chợ cuối năm là người dân đi chợ từ rất sớm, có khi mới mờ sáng chợ đã đông đúc. Các mặt hàng hút khách trong phiên chợ cuối năm là hoa tươi, trái cây, thực phẩm tươi sống, rau củ… để người dân trang trí nhà cửa, mâm ngủ quả và bày mâm cổ cúng ông bà tổ tiên hoặc sum họp cùng con cháu.
Mới hơn 6 giờ sáng ngày 29 Tết, chợ Phường 2 (TP.Tây Ninh) đã kẹt xe vì dòng người đổ xô về chợ mua sắm ngày càng nhiều. Dọc hai bên đường vào chợ cũng có khá nhiều người bày bán hoa quả các loại. Những hàng hoa rực rỡ tràn cả ra lòng đường. Số người bán trong chợ tết thường tăng gấp 2 – 3 lần ngày thường. Trong khu nhà lồng chợ cũng kẹt cứng người đi mua bánh mứt, sắm sửa quần áo, giày dép…
Bà Mười Tý (bên phải) vui vẻ bán hoa cho khách quen.
Đứng lặng lẽ một góc nhỏ ngoài mặt tiền chợ, bà Mười Tý vui vẻ xóc những bó hoa vạn thọ rực rỡ, tươi mới của mình. Bà Tý cho biết, mỗi năm bà đều bán hoa vạn thọ nhà trồng vào 2 ngày chợ cuối năm. Ngày thường bà không bán hoa vạn thọ mà trồng các loại rau quả khác. Những người ghé mua hoa của bà Tý thường là khách quen lâu năm vào các dịp tết.
Có người chỉ mua hoa vạn thọ của bà chứ nhất quyết không mua chỗ khác. Ở tuổi 61, bà Mười Tý vẫn rất thích tết và yêu tết. Bà bảo, tết mà không bán hoa vạn thọ thì thấy thiếu vắng không khí ngày tết. Chính vì vậy, suốt gần 20 năm qua, tết năm nào bà cũng cọc cạch đạp xe chở hoa ra chợ Phường 2 đứng bán. Nhìn dòng người tấp nập sắm tết, bà cũng cảm thấy phấn khởi và yêu đời hơn.
Cạnh đó không xa là sạp hàng trang trí tết của anh Hiển (39 tuổi). Anh Hiển là người địa phương, chỉ bán đồ trang trí tết vào các ngày cuối năm tại chợ Phường 2. Tính đến nay, anh Hiển đã có 5 mùa bán hàng trong chợ tết. Sạp hàng của anh chủ yếu là liễn trang trí, hình dán tường may mắn và bao lì xì. Anh Hiển bắt đầu bán từ ngày 23 tháng Chạp và kết thúc vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm.
Khách chọn mua hàng trang trí tết tại sạp của anh Hiển.
Điều duy nhất giúp anh gắn bó với công việc này là sự rộn rã của phiên chợ tết. Khi chợ kẹt xe, anh Hiển cùng vài người bán khác nhiệt tình hỗ trợ điều khiển để xe lưu thông thuận lợi hơn.
Nói đến chợ tết còn phải kể đến Trung tâm Thương mại Long Hoa, huyện Hòa Thành (hay còn gọi là chợ Long Hoa). Cực phẩm đi kèm với chợ tết Long Hoa chính là kẹt xe vì chợ nằm ngay trung tâm tuyến đường một chiều. Để đến được các gian hàng quanh chợ, người mua phải chịu khó nhích từng chút một. Ngày thường, có lẽ ai cũng sẽ khó chịu khi phải chật vật từng đoạn đường. Thế nhưng vì đây là chợ tết nên ai cũng vui vẻ chờ đợi.
Trung tâm Thương mại Long Hoa ngày cuối năm.
Ngày 29 tháng Chạp, chợ Long Hoa như mắc kẹt trong biển xe và người. Hàng hóa tại chợ thì vô đối vì đây vốn là nơi phân phối của nhiều mặt hàng ra thị trường. So với các chợ khác thì chợ Long Hoa nhiều mặt hàng bày bán hơn, nhất là hàng hoa tươi và bánh mứt các loại. Chính vì vậy, vào dịp cuối năm, chợ Long Hoa thường rất đông khách.
Kẹt xe tại chợ tết Long Hoa.
Ở những vùng quê, các khu chợ cũng tấp nập không kém. Tại chợ huyện Bến Cầu, cảnh chợ trở nên đông vui, rộn ràng hơn hẳn. Tuy không sôi nổi như chợ ở thành thị nhưng người mua kẻ bán cũng nô nức rộn ràng. Người đi mua sắm nhộn nhịp từ tờ mờ sáng để chọn được món hàng ngon.
Chợ huyện Bến Cầu tấp nập người đi chợ vào 29 tết.
Bên cạnh những hàng hoá thường ngày, chợ huyện Bến Cầu vào những ngày này còn bày bán phong phú các mặt hàng phục vụ tết, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Người dân có thể ra chợ là có thể mang tết về nhà mà không cần phải đi đâu xa.
Năm nào cũng vậy, đến ngày này, bà Nguyễn Thị Hai, ngụ tại huyện Bến Cầu lại đem mớ củ kiệu nhà làm ra chợ huyện bán. Theo bà Hai, mỗi dịp tết bà có thói quen làm củ kiệu để dành ăn. Sẵn dịp này, bà thường làm nhiều một chút để mang ra chợ bán vào hai ngày cuối năm để kiếm ít tiền mua sắm tết cho gia đình. Bà Hai rất vui, vì món củ kiệu bà làm nhiều người ăn đã quen, nên bán nhanh hết hàng.
Bánh tét món không thể thiếu trong ngày tết.
Tất bật với việc rao hàng, trả lời giá cả, chị Lê Thị Tuyết, bán trái cây tại chợ huyện Bến Cầu vẫn rất vui tươi. Chị Tuyết cho biết chị chủ yếu bán các loại trái cây chưng mâm ngũ quả như đu đủ, sung, xoài, dừa, mãng cầu, dưa hấu. Buôn bán vào ngày tết tuy cực nhưng cũng rất vui vì có thêm thu nhập.
Từ sáng giờ chị bán khá đắt hàng, vì thế chị mạnh dạn lấy thêm ít trái cây để bán vào chiều 29 và sáng ngày 30 tết. Năm nay, chị mong bán hết sớm để về chuẩn bị đón tết cho gia đình.
Gian hàng trái cây ở chợ huyện Bến Cầu.
Tay xách nách mang nhiều món hàng tết, chị Nguyễn Thị Lý, ngụ huyện Bến Cầu vui vẻ chia sẻ, để tránh cảnh chen lấn, từ 5 giờ sáng chị đã dậy để đi chợ mua sắm tết. Chị mua rất nhiều món, và tất nhiên không thể thiếu món củ kiệu, bánh tét.
Theo chị Lý, năm nay, trừ thịt heo tăng giá cao hơn mọi năm, các mặt hàng khác cũng không tăng giá nhiều nên chị cũng mạnh tay mua sắm tết để gia đình có cái tết đầy đủ, tươm tất hơn.
Khách hỏi mua một nhành mai về chưng tết.
Chợ tết dù ồn ào, náo nhiệt nhưng nhận được tình cảm của rất nhiều người bán. Có người lưu luyến chợ tết đến nỗi, năm nào cũng kiếm gì đó ra ngồi bán cho vui.
Lê Thùy – Thế Anh