Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhớ về chiến thắng Tua Hai
Thứ năm: 08:04 ngày 25/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tua Hai đã trở thành phát pháo lệnh cho miền Nam chiến đấu, để 15 năm sau tiến tới thắng lợi hoàn toàn.

Phù điêu Chiến thắng Tua Hai.

Nhớ! Có lần chứng kiến tập thể thầy cô giáo và học sinh của một trường học từ TP. Hồ Chí Minh lên thăm di tích Chiến thắng Tua Hai, khu di tích trở nên bừng sáng bởi màu áo của học sinh; những gương mặt trẻ rạng ngời tươi tắn; cảnh các thầy cô chụp ảnh cho các em học sinh trước mỗi tượng đài... Sau chuyến đi ấy, bạn học sinh nào cũng có vài tấm ảnh lớp mình làm kỷ niệm. Khi giở lại xem, rồi các bạn sẽ nhớ về khu di tích, nhớ đến lời của người thuyết minh kể về chiến thắng Tua Hai, mở màn cho các cuộc đồng khởi vũ trang của toàn miền Nam.

Nói như Đại tướng Mai Chí Thọ trong cuộc hội thảo khoa học cuối năm 1999 là: “Trận tập kích Tua Hai không phải là một trận đánh lớn nhưng có ý nghĩa chính trị, lịch sử trọng đại vượt rất xa tầm vóc và kích cỡ của bản thân nó. Đây là phát pháo hiệu sáng ngời, vang dội của Nghị quyết 15, của đồng khởi, đánh dấu một bước ngoặt quyết định trong lịch sử chống Mỹ và tay sai của cách mạng miền Nam. Chúng ta từ thế thoái trào, bị động, bế tắc, đã lật ngược thế cờ, bừng bừng khí thế, chủ động tấn công. Kẻ thù ngỡ ngàng lo sợ, nhân dân cả nước vui mừng…”.

Tôi cũng đang xem lại ảnh đây! Để bây giờ mới nhận ra bức phù điêu hoành tráng trên sân lễ thật đẹp. Toàn bộ khối hình như dáng một con tàu đang lao tới. Phía mũi tàu lại có các đường vát dốc lên, cho ta liên tưởng đến dáng núi Bà Đen.

Giữa 2 đường viền màu trắng, dưới và trên, là phần phù điêu ngời sáng màu đồng. Phần tâm điểm của cuộc chiến đấu được tái hiện, sinh động trên từng dáng người, gương mặt. Hai phía đầu và cuối không có đường viền, như để người xem tự hình dung về những góc khuất khác của cuộc chiến. Cũng như ý tưởng, đây chỉ là trận mở đầu, và cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn.

Thật là biết ơn các anh chị quá! Những hoạ sĩ trong Tổ Mỹ thuật của Hội Văn học Nghệ thuật, đứng đầu là ông Nguyễn Ngọc Thừa (tức Ba Trắng). Các anh đã kịp để lại cho Tây Ninh một tác phẩm “để đời” về Chiến thắng Tua Hai.

Phù điêu cho thấy một cảnh tượng hào hùng người người lớp lớp xông lên. Phần giữa có những tên lính quỳ xuống cúi đầu sợ hãi. Nhìn kỹ hơn, sẽ thấy các chiến sĩ Tua Hai ngày ấy, nhiều người còn “đầu trần chân đất”, có anh đã kịp khoác lên vai nhiều cây súng địch.

Đặc biệt là trong các nhân vật của phù điêu, có cả phụ nữ nón lá, khăn rằn. Trên tay một chị ở nhóm tượng đầu tiên bên phải, tay phải giương cao súng, tay trái ôm theo 3 cây súng chiến lợi phẩm. Đây chính là hình tượng những dân công Tây Ninh có mặt trong đêm tấn công căn cứ Tua Hai. Ngắm kỹ từng gương mặt tượng, ta thấy tạo hình mỗi người mỗi khác.

Có gương mặt trầm tư của người chỉ huy, nhiều gương mặt hân hoan cho thấy một khí thế mới tưng bừng. Có cả súng, những cánh tay vung dao, mà chỉ ít lâu sau đã được tái hiện trong bài ca truyền thống của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam: “Cầm dao, ôm súng xông tới/ Vận nước đã tới rồi/ Bình minh chiếu khắp nơi…”.

Nhóm hoạ sĩ Tây Ninh đã thành công trong bức phù điêu ấy không chỉ nhờ nghệ thuật tạo hình thật sắc sảo và sinh động, mà còn vì đã mô tả đúng những gì đã diễn ra trong Chiến thắng Tua Hai. Đấy là bên cạnh lực lượng vũ trang của Miền, còn có sự góp sức góp công của 300 dân công hai huyện Châu Thành và Dương Minh Châu, trong đó có các chị em phụ nữ, phần nào nêu bật được yếu tố lòng dân trong Chiến thắng Tua Hai. Yếu tố này chưa được bàn sâu qua các cuộc hội thảo khoa học (năm 1999 và 2020). Tuy vậy, có thể rút ra từ chính các bài tham luận của các vị chỉ huy tham gia trận đánh, hoặc các nhà nghiên cứu.

Phỏng vấn nhân chứng lịch sử.

Nhớ về Chiến thắng Tua Hai, hãy cùng nhau xem lại bối cảnh của lòng dân trước ngày 20.1.1960. Giai đoạn 1954-1960 ở miền Nam, thường được gọi là “chiến tranh một phía”. Tức là trong khi phía cách mạng nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Genève, thì phía địch tăng cường đàn áp, khủng bố những người kháng chiến. Trong bài tham luận tại Hội thảo khoa học năm 1999, ông Nguyễn Văn Hải (Bảy Hải)- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh viết: “Từ những năm 1957-1958, Mỹ - Diệm đã phát xít hoá chế độ cai trị ở miền Nam.

Ở Tây Ninh hàng loạt cán bộ và đảng viên tiếp tục bị bắt, bị giết. Chúng cấm nhân dân không được “tùng tam, tụ ngũ”, không được phép hai người cùng ngồi uống trà, cấm mang theo bất cứ loại dụng cụ nào có thể dùng làm vũ khí…”. Trong bối cảnh ấy, người dân ở Trảng Cỏ (Lộc Hưng, Trảng Bàng) đã tự phát làm “khởi nghĩa Trảng Cỏ” với mục đích giành lấy và xây dựng chính quyền ở ấp mình. Nhưng sau đó đã bị địch đàn áp thẳng tay. Sách “Chiến thắng Tua Hai” (Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh, 1980) có mô tả chi tiết cuộc khởi nghĩa ấy.

Sách “Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ” (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ, 1990) có câu chuyện cảm động về lòng dân Tây Ninh. Đấy là vào ngày Tết Đoan ngọ năm 1959, có má Tư Tiết đem quà bánh vào rừng cho cán bộ, đảng viên “điều lắng” tại rừng Phước Vinh. Má thấy anh em có cái đài chạy bằng pin, liền hỏi: “Bây còn liên lạc với Trung ương, với Bác Hồ nghe được không?”... Má lại hỏi: “Như vậy có nhắn vô đài cho Bác Hồ nghe được không?”. Muốn má vui, anh em trả lời nhắn được. Má tưởng thật và trịnh trọng nói: “Bác Hồ ơi! Dân miền Nam bị Ngô Đình Diệm giết quá nhiều rồi. Bác cho bộ đội về đánh giặc cứu miền Nam…”. Sau câu chuyện này, đã có một lá thư thỉnh nguyện có 150 chữ ký của người dân Phước Vinh được gửi lên Xứ uỷ Nam bộ, nhờ chuyển về Trung ương Đảng.

Đấy là câu chuyện lòng dân, thế còn ý Đảng? Cho đến đầu năm 1959, Trung ương ban hành Nghị quyết 15. Một nghị quyết rất hợp với lòng dân miền Nam lúc ấy. Nói như Đại tướng Mai Chí Thọ là: “Cuối năm 1959, văn bản Nghị quyết 15 mới tới Xứ uỷ Nam bộ. Đời tôi chưa bao giờ thấy một Nghị quyết nào của Đảng lại làm chúng tôi vui sướng đến như thế… Nghị quyết 15 đã giải thoát chúng tôi khỏi tình hình đen tối, bế tắc đó. Sức mạnh hào hùng đầy sáng tạo của nhân dân và lực lượng cách mạng miền Nam đã được giải phóng…”.

Giữa tháng 1.1960, đồng chí Mai Chí Thọ được Xứ uỷ phân công về chiến khu Dương Minh Châu phổ biến Nghị quyết 15 cho “lực lượng vũ trang của Xứ uỷ được bố trí mai phục ở vùng rừng núi chiến lược Đông Nam bộ” (Sđd). Tại đây, Bộ Chỉ huy Miền lên kế hoạch tiến đánh thành Tua Hai- căn cứ của Trung đoàn 32, Sư đoàn 21 Quân đội Sài Gòn. Căn cứ này ở trên đất huyện Châu Thành, cách tỉnh lỵ Tây Ninh 7km.

Bí thư Xứ uỷ Nguyễn Văn Linh trực tiếp phân công: Nguyễn Hữu Xuyến- Trưởng Ban Quân sự Miền làm chỉ huy; Mai Chí Thọ- Bí thư Đảng uỷ Quân sự Miền làm Chính uỷ. Hai đồng chí trong Ban Quân sự Miền là Lê Thanh và Võ Cương làm chỉ huy phó. Lực lượng tham gia gồm một đại đội đặc công, ba đại đội, một trung đội và một tiểu đội gồm 225 cán bộ chiến sĩ và 300 dân công chủ yếu từ huyện Châu Thành.

0 giờ 45 phút ngày 26.1.1960, ta nổ súng tấn công. Chỉ hơn 1 giờ, các mục tiêu đề ra đã hoàn thành. Ta đánh tan rã một trung đoàn, thu 1.200 súng các loại cùng các thiết bị quân dụng khác. 6 tháng sau chiến thắng, hai phần ba số xã ở Tây Ninh được giải phóng. Và trên toàn miền, ngọn lửa vũ trang đồng khởi bốc cao. Cuối năm ấy, ngày 20.12.1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập trên vùng chiến khu Bắc Tây Ninh.

Tua Hai đã trở thành phát pháo lệnh cho miền Nam chiến đấu, để 15 năm sau tiến tới thắng lợi hoàn toàn. Quan trọng hơn, chiến thắng Tua Hai là bài học tuyệt vời về câu chuyện “Ý Đảng, lòng Dân”. Đến nay, bài học ấy chưa bao giờ cũ.

Trần Vũ

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục