Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Nhớ những lời dạy của Bác Hồ dành cho thanh niên
Thứ ba: 14:50 ngày 26/03/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hơn ai hết, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ thấu hiểu, đánh giá cao vai trò, vị trí của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng và công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết nước nhà.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong số ít các lãnh tụ cách mạng trên thế giới đặc biệt quan tâm, dành tình cảm đến thế hệ thanh niên. Người đã viết nhiều thư gửi thanh niên, cũng như có nhiều bài nói chuyện nhằm động viên, giáo dục thế hệ trẻ. Ngay cả khi đang nằm trên giường bệnh những ngày cuối đời, Bác vẫn viết vài dòng nhắn gửi Liên đoàn Thanh niên – Sinh viên thế giới, nhằm ủng hộ cuộc gặp gỡ đại biểu các nước tại Phần Lan.

Đoàn viên thanh niên tìm hiểu sách Di sản Hồ Chí Minh tại ngày hội sách và văn hoá đọc tỉnh Tây Ninh

Hơn ai hết, với tầm nhìn xa, trông rộng, Bác Hồ thấu hiểu, đánh giá cao vai trò, vị trí của lực lượng thanh niên trong sự nghiệp cách mạng và công cuộc bảo vệ, xây dựng, kiến thiết nước nhà. Tháng Ba – tháng Thanh niên, đọc lại những lời dạy sâu sắc của Bác giúp người trẻ hiểu rõ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh để áp dụng vào cuộc sống thực tiễn.

Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp tết Nguyên đán 1946, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Bởi ngay từ thời trẻ, Bác kính yêu đã ý thức được sứ mệnh của thanh niên là vô cùng to lớn. Người nhận định: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”.

Cùng với Đảng Cộng sản Việt Nam, Bác đã sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh). Điều đó cho thấy Bác luôn đặt niềm tin vững chắc vào thế hệ trẻ và cho rằng thanh niên cần phải làm đầu tàu, làm gương mẫu trong phong trào thi đua yêu nước. Vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc nhiều lần đề cao khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên làm”. Điển hình như tại hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (1959), Người căn dặn: “Việc gì khó có thanh niên. Ở đâu khó có thanh niên”. Cho đến ngày nay, bốn câu thơ bất hủ của Bác vẫn luôn là kim chỉ nam, tác động mạnh mẽ tư tưởng của giới trẻ:

“Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên”

Quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức chú trọng vấn đề thanh niên. Năm 1925, khi viết tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Nguyễn Ái Quốc cho in kèm vào hai trang phụ lục "Gửi thanh niên An Nam" với lời cảnh tỉnh ở dòng cuối: "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh".

Trong bài nói chuyện tại Đại hội thanh niên tích cực lao động xã hội chủ nghĩa (ngày 17.3.1960), Người phát biểu: “Để thật xứng đáng là người chủ của một nước xã hội chủ nghĩa, thanh niên ta quyết tâm thực hiện mấy điều sau đây:

- Phải thấm nhuần đạo đức cách mạng tức là khiêm tốn, đoàn kết, thực hành chủ nghĩa tập thể, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, người tiên tiến thì giúp đỡ người kém, người kém phải cố gắng để tiến lên, ra sức cần kiệm xây dựng nước nhà.

- Phải nghiêm khắc chống chủ nghĩa cá nhân như tự tư, tự lợi, tự kiêu, tự mãn, chỉ tham việc gì có danh tiếng, xem khinh những công việc bình thường. Phải chống tham ô, lãng phí.

- Phải cố gắng học hỏi để không ngừng nâng cao trình độ chính trị, văn hoá và kỹ thuật để phục vụ Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.

Bác cũng nhắc nhở: “Thanh niên ta cần phải thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà và phải trau dồi đạo đức của người cách mạng. Đạo đức cách mạng là bất kỳ ở cương vị nào, bất kỳ làm công việc gì, đều không sợ khó, không sợ khổ, đều một lòng một dạ phục vụ lợi ích chung của giai cấp, của Nhân dân, đều nhằm mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội”.

Thanh niên đọc sách học tập theo gương Bác Hồ.

Tại lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam (ngày 19.1.1955), Bác đã truyền động lực, cảm hứng cho các thế hệ thanh niên: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”

Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bác nói: “Bác rất yêu mến thanh niên. Vì thanh niên là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách, dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai – tức là các cháu nhi đồng”. Bác từng thừa nhận: “Tôi luôn luôn nói đến thanh niên, vì trong mọi công việc thanh niên ta luôn luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng”.

Trong Di chúc, Người không quên gửi gắm: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.

Theo Bác, giáo dục có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của thanh niên. Bác luôn nhấn mạnh việc học tập để thanh niên có thể vươn mình ra biển lớn, lấy sức trẻ làm giàu cho Tổ quốc. Bác bảo: “Xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có máy móc, có kỹ thuật, có văn hoá... thanh niên phải học và học cho giỏi”. Tại Đại hội lần thứ III của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác khuyên: “Thanh niên ta phải cố gắng học. Do hoàn cảnh trong xã hội cũ hạn chế nên số đông thanh niên công nông ta ít được học. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì nhất định phải có học thức”.

Có thể thấy, Bác kỳ vọng vào tuổi trẻ từ khi các em còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Trong ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Vì vậy, dù bận trăm công nghìn việc, Người vẫn thường xuyên chăm lo sự nghiệp giáo dục của nước nhà, coi giáo dục là phương thức quan trọng nhất của sự nghiệp "trồng người". Trong bài viết “Nhiệm vụ của thanh niên ta” đăng trên Báo Nhân dân ngày 20.12.1955, Bác kết luận: “Thanh niên sẽ làm chủ nước nhà. Phải học tập mãi, tiến bộ mãi, mới thật là thanh niên”. Bên cạnh đó, Bác còn dặn dò: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”.

Về phong trào thanh niên, Bác có ý kiến: “Đảng, Chính phủ và Bác rất chú ý đến thanh niên. Bác vui lòng khen ngợi những cố gắng của thanh niên. Nhưng phong trào thanh niên cũng còn nhiều thiếu sót cần khắc phục. Thanh niên phải xung phong đến những nơi khó khăn gian khổ nhất, nơi nào người khác làm ít kết quả, thanh niên phải xung phong đến làm cho tốt”. Cũng có những lần Bác thẳng thắn phê bình, chỉ rõ những ưu, nhược điểm của thanh niên nước ta. Thư gửi thanh niên (tháng 4 năm 1951), Bác viết: “Ưu điểm của thanh niên ta là hăng hái, giàu tinh thần xung phong. Khuyết điểm là ham chuộng hình thức, thiếu thực tế, bệnh cá nhân, bệnh anh hùng. Rất mong toàn thể thanh niên ta ra sức phát triển những ưu điểm và tẩy sạch những khuyết điểm ấy”.

Đoàn viên thanh niên Tây Ninh tham khảo tủ sách về Bác Hồ.

Về lao động, Bác nêu quan điểm: “Thanh niên muốn cho các ngành xem trọng mình, trước hết tự mình phải làm việc cho tốt”. Bác cũng đề cập: “Một số khá đông thanh niên chưa hiểu thấu rằng tất cả lao động có ích cho xã hội đều là vẻ vang, vì vậy họ chưa thiết tha yêu nghề, thường “đứng núi này, trông núi nọ”… Thanh niên ta cần phải hiểu rằng: bất kỳ công việc gì mà ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ đều là vẻ vang, đều là anh hùng”.

“Thanh niên phải gần gũi quần chúng. Xa cách quần chúng sẽ bị cô độc. Thí dụ: Trong một nhà máy, thanh niên xung phong là tốt, nhưng phải kính trọng và học hỏi những bác thợ già. Thanh niên phải đoàn kết mọi người, già trẻ nhất trí, cùng nhau hăng hái xung phong… Mỗi khi gặp khó khăn trong công tác, phải biết dựa vào đường lối, chính sách của Đảng, dựa vào sáng kiến và lực lượng của quần chúng, có quyết tâm cao, thì khó khăn gì cũng sẽ vượt được và mọi việc nhất định thành công” – trích bài nói chuyện của Bác Hồ tại Hội nghị cán bộ Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam toàn miền Bắc (ngày 22.9.1962).

Những gì Bác chỉ bảo tuy rất giản dị, mộc mạc nhưng mãi là ngọn đuốc sáng, soi đường chỉ lối các lớp trẻ tiến bước. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thanh niên trong thời đại mới cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng hình mẫu sống có lý tưởng, ước mơ, thể hiện bản lĩnh vững vàng, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội. Và hãy luôn luôn nhớ lấy lời Người: “Thanh niên Việt Nam, thanh niên thế giới! Hãy hăng hái tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng chủ nghĩa cộng sản!”.

Anh Thư

Tài liệu tham khảo: Thư gửi thanh niên – Tuyển chọn các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh niên (cuốn sách thuộc tủ sách Di sản Hồ Chí Minh của Nhà xuất bản Trẻ).

Tin cùng chuyên mục