Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo biên giới Bến Cầu. Thuở nhỏ, ngoài giờ đến trường học, tôi còn phải ra đồng chăn bò, chăn trâu phụ gia đình.
Những ngày chủ nhật, tôi thường theo cha ra đồng bưng mót củi tràm hay đánh xe bò lên rừng Nhum mót củi khô về để mẹ nấu cơm và làm bánh bò.
Ngày nào cũng vậy, độ chừng hai giờ sáng, mẹ tôi thức dậy vừa lo nhóm lửa làm bánh bò, vừa nấu cơm để cha con tôi lót dạ và đem theo đi mót củi.
Từ nhà đến rừng gần hai mươi cây số, đường mòn gập ghềnh loang lổ. Hai bên đường là đồng cỏ dại mênh mông hoang vắng, mùa nắng khô cằn.
Khi đến nơi, trời cũng vừa tờ mờ sáng, tôi lo cột bò, cha tôi quan sát xung quanh, tìm kiếm xem chỗ có củi khô nhiều để vào chặt. Sau khi chặt, ước lượng số củi gần chừng nửa xe bò thì cha con tôi chất lên xe, đôi bò lọc cọc kéo về nhà.
Tôi còn nhớ, mỗi lần cha tôi đi tìm củi khô xung quanh cụm rừng, có mấy người đàn ông tầm tuổi cha đi theo con đường mòn từ trong rừng ra, cùng cha ngồi hút thuốc rê, chuyện trò rù rì.
Cha tôi còn đưa cho mấy người đó gói giấy nhỏ được xếp kỹ càng, lấy trong bọc thuốc rê. Có lần, tôi tò mò hỏi cha sao trong rừng sâu lại có người sống và đến nói chuyện với cha. Cha tôi bảo đó là mấy ông nhà ở dưới chợ Cầu làm ruộng ở rừng.
Từ năm 1968 đến năm 1975, vùng quê nơi tôi sống thường xảy ra bom đạn, đa số người dân xóm tôi phải di dời nơi ở. Cha tôi không đi đâu cả, cố ở lại bám đất, giữ nhà. Cũng nhờ bám trụ lại, cha tôi mới dễ dàng vào rừng Nhum đưa thư hay gặp những người mà về sau tôi biết là các chú bộ đội.
Thời điểm đó, có những đêm khuya khoắt, trời tối om, những người ở trong rừng lại có mặt tại nhà tôi trong giây lát. Có khi cha gửi cho họ bồng gạo, có khi là bịch đường sữa.
Một ngày đầu xuân năm 1972, cha tôi đi Gò Dầu thăm bà con. Khi vừa qua khỏi cầu Gò Dầu, một tên cảnh sát nguỵ Sài Gòn đã chặn xe và nói cha tôi chứa chấp cộng sản, rồi bắt trói cha về Chi khu Gò Dầu.
Hơn 1 tuần lễ bị chúng đánh đập tra tấn, vẫn không moi được tin tức gì ở cha tôi. Cuối cùng, chúng thả cha tôi về. Sau ngày giải phóng, tại một cuộc họp công chúng ở xã nhà, chính quyền địa phương công bố gia đình tôi là gia đình có công với cách mạng.
Con đường đi mót củi của tôi với cha ngày xưa giờ đã là đường nhựa phẳng phiu, xe chạy bon bon. Cánh đồng khô cằn, cỏ cháy ngày xưa, nay được người dân quê tôi cần cù lao động, đổ bao giọt mồ hôi để biến thành vùng đất màu mỡ, phủ một màu xanh mía, mì, cao su.
Còn rừng Nhum bây giờ đã trở thành di tích lịch sử văn hoá Căn cứ rừng Nhum. Cha tôi qua phần đã lâu. Mỗi khi đi ngang con đường mòn mót củi, tôi lại nhớ về hình bóng cha trên chiếc xe bò lọc cọc ngày xưa ấy.
THUỲ DUNG