Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ tết quê thời bao cấp
Thứ bảy: 22:06 ngày 13/02/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gần nửa thế kỷ trôi qua sau ngày đất nước thống nhất, cả nước nói chung và Tây Ninh nói riêng có rất nhiều đổi mới, tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội đều có sự phát triển vượt bậc.

Đi xe đò thời bao cấp (sưu tầm trên internet)

Cuộc sống mọi người, mọi nhà đã khác xa thời trước đây- không chỉ ăn no mà còn ăn ngon, không chỉ mặc ấm mà còn mặc đẹp. Đón tết ngày nay- chuyện bánh mứt, thịt thà, hoa trái; chuyện giải trí vui chơi; chuyện đi lại thăm viếng, chúc tết... thật đủ đầy, phong phú, thuận tiện. Không chỉ những hộ khá giả mới hưởng cái tết đầy đủ mà những hộ nghèo cũng được Nhà nước, cộng đồng xã hội cùng hỗ trợ, chăm lo, chẳng thiếu thốn gì trong những ngày tết.

Tuy vậy, hằng năm, khi tiết trời se lạnh, gió bấc từng đợt ùa về, mọi người, mọi nhà tất bật chuẩn bị đón mùa xuân mới thì trong lòng tôi và có lẽ với nhiều người lớn tuổi khác luôn nhớ lại chuyện lo đón tết trong một thời đất nước gặp nhiều gian khó sau chiến tranh- đó là thời bao cấp.

Thời bao cấp ở miền Nam diễn ra từ sau ngày thống nhất đất nước cho đến khoảng năm 1986. Sau đó, đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, kinh tế khôi phục dần, cơ chế bao cấp cũng dần chìm vào quá khứ. Đây là giai đoạn khó khăn nhất, thiếu thốn nhất mà kể ra có lẽ giới trẻ bây giờ không tin là có thật. Lúc đó, ngành kinh tế thương nghiệp tư nhân không còn, hàng hoá được phân phối tới người dân theo chế độ tem phiếu, do Nhà nước điều hành, phân phối.

Việc phân phối lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác được định mức dựa theo nhân khẩu, hộ khẩu. Mặt hàng thiết yếu nhất là gạo, mỗi hộ khẩu có một sổ gạo, trong đó ấn định số lượng gạo được mua theo định mức từng nhân khẩu, tuỳ theo công việc- lao động gián tiếp được 13kg gạo/tháng, lao động bình thường 16kg/tháng, còn công nhân lao động nặng được 19kg hoặc 21kg/tháng.

Do đất nước trải qua một thời gian dài trong chiến tranh nên khi mới thống nhất, hàng hoá các loại đều rất khan hiếm, hầu hết chỉ mua được qua tem phiếu tại các cửa hàng thương nghiệp. Còn ngành thương nghiệp có gì bán nấy, có bao nhiêu bán bấy nhiêu, có khi xếp hàng cả ngày, đến lượt mình thì không còn hàng nữa, phải về tay không. Để bảo đảm công bằng, mọi người phải xếp hàng khi mua, ai đến trước xếp hàng trước và được mua trước. Từ đó khắp nơi hình thành “văn hoá xếp hàng”- từ những cửa hàng bán lương thực, thực phẩm, chất đốt, hàng tiêu dùng cho đến các quán ăn, quán giải khát, bến xe...

Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, qua lời “rủ rê” của một vài người bạn cũ, ba tôi rời căn nhà ở huyện Hoà Thành đến khu vực đồi 82, thuộc xã Tân Phong, huyện Tân Biên xin cấp đất sản xuất. Lúc bấy giờ, đồi 82 còn phủ kín cây rừng, lan ra đến cạnh quốc lộ 22B. Khu vực này thời ấy còn rất hoang vu, chẳng có được mấy căn nhà nên chính quyền địa phương sẵn sàng cấp đất cho người dân muốn đến đây định cư để phát triển sản xuất.

Nhà tôi được cấp một thửa đất rừng ven chân đồi, từ quốc lộ 22B đi vào gần hai cây số, bề ngang được 50m, còn bề sâu không quy định, có sức khai khẩn đến đâu làm đến đó. May mắn là trong cụm rừng nhà tôi được cấp, có một căn nhà của bộ đội để lại khi ra thành tiếp quản, chúng tôi chỉ cần dọn sơ sơ là có chỗ ở tạm.

Trước ngày giải phóng, trong khu rừng đồi 82 có một căn cứ bộ đội đóng quân nên vẫn còn rải rác một số căn nhà cũ. Giai đoạn đầu, khi khai hoang đất để làm rẫy, gia đình tôi phải tự túc tất cả vì không thuộc diện di dân đi vùng kinh tế mới, nên không có chính sách hỗ trợ.

Qua vài năm như vậy, cuộc sống gia đình tôi tạm ổn, tuy vẫn phải ăn độn khoai củ hằng ngày. Thế là sau ngày đất nước thống nhất, gia đình tôi bắt đầu làm quen với công việc nhà nông, sinh hoạt kiểu nông dân, hưởng không khí nông thôn và đón những cái tết ở vùng quê hẻo lánh này trong suốt thời bao cấp.

Mua hàng tết thời bao cấp (sưu tầm trên internet)

Tết đến, ngành thương nghiệp ở các địa phương cũng tất bật lo nguồn hàng thiết yếu để phân phối cho người dân ăn tết. Thế nhưng do hàng hoá thiếu thốn, mỗi hộ chỉ được mua phân phối một ít thịt heo, gạo nếp, đường, bột ngọt, dầu ăn, bánh mứt, trà, dầu lửa... và có cả một vài phong pháo nữa (thời ấy nước ta chưa cấm đốt pháo).

Cũng như mọi nhà trong xóm, những ngày cận tết, gia đình tôi “lên lịch” phân công người đến cửa hàng thương nghiệp xã xếp hàng để mua hàng phân phối tết. Người đi xếp hàng phải cất giữ tem phiếu kỹ lưỡng, bởi mất nó thì chẳng thể mua được mặt hàng nào, đồng nghĩa là chẳng có cái gì ăn tết.

Chuyện đi đứng cũng chẳng thuận lợi chút nào, muốn đến cửa hàng, chúng tôi phải thức dậy thật sớm, cuốc bộ hoặc đẩy xe đạp theo lối mòn ven rừng gần 2 cây số mới đến quốc lộ, đi thêm hơn cây số nữa mới đến cửa hàng ở xã, khẩn trương vào xếp hàng dù lúc đó quầy phân phối chưa mở cửa.

Có những người lớn tuổi đứng xếp hàng lâu quá mệt mỏi, muốn ngồi nghỉ chốc lát nhưng không dám, sợ bị người khác chiếm mất chỗ, phải xếp hàng lại. Thế là nhiều người có “sáng kiến” đặt viên gạch hoặc chiếc dép tại vị trí mình đứng để đánh dấu, rồi kiếm chỗ ngồi nghỉ, đến khi quầy thương nghiệp mở cửa bán thì trở lại đứng vào vị trí vật đánh dấu.

Lâu dần, việc đánh dấu xếp hàng bằng viên gạch, chiếc dép trở thành “quy ước” chung, thấy viên gạch ai cũng hiểu là có người đứng tại đó. Nhưng từ đó, nhiều nơi phát sinh ra nạn “bán chỗ” xếp hàng- đặc biệt là ở các bến xe bởi ở nơi đây số lượng người xếp hàng mua vé là đông nhất.

Một số người “ăn không ngồi rồi”, đến các bến xe thật sớm, đặt nhiều viên gạch vào hàng, ai đến muộn mà muốn có vé sớm thì “mua chỗ” xếp hàng, người “bán” chỉ cần lấy viên gạch cho người “mua” đứng vào vị trí đó và thu số tiền theo thoả thuận.

Riêng vùng quê nhà tôi ở, ngày tết, ngoài một số nhu yếu phẩm mua từ cửa hàng thương nghiệp bằng tem phiếu, còn có thêm một số mặt hàng do bà con chòm xóm “tự túc tự cấp”, trao đổi hoặc chia lại cho nhau để ăn tết.

Nhà nào có nuôi heo- thường cũng chỉ được vài ba con chứ không nhiều, sau khi xuất chuồng bán cho thương nghiệp, để dành lại con đẹt đẹt làm thịt chia cho chòm xóm về gói bánh ăn tết. Nhà có nuôi gà thì chừa ít con, vừa để ăn, vừa để đổi lấy thịt heo, đậu xanh.

Nhà trồng đậu xanh thì để dành ít ký chia hoặc đổi lấy thứ khác về lo tết... Có năm chia được miếng thịt đầu heo, ba tôi mừng lắm, làm giò thủ để dành ăn trong mấy ngày tết. Tôi còn nhớ thời ấy ba tôi làm giò thủ gói trong mo cau, bó hai đầu rồi ép thật chặt, treo giàn bếp mấy ngày mà không bị hư, lại có hương vị rất đặc biệt.

Riêng chuyện trái cây, bông hoa dùng để chưng tết, nhà nào trong xóm tôi cũng có trồng- nhà thì vài cây dừa, nhà vài cây xoài, nhà cây đu đủ, cây mãng cầu... và cũng có không ít nhà trồng vài luống bông cúc, vạn thọ. Tết đến mọi người chia sẻ cho nhau, từ đó mâm ngũ quả chưng tết hằng năm nhà nào cũng có “cầu (mãng cầu) vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (xoài)” cho vui nhà vui cửa.

Tem phiếu thời bao cấp (sưu tầm trên internet)

Đám trẻ con xóm tôi chẳng cần biết thiếu đủ gì, tết đến là vui rồi. Trong thời bao cấp, chỉ ở những nơi thuộc thị trấn, thị tứ mới có điểm vui chơi phục vụ tết, còn vùng nông thôn như xóm tôi thì chẳng hề có gì. Muốn có chỗ vui chơi phải đi khá xa- có khi cả chục cây số, xe đạp thì hiếm, đường thì rất xấu, nên trẻ con trong xóm tự tụ họp bày chuyện vui chơi trong những ngày tết.

Vui nhất là trò tự làm lân, múa lân. Những ngày cận tết, đám trẻ trong xóm quây quần lại, lấy mấy cái thúng đựng lúa dán giấy lên, lấy viết hoặc than vẽ mắt mũi làm đầu lân. Đuôi lân thì đã có mấy cái khăn rằn hoặc vải mủ che mưa.

Trống thì bằng can nhựa đánh nghe ùm ụp, kèm theo tiếng chập chã xèng xèng từ hai nắp vung, khi “hoà tấu” lên nghe cũng hết sức rôm rả. Sau mấy ngày tất bật, đội lân hình thành, đứa đội thúng, đứa vũ đuôi, đứa đánh trống, đứa đập chập chã... cùng nhau múa từ nhà ra ruộng, hết chỗ này sang chỗ khác, trông giống “lân thiệt” ra phết.

Đội lân không chỉ làm đám trẻ con phấn khích mà còn thu hút không ít người lớn tham gia, cùng vỗ tay theo nhịp trống, làm không khí xóm tôi “vui như tết”. Còn nhóm thanh niên trong xóm thì sinh hoạt theo kiểu người lớn hơn.

Do trong nhóm này có một số thanh niên tham gia hoạt động ngoài xã nên cũng tổ chức được mấy trò vui. Ấn tượng nhất là hình thành một đội văn nghệ nghiệp dư- đàn thì có mấy cây guitar, trống có can xăng cũ (bằng kim loại), vài cây sáo trúc...

Còn ca sĩ thì đầy, hay dở gì cũng hát, miễn vui là được. Từ đêm giao thừa, nhóm văn nghệ bắt đầu tập trung tại nhà trưởng nhóm, cùng nhau uống trà- có khi là chút rượu, rồi đàn hát vui vẻ. Sau đó nhóm văn nghệ di chuyển từ nhà này sang nhà khác, có khi giao lưu với xóm khác để giúp vui, nhà nào có gì đãi nấy, cho đến hết tết mới giải tán. Nhờ vậy, dù ngày tết xóm nhà tôi chẳng có điểm vui chơi nhưng không khí lúc nào cũng rôm rả.

Riêng tôi, thời bao cấp luôn sống xa nhà nhưng tết năm nào cũng tranh thủ về quê sum họp với gia đình. Những năm đầu sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đi học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy chỉ cách 100 cây số nhưng chuyện đi lại thời ấy rất khó khăn, ngày thường đã cực, ngày cận tết càng cực hơn bởi người đi xe nhiều hơn, xếp hàng lâu hơn.

Để về đến thị xã Tây Ninh, tôi ra bến xe từ rất sớm xếp hàng. Tại quầy bán vé xe thời ấy, có nhiều cửa ưu tiên- từ cán bộ đi công tác có công lệnh cho đến người dân thường. Dạng sinh viên có giấy đi đường do trường cấp như tôi chỉ thuộc loại làng nhàng nên có khi xếp hàng cả buổi trời mới mua được vé xe.

Rồi có khi cả buổi kể từ khi lên xe mới về tới thị xã Tây Ninh bởi dọc đường còn phải xuống xe đi bộ qua trạm kiểm soát Suối Sâu, ngồi chờ kiểm tra hàng hoá trên xe, lúc nhiều xe hoặc xe có “hàng lậu”, phải chờ mấy tiếng đồng hồ.

Về đến thị xã Tây Ninh, tôi còn phải chen lấn để lên chiếc xe khách chạy bằng than (do xăng dầu khan hiếm) để về Tân Biên, sau đó cuốc bộ gần 2 cây số theo đường mòn ven rừng mới về đến nhà. Chuyện đi xe từ Thị xã về nhà cũng là cực hình, bởi xe ít người đông, chủ xe nhồi nhét đầy cứng người, chẳng những ngồi trong thùng xe, đứng ngoài bửng phía sau xe mà còn ngồi cả trên mui xe.

Con đường từ Thị xã về Tân Biên lúc đó chưa láng nhựa, mặt đường hư hỏng nặng, hang ổ lồi lõm, xe chạy nghiêng bên này ngả bên kia, ngồi trên mui xe cứ như ngồi trên võng, đu đưa phát khiếp. Còn những người đứng ở bửng phía sau xe cũng chẳng sướng gì hơn, bởi than chứa trong bình cháy phả hơi nóng hừng hực ra chung quanh, táp vào người nóng rát, thỉnh thoảng vài tia lửa than thoát ra bắn tung toé. Thế nhưng thời ấy có xe để về nhà đã là mừng rồi, còn hơn ngồi chờ xe kế biết có lên được không, nên chẳng ai than phiền.

Sau khi tôi ra trường đi dạy học, chuyện đi về nhà trong dịp tết càng gian nan hơn, chỉ cách nhau có hơn 400 cây số nhưng thường phải mất đến 3 ngày. Ngày đầu tiên tôi từ trường trong huyện ra thị xã Cà Mau, tuy có công lệnh nhưng cũng phải ngủ lại đây một đêm để đăng ký vé xe, hôm sau mới có.

Ngày thứ hai từ Cà Mau về Thành phố Hồ Chí Minh, có khi gần nửa đêm mới đến, bởi phải qua 2 phà Cần Thơ và Bắc Mỹ Thuận, cùng nhiều trạm kiểm soát, trong đó có 2 trạm gắt gao có tiếng là Bạc Liêu và Tân Hương (tỉnh Long An).

Có năm, tôi mua vài lít mật ong rừng U Minh về làm quà cho nhà bởi mật ong xứ này có tiếng là tốt, nhưng phải về tay không vì mật ong bị trạm kiểm soát “tịch thu” do không có giấy cho phép “vận chuyển”. Ngày thứ ba tôi mới về đến nhà sau khi xếp hàng mấy tiếng đồng hồ ở bến xe và chen lấn trên xe than nóng hực. Quả là rất gian nan khi muốn hưởng không khí tết tại gia đình trong thời bao cấp, nhưng dần cũng quen.

Đêm giao thừa, tất cả người trong gia đình tôi tập trung lại bên cây đèn dầu lớn, cùng nhau uống trà ăn bánh mứt, thăm hỏi công việc trong năm. Gia đình tôi có nhiều anh em, làm việc nhiều nơi, dù ở gần hay ở xa, ngày tết cũng về ăn tết cùng cha mẹ.

Ngày tết có lẽ là ngày gia đình tôi tập trung về đông đủ nhất, những lúc ấy ánh mắt cha mẹ tôi luôn chứa chan hạnh phúc cho dù cuộc sống quanh năm rất nhọc nhằn, thiếu thốn. Đến thời khắc giao thừa, khi tiếng pháo khắp mọi nơi vang vọng, cha tôi mặc áo dài truyền thống, nghiêm trang ra bàn Thiên trước sân thắp nhang cúng vái, sau đó vào bàn thờ ông bà thắp nhang cầu mong gia đạo bình an, con cháu khoẻ mạnh.

Còn chúng tôi đem mấy phong pháo mua được ở cửa hàng ra trước nhà đốt, lửa cùng xác pháo đỏ rực văng tứ tung, đánh dấu một mùa xuân mới lại đến tại vùng quê này. Tiếng pháo vang lên hoà lẫn với làn gió xuân man mác, khiến không khí tết tràn ngập ngôi nhà lợp tranh vách bồ đơn sơ của chúng tôi.

Những năm sau này, khi cha mẹ tôi tuổi già sức yếu, gia đình tôi trở về thành phố Tây Ninh sinh sống. Vùng nông thôn hẻo lánh mà chúng tôi từng sống trong thời bao cấp ấy nay đã thay đổi rất nhiều, có chỗ không còn nhận ra.

Con đường mòn ven rừng đi từ quốc lộ 22B vào nhà cũ ngày nào, nay đã được mở rộng, láng nhựa, xe cộ chạy bon bon. Nhà cửa hai bên đường được xây dựng khang trang, tất cả đều lên tường, có điện lưới quốc gia thắp sáng trong ngoài. Ngày tết đến, trẻ con, thanh niên vùng này lên đồ bảnh bao, ngồi xe mô tô đi chơi khắp nơi.

Từ ấp, xã đến huyện đều có điểm vui chơi tết, không khí luôn tưng bừng náo nhiệt. Hàng hoá phục vụ tết thì đầy, chợ nào cũng có, mua bao nhiêu cũng có, chẳng cần tem phiếu mà cũng không phải cực nhọc xếp hàng từ khuya.

Con cháu ở bất cứ nơi nào trong nước- thậm chí ở cả nước ngoài, muốn về ăn tết cùng ông bà cha mẹ đều có đủ phương tiện hiện đại- từ xe khách giường nằm máy lạnh đến máy bay, đi lại nhanh chóng, thoải mái, thuận tiện.

Nhìn vào thực tế hiện nay, giới trẻ xóm cũ của tôi bây giờ không thể nào hình dung được hơn 30 năm trước mọi người ở đây đón tết như thế nào. Chuyện người người đi bộ mấy cây số đến xã đứng xếp hàng để mua nhu yếu phẩm về lo tết, chuyện cả xóm xúm xít quanh con heo mới mổ để chia sẻ cho nhau về gói bánh, chuyện những đứa trẻ đen đúa nhễ nhại mồ hôi tíu tít bên chiếc thúng đựng lúa say sưa làm đầu lân, chuyện người ở xa chen chúc nhau trên những chiếc xe cà tàng chạy trên con đường lồi lõm để về sum họp với gia đình trong những ngày tết... nay đã là chuyện quá khứ.

Những năm sau này, tuy không còn ở vùng quê đồi 82 nữa, nhưng năm nào khi chuẩn bị đón xuân, tôi cũng trở về xóm cũ để thăm vài người hàng xóm năm xưa, cùng nhau nhắc lại một thời bao cấp gian khó nhưng thấm đẫm nghĩa tình chòm xóm, sẵn sàng chia sẻ nhau từng lon nếp, miếng thịt để cùng vui đón tết cổ truyền.

S.T

Tin liên quan