Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhớ về đất Tổ
Thứ bảy: 15:40 ngày 29/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Thuở Hùng Vương tìm đất xây thành, thấy vùng địa linh “Sơn chầu thủy tụ” vô cùng đắc địa, tả có sông Hồng đỏ nặng phù sa và sừng sững ngọn Ba Vì hùng vĩ, hữu có sông Lô nước xanh trong lững lờ trôi xuôi và xa xa là ngọn Tam Đảo, bèn chọn núi Nghĩa Lĩnh làm nơi đóng đô.

Đó là vùng núi sông liền dải; có tụ thủy trước mặt, núi dựa hai bên. Phía Tây Bắc là những dãy đồi núi trùng điệp hình như 99 con voi chầu về. Thế núi hình sông thuận lợi cho việc “Tiến khả dĩ thủ" có đâu bằng.

Trước mặt đồng bằng rộng lớn để phát triển nghề nông, giao lưu kinh tế, văn hóa và xây dựng, phòng thủ đất nước và có thể tiến xa, mở rộng bờ cõi cho muôn đời con cháu mai sau. Tầm nhìn xa trông rộng của Vua Hùng để đời đời hậu thế luôn ngước nhìn về đất Tổ trong niềm ngưỡng vọng, tự hào!

Nhớ về đất Tổ

Đền thờ các vua Hùng trên ngọn núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ). Ảnh Internet

Lịch sử Nhà nước Văn Lang gắn với thời đại Hùng Vương dựng nước. Nhiều tư liệu quý hiếm mang đậm bóng dáng lịch sử đã được chép dưới tên gọi “Ngọc Phả Hùng Vương” lưu giữ ở đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương ở vùng đất Phú Thọ.

Dẫu cho lớp bụi thời gian và sự khốc liệt của các cuộc chiến tranh cùng với những biến động xã hội hàng nghìn năm qua, những di sản của ông cha để lại vẫn hiện hữu, thiêng liêng, minh chứng về một Nhà nước, về một thời vàng son trong lịch sử.

Nói đến Phú Thọ là nói đến những dòng sông lớn. Sông Hồng (đoạn này còn gọi là sông Thao), sông Lô và sông Đà hợp lại với nhau ở thành phố Việt Trì gọi là "ngã ba sông". Sông như dải lụa chở nặng phù sa, trầm tích văn hóa; sông của thơ, ca, nhạc, họa, của những chiến công vang dội trời Nam. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết trong bài thơ “Ta đi tới”: “Ai qua Phú Thọ/ Ai xuôi Trung Hà…” với “… Sông Thao nao nức sóng dồi/ Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền” cứ xao xuyến một thời và mãi mãi khi qua miền trung du Việt Bắc.

Phú Thọ có nhiều thắng cảnh nổi tiếng, nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn. Vườn Quốc gia Xuân Sơn, khu du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy, đồi chè Long Cốc, đồi chè Mỹ Thuận, đầm Ao Châu, đầm Vân Hội, thác Mơ… là những thắng cảnh tự nhiên non nước hữu tình của vùng đất Tổ.

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Xuân Sơn được coi là bảo tàng thiên nhiên, đang trở thành điểm đến thú vị. Khung cảnh hoang sơ ẩn mình trong sương trắng của miền gà chín cựa khiến du khách tưởng như đang lạc vào trong câu chuyện kén rể của Vua Hùng. Thật đúng là miền thắng cảnh, nơi hội tụ ngàn mây như chốn “bồng lai tiên cảnh”:

“Em đưa anh đi thăm miền đất Tổ

Nơi Vua Hùng chọn đất đóng đô

99 con voi quay đầu chầu Nghĩa Lĩnh

Vùng đất nơi đây sơn thủy hữu tình”.

Lời ca khúc “Phú Thọ quê em” của nhạc sĩ Trần Hồng Khanh cứ vang lên mỗi khi ta cúi đầu nhớ về nơi đất Tổ, nơi hội tụ các giá trị văn hóa Văn Lang - Âu Lạc gắn với thời đại Hùng Vương.

Nhớ về đất Tổ

Người dân, du khách về trẩy hội đền Hùng ở Phú Thọ. Ảnh Internet

Những trầm tích văn hóa, những đền, đài, miếu, mạo của chốn linh thiêng cứ hiện về như có tiếng “Trống đồng dội tới/ Núi sông dậy sấm anh hùng” (lời GS Vũ Khiêu). Phú Thọ, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa với 323 di tích đã được Nhà nước xếp hạng. Trong đó, Đền Hùng là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Có 5 bảo vật quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận (hát xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương).

Phú Thọ có nền văn hóa rực rỡ lâu đời với nhiều lễ hội văn hóa lung linh sắc màu. Đặc biệt, có những lễ hội đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, độc đáo của người Việt như: Lễ hội Đền Hùng, Lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ, hội Bơi chải Bạch Hạc, hội Xoan Kim Đức..., được kết tinh từ nét đẹp các hội làng vùng đất Tổ. Phú Thọ là nơi có nhiều nghề truyền thống, nhiều món ăn nổi tiếng: bưởi Đoan Hùng, chè Phú Thọ, cá Anh Vũ, hồng Hạc Trì… từng dùng để tiến vua.

Nhớ về đất Tổ

Hát xoan Phú Thọ - 1 trong 2 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Ảnh Internet

Về Phú Thọ, đến thăm ngôi làng có 3 người được lưu danh trong Văn Miếu Quốc Tử Giám, có ngôi trường trên 100 tuổi ở làng “Tiến sĩ” thuộc địa bàn miền núi xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao càng thêm hãnh diện về vùng đất học.

Con người Phú Thọ trọng đạo lý, kiên cường trong chống ngoại xâm, có tinh thần thượng võ, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, sống hòa đồng, thích ứng với thiên nhiên. Họ luôn đề cao tính cộng đồng, quan tâm giúp đỡ người khác, coi trọng tình nghĩa, đoàn kết xóm làng, thôn bản.

Vùng đất Tổ linh thiêng luôn là chỗ dựa vững chắc cho quốc gia, dân tộc để vượt lên can qua thử thách ở nhiều thời kỳ. Sau hơn 131 năm thành lập tỉnh (8/9/1891), nhất là sau Cách mạng tháng Tám và đặc biệt sau 37 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng bộ và Nhân dân Phú Thọ đã đạt những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực KT-XH, QP-AN; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng lên.

Những trầm tích, giá trị, bản sắc văn hóa được kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Nơi đây giờ được xem là cửa ngõ, trung tâm kinh tế liên tỉnh phía Bắc, nằm trong vùng đô thị Hà Nội, hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng nên có nhiều lợi thế để phát triển.

Nhớ về đất Tổ

Một tiết mục trong chương trình khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa đất tổ năm 2023. Ảnh Internet

Phú Thọ, vùng đất Tổ đang trỗi dậy trong hội nhập và phát triển. Người xưa chọn đất dựng đền đài, trao truyền những giá trị văn hóa, mở rộng tầm nhìn; người nay đoàn kết, nỗ lực quyết tâm sáng tạo để “sáng ngời nhân thế” thỏa nguyện tiền nhân. Về đất Tổ hôm nay, cùng lên thuyền xuôi dòng sóng vỗ, ngân nga câu hát giữa trời mây non nước, ta lại được ngắm nhìn những đổi thay của vùng đất hổ lượn rồng bay, núi trăm ngọn chầu về một hướng.

Hà Tĩnh luôn tự hào là nơi xa xưa Kinh Dương Vương chọn đất xây thành để đóng đô vào thời sơ khai. Kinh Dương Vương (cha), Lạc Long Quân (con) và Hùng Vương (cháu), ba thế hệ quân vương kế tiếp nhau lập quốc. Những năm gần đây, ở Hà Tĩnh, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương tại Khu di tích Đại Hùng (thuộc phường Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh) được tiến hành trọng thể, trang nghiêm, thu hút đông đảo người dân và du khách gần xa.

Nhiều hoạt động ý nghĩa cũng được tổ chức như: hội thi gói bánh chưng dâng Quốc Tổ, giới thiệu sản vật quê hương, các hoạt động văn nghệ, thể thao… Tất cả nhằm khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trong niềm tôn kính ngưỡng vọng, Lễ Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương nhắc nhở chúng ta đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, tiếp thêm sức mạnh, giữ vững tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường để xây dựng và bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng mà tổ tiên truyền lại cho giang sơn gấm vóc, rạng danh con Lạc - cháu Hồng.

Nguồn BHT

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục