Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Dẫu biết rằng “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật của tạo hoá, nhưng trước tin nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần, nhân dân cả nước tiếc thương.
Lễ viếng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tại Nhà Tang lễ quốc gia (Hà Nội)- Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Ông Trần Việt Biên, 76 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh bùi ngùi nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười.
Ông chia sẻ, trong thời gian ở cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông đã nhiều lần được tiếp nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đến thăm, làm việc tại Tây Ninh. Trong những lần làm việc, nguyên Tổng Bí thư đều quan tâm chỉ đạo chính quyền các cấp cần phải chăm lo đời sống, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vì Tây Ninh là tỉnh chịu nhiều thiệt hại trong chiến tranh.
Sau khi làm việc với Đảng bộ tỉnh, nguyên Tổng Bí thư thường đi thăm người dân, thăm gia đình thương bình, liệt sĩ, và dặn dò các cấp lãnh đạo phải chăm lo cho gia đình thương binh liệt sĩ, từ nhà ở, sức khỏe, việc làm.
Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười còn rất quan tâm đến công tác giáo dục, chăm lo đời sống cho các cháu thiếu niên nhi đồng, đặc biệt, các cháu là con em của cán bộ, chiến sĩ, nhân dân bị ảnh hưởng chất độc da cam. Lúc đó, ông đề nghị Đảng, nhà nước phải tập trung xây dựng trường học, khu vui chơi cho thiếu nhi.
Sau khi trở về Hà Nội, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã tặng Tây Ninh 1 tỷ đồng để xây dựng Trường dành cho trẻ khuyết tật. Ngôi trường được xây dựng ở ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hòa Thành.
“Thời đó, 1 tỷ đồng là rất lớn. Đây là món quà quý giá nhất mà Bác Đỗ Mười để lại cho người dân Tây Ninh”, ông Trần Việt Biên nói.
Ông Trần Việt Biên kể lại một câu chuyện rất xúc động về nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, trong một chuyến thăm Tây Ninh, Bác Đỗ Mười đến thăm Hội đồng chưởng quản Toà thánh Cao Đài Tây Nình. Ông Biên nhớ lại: “khi đoàn xe đưa Bác đến Cửa số 2 Tòa thánh, bà con tín đồ Cao Đài và Hội đồng Chưởng quản trong bộ áo dài trắng đứng hai hàng, cờ hoa vẫy chào. Thấy vậy, Bác liền xuống xe chào mọi người và đi bộ từ ngoài Cửa số 2 vào tới Điện thờ Phật Mẫu. Bác luôn miệng cười tươi và vẫy tay chào bà con tín đồ”.
Ông Trần Việt Biên, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh kể lại những ấn tượng về nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười.
Lúc ấy nắng quá, một người trong đoàn cầm dù đến định che, nhưng nguyên Tổng Bí thư khước từ, bảo “mọi người đều đứng dưới nắng mà ai cũng cười vui vẻ, vậy tại sao mình phải cần đến dù?”.
Trong buổi làm việc với Hội thánh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ân cần thăm hỏi sức khoẻ các vị chức sắc, đồng thời nhắc nhở chính quyền địa phương phải hết sức chú ý, tạo điều kiện, chăm lo đời sống vật chất lẫn tinh thần cho đồng bào tôn giáo nói chung và tín đồ đạo Cao Đài nói riêng.
“Khi trở về Hà Nội, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi cho Phối sư Thượng Thơ Thanh (Nguyễn Ngọc Thơ) - Hội trưởng Hội đồng Chưởng quản Hội Thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh (nay là Hội Thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh) một hộp sâm và tôi (ông Trần Việt Biên- NV) là người được lãnh đạo tỉnh phân công đem món quà đó vào đến tận nhà, giao cho Phối sư Thượng Thơ Thanh.
Trường Khuyết tật Tây Ninh- món quà quý giá của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười để lại cho trẻ em khuyết tật Tây Ninh.
Nhận được món quà này, Phối sư Thượng Thơ Thanh rất cảm động, ông nói: "Bác Mười là người bận trăm công nghìn việc, nhưng vẫn quan tâm đến sức khỏe của tôi. Vì vậy, xin hứa sẽ giữ gìn sức khỏe, lãnh đạo Hội thánh Cao Đài Tây Ninh và các tín đồ thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước".
Tổng Bí thư Đỗ Mười đã vĩnh biệt trần gian ở tuổi 101. Quy luật tạo hóa “sinh, lão, bệnh, tử” của mỗi đời người là lẽ thường; song sự ra đi của ông đã để lại muôn vàn tiếc nuối trong lòng người dân. Nhân dân Việt Nam mãi biết ơn Tổng Bí thư Đỗ Mười về tác phong gần dân, luôn đặt quyền lợi của nhân dân, đất nước lên hàng đầu.
Xin vĩnh biệt ông, vĩnh biệt người lãnh đạo luôn làm việc hết sức mình vì Đảng, vì dân.
Đại Dương