Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Quê nhà, nơi bình yên cho những đứa con xa xứ trở về. Con đường trước nhà quanh năm bùn đất. Cánh đồng sau nhà xanh một màu lúa non. Mái hiên vẫn im lìm cùng năm tháng, gợi nỗi niềm cùng lu nước mưa nơi thềm sân, nơi có bóng dáng gầy hao của bà, của mẹ lom khom rửa chén, rửa rau.
Têm trầu. (Ảnh minh hoạ: Đ.H.T)
Một ngày về vùng quê xa, mở ra trước mắt là cánh đồng lúa đang chín, hạt vàng xen lẫn màu xanh tạo nên bức tranh nhiều sắc màu dịu mắt trong nắng trưa hầm hập nóng. Giàn bầu nơi bờ ruộng xanh um những lá, chưa trổ hoa vàng réo ong bầu tìm mật, chưa kết trái trên cành gọi thương nhớ cho người xa. Giàn chỉ là vài cành khô giăng mắc đơn sơ làm nơi nương tựa cho bầu vươn ngọn, phía dưới là khe nước nhỏ chảy qua chiếc cầu bằng phẳng thông với mặt đường trắng loá dưới nắng.
Đường làng chỉ là đường đất và được rải lớp đá mi mỏng, mỗi lần xe qua lại cuốn lên bụi trắng xoá phía sau. Xa xa là ngôi thiền am kề bên ruộng lúa, màu vàng của mái ngói in lên màu xanh của cây cối xung quanh, cảm giác bình yên len nhẹ vào lòng.
Bên cạnh đường đất hẹp có bụi tre già lặng lẽ, phe phẩy tán lá thuôn dài mỗi khi cơn gió thổi qua tạo thanh âm rì rào. Dưới gốc tre là chiếc xe bò đã gãy càng nên không còn được sử dụng.
Bỗng có tiếng mèo kêu nho nhỏ phát ra từ trong thùng xe, không hiểu sao mèo con lại bị cột ở đó hoặc là nó mê chơi nên đi lạc rồi bị quấn chân vào mớ dây hỗn độn quanh xe. Tôi khẽ tháo sợi dây rồi thả nó đi. Nó không ngoái lại nhìn tôi một lần, miệng nó không ngừng kêu meo meo và đi chầm chậm về phía bụi tre rồi mất hút.
Ẩn sau tất cả là ngôi nhà đơn sơ vách tường cũ rêu phong, lơ đễnh ngoài sân chiếc lu sành đựng nước hằn dấu vết thời gian. Bao quanh nhà những hàng đậu đang lên xanh. Người đàn bà cần mẫn đang ngồi xới những đống phân bò ra để phơi dưới nắng rát mặt.
Bà đội nón lá cũ, im lặng, tay không ngừng xới tung những rơm rạ khô lẫn trong phân, phải phơi thật khô thì mới có thể sử dụng để bón vào những cây hoa màu mà bà sẽ trồng trong khu vườn nhỏ quanh nhà. Mọi thứ cứ chậm rãi trôi theo thời gian, tiếng hót chim yến lượn trên trời cao như pha thêm nét động cho bức tranh tĩnh tại đơn sơ.
Hoa xuyến chi ven cầu ao vô tư nở đoá trắng tinh, hoa không vì người khách lạ đang ngắm nhìn mà xao động thẹn thò, cứ đơn sơ tận hiến cho nắng gió chan hoà. Mọi thứ như đánh thức tầng sâu thẳm của tâm hồn đang dần mỏi mệt vì mưu sinh cơm áo.
Thời quá vãng chưa xa tôi đã từng có những buổi trưa như thế. Để mặc cho đứa trẻ trong tôi sống lại những xao động bâng khuâng, tôi miên man trong những cảm xúc và kỷ niệm dâng lên không ngừng trong tâm trí.
Những trưa hè nắng rát ở vùng biên giới, đứa bé đi học về chưa kịp cởi cặp sách khỏi vai đã chạy vụt xuống nhà bếp và mở gạc-măng-rê ra xem nhà mình hôm nay ăn món gì. Đôi khi, đứa trẻ đó không phải sục sạo vì đói mà vì “ghiền” cảm giác được mở tung cánh cửa gỗ đơn sơ của chiếc tủ mà những ngôi nhà cũ xưa thường đặt trong bếp - nơi dùng để chứa thức ăn vừa mới làm xong, hoặc những gia vị, những thức ăn dự trữ chưa dùng đến.
Trong tủ có mùi vị rất đặc trưng pha chút cũ càng mà tôi dạo đó thường hay hít hà với niềm thoả mãn rất trẻ thơ. Nhiều lần trong ngày tôi lặp đi lặp lại hành động mở tủ này, không chán bao giờ.
Trên chạn chén bát của ngày đó chỉ có những chén, tô, dĩa đơn giản với màu men thô, trên đó vẽ hình con gà trống có nhiều màu đang tạo dáng rất uy nghi hoặc cành hoa, cỏ đơn giản chân quê. Tôi thường tạo cảm hứng cho mình bằng cách chọn chiếc tô có hình hoa hoặc hình gà theo từng ngày và tuỳ theo tâm trạng của mình lúc đó.
Tuổi thơ tôi ngày ngày cứ lẩn quẩn bên chân bà cố (tức là bà ngoại của ba tôi), bà có tạng người nho nhỏ, thường hay mặc áo bà ba ngắn tay và chiếc quần rút dây ống rộng mà bây giờ chẳng còn ai mặc như thế nữa.
Bà tôi là người của những năm 80 thế kỷ trước, bà có nét hiền hoà, bình dị rất chân thật. Tôi nhớ nụ cười móm mém, nhớ ánh mắt của bà rất khoan dung khi nhìn tôi. Tôi thường hay giúp bà nhặt rau, tưới hoa, cho gà ăn, những công việc bà hay làm thường ngày.
Dù tuổi cao nhưng không bao giờ ngơi tay, bà làm nhiều việc nho nhỏ trong nhà, có lẽ vì luôn hoạt động nên hơn tám mươi tuổi bà vẫn rất khoẻ. Khi bà mất cũng rất nhẹ nhàng, không bệnh gì nặng, bà ngủ giấc thiên thu bình yên.
Nhìn những dây trầu không xanh mát, ve vẩy hạt nắng bên hàng cau thưa, lòng tôi lại nhớ bà da diết, nhớ nhất là lúc ngoáy trầu cho bà. Bà tôi ăn trầu nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ, mùi trầu thơm nồng luôn vấn vương quanh bà.
Bà có một giỏ trầu đan bằng tre, trong đó có bình vôi nho nhỏ, một cối giã trầu và một ống ngoáy bằng đồng, lá trầu xếp ngay ngắn, miếng cau được chẻ nhỏ khéo léo. Tôi thường quan sát bà lấy một lá trầu vuốt phẳng, rồi thoa một ít vôi hồng lên, khẽ đặt một miếng cau tươi hoặc khô tuỳ theo, xếp tỉ mỉ lại vuông vức và đặt vào cối giã, ống ngoáy thật đều tay cho tới khi mọi thứ hoà vào nhau thật nhuyễn.
Bà vừa làm vừa rủ rỉ nói với tôi hoặc bà đang sống trong hồi ức của bà về một thời thanh xuân, về những buồn vui trong hành trình cuộc đời đã trải. Nếu quét vôi không đều hoặc quá ít hoặc quá nhiều thì miếng trầu sẽ nồng hoặc nhạt thếch.
Nếu cau không đủ độ thì cau non bị mềm, cau già bị cứng, cau tươi ngon hơn cau khô nhưng thỉnh thoảng gặp lúc không có cau tươi thì cau phơi khô chỉ là “chữa cháy”. Ngoáy cũng phải đều tay và có kỹ thuật, nếu không miếng trầu nát hết hoặc miếng to nhỏ thì khi bà ăn sẽ không ngon, không thấm vị.
Tôi mê mẩn những điều đó và chỉ cần bà nói muốn ăn trầu là tôi sốt sắng làm ngay. Tôi bắt chước bà cứ làm mọi thứ thật nhẹ nhàng, thong thả và rất thích khi được bà khen “con giã trầu đúng rồi, y như bà làm luôn, khéo lắm”.
Tôi rất tự hào vì ngoài tôi ra, không có đứa cháu nào giã trầu được như thế và đúng ý bà. Cho tới khi bà mất, chiếc giỏ trầu của bà vẫn được giữ nguyên và để ngay trên bàn thờ.
Nhìn cối giã, ống ngoáy buồn thiu vì không còn được ai kế thừa từ sau khi bà mất. Hàng trầu xanh, quả cau lăn lóc góc sân, giờ còn ai biết ăn trầu như một phong tục của người xưa. Trầu cau bây giờ hoạ chăng chỉ còn dùng trong dịp cưới xin.
Kỷ niệm về bà kể không giờ hết nhưng xin cho tôi giữ trong tim mình niềm nhớ thiêng liêng về những buổi nắng tươi lon ton theo bà trồng hoa vạn thọ, phía sân nhà vàng ruộm sắc xuân mỗi khi tết về, hoặc khi hè đến rải thóc lúa sân sau gọi bầy gà về nhặt, lúc nâng nhẹ chiếc bình tưới rưới giọt mát lành lên những luống rau xanh…lúc nào cũng có hình ảnh một già một trẻ cùng trôi qua ngày tháng của tuổi thần tiên pha màu sương khói, bảng lảng góc quê nhà ôm vào lòng những yêu thương đơn sơ, bình dị.
Nguyễn Hồng Vân