Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thế là thêm một mùa lễ Ðoan ngọ đã qua đi, trong lúc toàn dân nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch. Ðã không còn cảnh từng đoàn, từng nhóm nam thanh nữ tú chở nhau đi thăm thú vui chơi ở các vườn cây trái. Cũng không thấy quang cảnh tấp nập dòng người lên viếng núi Bà Ðen, bởi lẽ ngày lễ vía Bà cũng chính là dịp mùng 5 tháng 5 âm lịch.
Tết mùng 5, dân gian còn gọi là tết giữa năm. khi mà lúa Hè Thu đã xanh đồng. Nước tưới, diêm tro cũng đã lo xong. Trái cây trong vườn lại đang chín rực. Vậy chẳng có lý do gì mà không ngơi nghỉ vài ngày ăn tết mùng năm.
Không lên dự lễ vía Bà năm nay, do có lệnh tạm dừng các nghi lễ tôn giáo tập trung trên 20 người. Các chùa trên núi chỉ thực hiện lễ nghi nội bộ. Vậy thì tôi đành nhớ những mùa lễ hội năm xưa, từng làm nên bản sắc tín ngưỡng núi Bà.
Nhớ lại khoảng mươi, mười lăm năm trước, kể từ khi Công ty Du lịch Tây Ninh chủ động tham gia tích cực vào lễ hội vía Bà mùng 5 tháng 5. Lãnh đạo công ty chẳng nói thì ai cũng biết. Ðấy là các anh đang hướng đến phát huy lễ hội thành một sản phẩm mới của ngành. Và, có lẽ sẽ thành hiện thực, khi mà mỗi mùa lễ hội, các công ty đối tác từ trong và ngoài tỉnh kéo lên. Bà con các tỉnh Nam bộ biết tin cũng tìm về. Ðông lắm! như thể có thêm một hội xuân của núi giữa mùa hè.
Nhắc đến hè, mới nhớ thêm. Những năm ấy, núi Bà đã có tuyến cáp treo- là tuyến đầu tiên trên cả nước. Công nghệ Trung Quốc, cổ điển và đơn giản, nhưng vẫn đáng tự hào. Ðầu tiên là một lẽ, nhưng đặc biệt là mỗi ca bin như một cái giỏ treo, hoặc một cái tổ chim dồng dộc. Chung chiêng trong gió. Không có cửa sổ kính bao nên đầy ắp hương rừng. Mỗi ca bin chỉ chở đúng 2 người, vừa vặn cho một đôi tình nhân rủ nhau lên núi cúng Bà, viếng núi.
Vào mùa lễ mùng 5. Tuyến cáp thô sơ ấy lại có thêm màu sắc mới. Các đội lân mang theo những cái đầu lân, mặt nạ ông địa đỏ vàng tươi tắn. Hương hoa cũng bát ngát trôi theo lên núi dâng Bà. Bởi các má, các chị quê từ Ðồng Tháp, Long An thường cẩn thận đem theo từng giỏ bông sen còn mơn mởn hồng tươi.
Và, núi Bà hân hoan chào đón bằng những cánh phượng hồng rung rinh tươi thắm. Suốt tuyến cáp là những cây hoa phượng. Tưởng chỉ cần giơ bàn tay ra là chạm được vào hoa. Lại còn một cây ngọc lan đứng trước sân chùa Bà. Mùa lễ mùng 5 cũng nở trắng những chùm bông thơm nức.
Tôi chẳng thể nhớ hết những nghi thức, tiết mục hội hè diễn ra suốt trong 3 ngày của lễ. Nào san sát những mâm vàng óng ánh trang kim. Nào trống thúc, chiêng kêu gọi từng tốp múa lân vào nhảy múa. Kia là ông địa mặt đỏ, cùng cô “Nàng” diêm dúa phấn son đang đưa đẩy lời ca điệu múa trước điện Bà…
Nhưng, tôi nhớ nhất là cảnh các cô gái hoá thân thành những “cô Tấm ngày xưa”, áo tứ thân, khăn đen mỏ quạ gánh từng gánh sản vật Tây Ninh dâng vào điện. Hang điện lung linh mờ tỏ, chập chờn ánh nến in bóng các cô nàng lên vách đá, như đưa tôi trở về cổ tích những ngày thơ…
Rồi những cô học trò lễ đẹp như tiên, xúng xính mấn vàng khăn áo lụa, nhịp nhàng bước đi dâng vật cúng lên Bà. Tôi cũng kịp nhớ vài câu trong chúc văn đọc trước điện, đọc xong rồi “hoá”. Là câu: "- Tác thành muôn vật chẳng lầm, công cùng tạo hoá; không vượt quá giới hạn đất trời, quần sanh trải đức/ Giúp nước cứu dân thảy nhờ ơn mưa móc. Cảm ắt thông, cầu tất ứng, ai nấy tâm thành”. Ôi, biết bao là ý tứ sâu xa, là tâm nguyện của người xưa trong lễ vía Bà.
Lễ đã tồn tại suốt hơn 200 năm lịch sử, và đã được tôn vinh xứng đáng. Ngày 1.9.2018, lễ vía Bà được Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia. Ngày 14.8.2019, đã có một ngày lễ tưng bừng hoành tráng ngay trên sân núi Ðiện, vừa công bố quyết định của Bộ, vừa trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và khánh thành công trình mở rộng sân chùa núi. Công trình như những nếp ruộng bậc thang uốn lượn bao quanh sân núi xù xì đá xếp ngày xưa.
Vậy là đã qua một lễ hội buồn. Buồn, để còn tập trung “chống dịch như chống giặc”.
Buồn hôm nay là để những mùa lễ hội sau sẽ vui hơn, vui gấp nhiều lần. Khi nào “giặc” tan, chúng mình sẽ lại vui chung.
NGUYỄN