Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tuỳ bút
Nhớ ngày khai giảng đầu tiên…
Thứ bảy: 10:40 ngày 05/09/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày ấy, tôi thuộc tốp những giáo viên đầu tiên từ xuôi xung phong lên miền núi dạy học. Sinh viên (sư phạm) mới ra trường, nhiệt huyết còn đầy ắp. Đam mê cống hiến, muốn thử thách mình trong môi trường gian khó ở vùng cao.

Vậy nên tôi với hai cô bạn cùng chí hướng mới âm mưu “chống lệnh” của gia đình; không ngồi chờ quyết định bổ nhiệm dưới đồng bằng mà lén ôm hồ sơ dắt nhau lặn lội lên tận Phòng Giáo dục huyện H (miền núi) để nộp. Đương nhiên là được hoan nghênh, phân công tác ngay tắp lự.

Còn hỏi, các trường miền núi giáo viên luôn thiếu, đâu có dôi dư khiến phải sắp hàng chờ đợi như dưới đồng bằng? Ba “nhà giáo tương lai” được phân nhiệm sở về cùng một trường. Cười nói hỉ hả vì mọi việc đã như ý nguyện.

Gia đình có biết chắc cũng “chào thua” trước việc đã rồi. Với lại chúng tôi muốn mau có việc làm cũng chỉ để đỡ gánh nặng cơm áo cho gia đình; đem cái ý tốt này ra để thuyết phục các bậc mẹ cha gia cảnh còn khó khăn hỏi sao không xuôi? Bước đầu hừng hực khí thế, vậy nhưng, tới lúc lên Phòng nhận quyết định đem về trường nộp mới thấy… hơi run: trường nằm trong thung lũng thấp ba bề là núi vây quanh, vô trường chỉ một con đường duy nhất.

Đường lổn nhổn sạn ruồi, đá dăm. Đang mùa nắng nên xe chạy cứ xóc tưng tưng, mù bụi. Trường sở hơi tồi tàn với cái sân đất nện và hai dãy nhà cấp bốn. Kệ đi, đâu cần thanh niên có… đám chúng tôi vốn con nhà “gốc rạ” nên gian khổ kiểu này cũng chẳng phải chuyện gì ghê gớm khiến phải chùn chân…

Vậy nhưng chúng tôi đã lầm. Ấy mới là vùng cao mùa nắng, chưa phải mùa mưa.

*   *   *

Năm ấy mưa đến sớm, mới tháng chín trời đã phủ đầu bằng một đợt mưa lớn kéo dài. Mưa kiểu ấy với đồng bằng là chuyện thường, không sao, nhưng với miền núi thì thực sự “có chuyện”. Đúng sáng 5.9, ba cô giáo trẻ trang phục chỉnh tề ra đường từ sớm đón ô tô lên trường dự khai giảng.

Khai giảng đầu tiên của đời làm thầy đương nhiên quan trọng lắm. Vậy nên ăn mặc chỉn chu hết cỡ: ngoài áo dài tha thướt, quần lụa; bên trong nội y cũng toàn đồ mới cứng; mặt mũi tóc tai chăm chút hệt… cô dâu ngày cưới. Khách đi cùng chuyến (chắc biết chúng tôi là cô giáo) nên cứ liếc nhìn đầy kính nể. Tự hào ghê! Cứ ríu rít ríu ra cho tới lúc xe chạy chậm lại rồi đột ngột dừng. Mọi người nhao nhác đổ xuống. Gì vậy ta, chưa tới nơi mà?

Bước xuống theo chân mọi người, tôi không dám tin vô mắt mình khi thấy chiếc cầu tràn bắc qua con sông N- lối duy nhất lên trường- đã… ngập băng dưới nước. Nước không sâu, nhưng chảy cuồn cuộn, hung hãn. Té ra mưa lớn đầu nguồn gây lũ, nước sông dâng nhanh trong đêm, chớp mắt đã ngập cầu. Xứ núi là vậy, chuyện thường mà, người ta chép miệng bảo nhau. Quay về thôi. Ừ, về…

Hết nói cười nổi, ba cô giáo chỉ biết đứng trân trân nhìn làn nước đục ngầu, mặt như chàm đổ. Xe đang lục đục quay đầu. Bác tài kêu: ai muốn khứ hồi thì lên xe đi tiếp! Khứ sao được mà khứ, ngày khai giảng đầu tiên, chắc cả hội đồng trường cùng các em học sinh đang ngong ngóng chờ các cô giáo mới miền xuôi. Nhưng nước ngập kiểu này, không… có cánh thì làm sao qua?

Đang loay hoay gần như muốn khóc bỗng nghe tiếng gọi ơi ới từ đầu cầu bên kia. Là thầy hiệu trưởng, mừng quá! Hoá ra thầy nghe tin cầu bị ngập lũ, đoán chắc các cô bị kẹt nên bươn bả từ trường chạy ra. Tới rồi hả? Tốt. Các em cứ đứng yên đó, đợi thầy…

Thầy quày quã chạy xe vô xóm; lát sau trở lại cùng với ba thanh niên người “đồng bào” lực lưỡng. Cầm gậy chống dò đường, họ thận trọng lội qua đoạn cầu tràn nước xiết vẻ rất vững chãi, ung dung. Nào! Bây giờ mỗi em kèm một cô giáo lội sang bên nay cho thầy…

Nghe xưng hô mới biết, té ra ba cậu thanh niên là học trò cũ của thầy hiệu trưởng. Chúng tôi nhìn làn nước xiết, rồi nhìn lại áo quần phấn son trang điểm vẻ ngần ngừ. Nóng ruột, cậu học trò “đồng bào” hồn nhiên lên tiếng, giọng lơ lớ: cô giáo sợ ướt thì để tui… ẵm (bồng) qua.

Câu nói rất thực, nhưng khiến cô giáo mặt đỏ nhừ vì thẹn, hấp tấp cuộn vạt áo dài níu tay anh “vệ sĩ đồng bào” bước ào luôn xuống nước hết còn sợ ướt. Vất vả dò dẫm một hồi, ba “vệ sĩ” cũng đưa được ba cô giáo trẻ an toàn qua sông. Lên được tới bờ đường khô cả ba cô đều quần áo ướt mem, phấn son trôi sạch! Dở khóc dở mếu. Không sao, thầy hiệu trưởng cười an ủi: “Để thầy dắt vô nhà đồng nghiệp tắm rửa, thay đồ…”.

*   *   *

Khai giảng năm đó trường cử hành lễ trễ mất một giờ do sự cố ba cô giáo mới bị kẹt nước lũ.

Kết cục cũng được dự khai giảng, nhưng cô nào cô nấy ngượng nghịu trong mấy bộ đồ… mượn đỡ: không rộng thùng thình cũng cũn cỡn chật bó, rất mất tự nhiên. Buộc lòng thôi, tình huống khẩn cấp, có mặc đi dự là may, đào đâu ra đồ vừa đồ đẹp? Ơn trời, mọi chuyện rồi cũng qua: hội đồng trường đón các “tân binh” rất đỗi thân ái, nhiệt thành. Kể cả các em học sinh, chúng rần rần vỗ tay hoan hô khi được thầy hiệu trưởng giới thiệu các cô giáo mới. Cảm động chảy nước mắt!

Với tôi, ngày khai giảng đầu tiên của đời làm thầy tuy hơi “biến cố” nhưng đã gây ấn tượng đẹp tới mức mỗi khi nhắc lại chuyện xưa cứ dường như… mới rợi. Cái thuở ban đầu lưu luyến đã cột chặt tôi với ngôi trường xóm núi gần hai mươi năm.

Trường giờ to đẹp khang trang. Xóm núi cũng đã thành “phố núi” từ lâu. Cầu tràn bắc qua sông N đã được thay bằng cây cầu chân trụ bê tông cốt thép sừng sững vươn cao. Chuyện “lũ ngập cầu” mỗi mùa mưa gây tắc đường chỉ còn là chuyện một thời xa lắc. Vậy nhưng cứ tới mỗi mùa khai giảng, ký ức thân thương ngày cũ lại hiện về cho tôi thêm một lần chiêm nghiệm lại câu “mọi thứ rồi sẽ qua đi, chỉ còn tình người ở lại”. Phải, tình người…

 Y NGUYÊN

 

Tin cùng chuyên mục