Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Sương sâm nước là cách gọi cây dành dành của bọn trẻ quê tôi hàng chục năm về trước. Quê tôi là một vùng nông thôn nghèo sông nước. Dành dành là một loại cây bụi cao chừng một đến hai thước, mọc hoang dại trên bờ rạch.
Nó hoàn toàn khác với sương sâm, một loại dây leo được người ta trồng lấy lá vò làm thức uống mà chắc ai cũng biết. Sở dĩ, chúng tôi gọi dành dành là sương sâm nước vì lá dành dành vò ra có màu xanh, để đông đặc đem uống mát ruột giống như lá sương sâm.
Nhìn chung, hồi đó bọn trẻ quê tôi khổ lắm, vì đa phần là con em nông dân nghèo khó. Nhưng có lẽ khổ nhất vẫn là anh chị em chúng tôi- mồ côi mẹ khi vừa lên năm, lên bảy. Cha tôi, không một tấc đất sản xuất, để nuôi các con nhỏ dại, ban ngày ông bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, bán cả thân cho mưa gió, nắng nôi, miệt mài làm lụng trên ruộng đồng của người khác.
Tối, khuya, sớm, cha lặn lội sương gió lạnh lùng đi soi nhái, giăng lưới, cắm câu, đặt lờ… chỉ để kiếm thêm chút đạm cho mấy đứa con đang có nguy cơ suy dinh dưỡng. Nhà bên bờ rạch, hằng ngày theo cha ra đồng, anh em chúng tôi sớm thích nghi với cuộc sống.
Mới lên tám, lên mười đứa nào cũng ngụp lặn dưới sông rạch như rái cá; chèo chống xuồng ba lá rẽ nước băng băng như những tay đua thuyền chuyên nghiệp. Săn chuột, bắt cá, leo cây, hái rau, hái trái, chúng tôi cũng thành thạo như những con cú, con cò, con sóc…
Hồi đó, đối với chúng tôi, các loại trái cây như nhãn, nho, cam, quýt, bưởi, măng cụt, sầu riêng… đều thuộc hàng quý hiếm, chỉ có nằm mơ mới thấy được. Ngay cả thức uống như sương sâm rẻ rề ngày nay thì hồi ấy chúng tôi cũng không dễ có.
Còn may mắn cho lũ trẻ quê tôi, thiên nhiên đã ban tặng chúng tôi nhiều thứ. Trái cây thì có bình bát, cà na, trâm móc, trâm sắn, trâm ổi, mua… Thức uống đã có dành dành thay sương sâm.
Xưa kia, trên bờ các con rạch quê tôi dành dành mọc nhiều lắm, mọc tự nhiên không ai trồng, cũng chẳng ai giữ gìn. Người nào có nhu cầu cứ hái, hái bao nhiêu cũng được, chẳng ai rầy la. Tôi không còn nhớ nhà mình bắt đầu biết uống lá dành dành từ khi nào, chỉ nhớ là hồi đó tôi còn nhỏ lắm đã thấy ba tôi đi hái lá dành dành rồi.
Lớn lên một tí, anh em tôi lãnh lấy công việc hái lá dành dành. Thường thường cứ vào khoảng xế chiều, nhất là vào mùa hè thời tiết oi bức, chị Hai lại kêu tôi và anh kế tôi đi hái lá dành dành về cho chị vò, để tối uống cho mát bụng dễ ngủ.
Vâng lời chị, anh em tôi đội nón lá cời, tay xách dầm tre ra bến, xuống xuồng. Ðứa ngồi mũi, đứa ngồi lái, hai cái dầm tre trên tay hai đứa bé khuấy động nước, đưa chiếc xuồng ba lá vào sâu trong con rạch nhỏ, nơi có những bụi dành dành tươi tốt đang vươn cành, khoe lá, nở hoa chờ đón. Hoa dành dành có sáu cánh màu trắng tinh, xoè ra sáu hướng đều nhau, chính giữa hoa là nhuỵ vàng rất đẹp.
Nhưng đẹp mà làm gì, đối với chúng tôi ngày ấy chỉ cần lá của nó mà thôi. Không phải lá dành dành nào cũng hái được mà đó phải là loại lá không quá non mới nhú ra trên đọt, cũng không được quá già (sẽ cứng). Phải chọn thứ lá dày dày, xanh mướt, đầy nhựa sống, như vậy mới mềm dễ vò, có nhiều bột, nhiều nước.
Mê hái lá, không ít lần anh em tôi làm mồi cho đỉa, vắt cắn no nê; rồi bọn kiến nhọt, ong lá cũng rình rình đót cho đau điếng. Ðau một chút, nổi lên cái mận đỏ trên da rồi cũng hết nên anh em tôi cũng không ngán. Hái lá thì cứ hái. Khi độ chừng đủ dùng, chúng tôi mới ngưng hái và chèo xuồng trở về. Lúc này, trời cũng đã dịu mát, anh em tôi ngửa nón lá ra bưng lá dành dành lên nhà.
Cơm chiều xong, chị Hai tôi đem lá dành dành ra sàn nước rửa cho sạch. Rồi chị lấy thau, lên bộ ván cũ ngồi vò. Trong lúc chị Hai vò lá, anh em tôi mỗi đứa một cái muỗng canh ngồi nạo mực nang (mai mực). Lá dành dành muốn cô đặc phải có chất xúc tác là mực nang.
Khi chị Hai vò lá xong, anh em tôi cũng xong việc. Cho mực nang vào thau dành dành đã vò xong có nước sền sệt, rồi lại cho hỗn hợp lá dành dành, mực nang vào khăn lược (loại vải mỏng) vắt bỏ xác, lấy nước đổ vào một cái thau sạch.
Vắt xong, chị Hai tôi bưng thau nước dành dành ra phơi sương đêm. Hơn một giờ sau, nước dành dành đặc quánh y như sương sâm. Khoảng tám, chín giờ đêm, chị bưng thau dành dành vào nhà lấy dao rạch ra rồi múc vào tô, vào chén bỏ đường vô cho mọi người cùng ăn.
Cả nhà vui vẻ thưởng thức món quà quê do thiên nhiên ban tặng, sau đó thì ngủ ngon lành. Cứ vài ba hôm, anh chị em tôi lại cùng nhau chế biến món sương sâm nước mà dùng như thế.
Thời gian dần dần trôi, anh chị em tôi trưởng thành, ai cũng bận rộn lo toan cho cuộc sống, chẳng mấy khi có dịp sum họp để cùng nhau thưởng thức sương sâm nước như ngày còn thơ dại. Vừa qua, tôi một mình chèo xuồng trên những dòng rạch để tìm lại ký ức tuổi thơ.
Thật may mắn, trên dòng rạch nhỏ ngày nào giờ vẫn còn sót lại vài bụi dành dành tuy chúng khá nhỏ, cành lá lại cằn cỗi. Về lại mái nhà xưa hỏi chị Hai, anh Ba giờ có ai hái lá dành dành về uống như mình hồi nhỏ không, chị và anh tôi đều cười- trẻ em cũng như người lớn bây giờ ai thèm uống lá dành dành nữa. Nghe nói, những năm gần đây, các nhà “kiểng học” tìm cây dành dành bứng về trồng làm kiểng, còn các thầy lang cũng tìm cây dành dành để về chế biến thuốc Nam.
T.L