Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Cơn gió từ đâu chạy ào qua cây bàng làm cho những chiếc lá lao xao lay động. Gió rút chiếc lá già màu vàng úa rời cành bàng, rồi quẳng chiếc lá gạch một đường chéo trên khoảng không rơi dần xuống đất.
1.- Nhỏ Hương này tính đi học hoài hổng đẻ hả ?
- Còn trẻ không vội gì đẻ. “Học, học nữa, học mãi”, tao học theo câu nói của Lê-nin thôi.
Ba đứa học cùng khoá, về trường cùng lúc, Thu Nguyệt lấy chồng trước Lan Hương hai tháng, còn Thu Hồng lấy chồng muộn hơn Lan Hương một tháng. Giờ hai đưa nó bụng cao vượt mặt.
- Nhỏ Hương bây giờ muốn bầu cũng không được nói gì tới đẻ! Câu nói nửa đùa nửa thật của Thu Hồng khiến cả ba cùng cười.
Thạnh - chồng Lan Hương đi học tận ngoài Hà Nội cả năm trời. Khoảng cách xa về không gian và thời gian khiến đôi vợ chồng mới cưới càng thêm nhung nhớ. Một năm! Với họ sao mà dài đăng đẵng. Đêm thiếu gối tay chồng khó ngủ, nằm cứ trở mình hết nghiêng bên trái lại trở mình nghiêng bên phải, Lan Hương trằn trọc mãi… Thiếu một người, cái giường rộng thênh. Trống vắng tràn ngập.
Ở nhà một mình, đi vào đi ra, nhìn cây lại nhớ bóng dáng chồng. Lan Hương nhớ lắm tấm lưng trần chồng khom cuốc đất trồng mấy cây đu đủ. Đào cái hố cạn trồng cây chuối nàng tiên, cây con xin bên nhà hàng xóm. Hồi chồng mới đi học thì cây đu đủ trước sân nhà cao quá gối. Giờ nó cao bằng vai và đang ra hoa. Chuối nàng tiên cũng nhú bắp, quanh gốc mấy mầm chuối con chui lên khỏi mặt đất được hơn gang tay. Cây hoa hoàng yến trổ bông vàng mấy lượt.
Chồng đi học thì vợ cũng đi học. Danh sách quy hoạch cán bộ gồm năm người, trong đó có Lan Hương. Hiện tại, chị Mỹ Lệ đang trong thời gian nghỉ hậu sản. Những người còn lại bận bịu chăm con nhỏ. Nhân cơ hội này, Lan Hương muốn đi trước họ một bước, cô đăng ký học lớp quản lý, rồi học lớp trung cấp chính trị. Với Lan Hương, những tấm bằng đó là bùa hộ thân để sau này leo lên nấc thang danh vọng thuận lợi hơn mọi người.
2.
Chồng được phong hàm thăng chức thì Lan Hương cũng được bổ nhiệm làm hiệu phó chuyên môn. Người thân ai cũng mừng cho vợ chồng họ, đặc biệt bên gia đình chồng rất hãnh diện với xóm giềng và dòng họ của mình.
“Thu Hồng, Thu Nguyệt đã sanh đứa thứ hai rồi đó. Lan Hương tính hổng sanh sao mà ém bọng hoài vậy?”. Lan Hương cười: “Em xả bọng lâu rồi. Tại cá chưa về sông”. Các cô lớn tuổi khuyên: “Em đi Từ Dũ khám coi sao?”. “Từ từ rồi cháo cũng nhừ hà các cô”. Lan Hương trả lời hóm hỉnh rồi cười hắc hắc. Lan Hương dáng người mảnh mai, nhỏ nhắn, là nàng Út ống tre của thời hiện đại. Ở đâu có Lan Hương là ở đó vui nhộn. Lan Hương khuấy động bầu không khí trầm lắng, tạo tiếng cười cho mọi người nên ai cũng quý mến cô.
Lan Hương có cơ sở khẳng định mình không phải thuộc diện “hiếm muộn” như bà chị họ của mình.
Chị họ của Lan Hương lấy chồng ở tuổi ba tám. Cưới nhiều năm vẫn chưa có con. Chồng chị bực bội, luôn miệng cằn nhằn: “Cưới vợ không con như thùng lon thủng đít”. Chị ấy rất buồn. Ai mách thầy thuốc giỏi ở đâu chị đều tìm tới. Nghe đồn chùa miếu nào linh chị cũng đến cầu con. Chị đi hốt thuốc tận Đồng Nai, Bình Dương, An Giang…
Mang hy vọng đi tìm thầy thuốc, điều trị ròng năm năm trời vẫn không có kết quả, chị chán nản bỏ cuộc. Chồng chị phụ việc cho dịch vụ nấu ăn cô Tám. Anh bực bội nói với giọng cương quyết: Tui phụ việc xong cái đám cưới này tui sẽ ly hôn cô, tui cưới người phụ nữ “biết đẻ”.
Hôm đó, thu dọn rạp cưới, bàn ghế cho lên xe tải xong, anh đi xe máy về nhà thì bị tai nạn giao thông trên đường về, phải nhập viện. Mấy ngày nuôi chồng ở bệnh viện, chị thấy trong người không được khoẻ, sẵn tiện chị khám bệnh cho mình luôn. Bác sĩ cho biết chị không có bệnh gì, chỉ bị hành thai thôi.
Như người chết đuối vớ được phao cứu sinh, chị mừng quýnh vội báo tin vui cho chồng. Trong phòng bệnh đông người, chị nóng lòng thông báo từ ngoài cửa: “Mình có con rồi! Anh ơi! Mình có con rồi!”. Mọi người đổ dồn ánh mắt về phía chị. Như ống nước nghẹt được khai thông, chị sinh liền tù tì hai năm, hai thằng cu bụ bẫm giống cha như đúc. Từ đó, tính cộc cằn của anh chồng biến mất, thay vào đó là yêu chiều vợ hết mực.
Những năm gần đây, ngày càng nhiều người bị vô sinh. Có người lý giải rằng, là do thức ăn thịt cá, rau quả hiện nay toàn hoá chất: chăn nuôi thì dùng thuốc tăng trọng, rau quả thì dùng thuốc kích thích tăng trưởng, trái cây thì nhúng thuốc cho mau chín, cho có màu đẹp trái to dễ bán… không còn để chín tự nhiên như thời của ông bà ta trước đây.
Thế hệ ông bà của Lan Hương nhà nào cũng sanh nhiều con. Bà nội sanh mười người con. Bà ngoại sanh tám người con mà sanh dễ hơn gà. Cậu Tám và cậu Mười bị ngoại đẻ rớt. Chỉ còn hơn chục bước chân là tới nhà bảo sanh, hai ông cậu mừng quá chui tọt ra ngoài không cần đợi bà ngoại nằm lên bàn sanh.
Lan Hương nghe má kể, hồi thời đó nhà toàn nền đất. Con nít thả bò lê lết dưới đất cả ngày, cho mặc quần yếm, dưới đáy quần khét cái lỗ lớn. Chiều mới được người lớn tắm rửa kỳ cọ sạch sẽ, thay bộ đồ khác. Vậy mà đứa nào đứa nấy mạnh cùi cụi như trâu. Không như con nít thời nay, cha mẹ chăm kỹ, không cho đi chân đất, không cho nghịch đất, vậy mà hay bệnh.
Nhỏ Hồng lấy chồng đã hai năm chưa có con, nhân dịp dự lễ Động Kim Quang trên núi, các cô ai cũng lên chùa Bà lạy cầu xin điều này điều nọ. Hồng đi theo cho vui chứ không cầu xin gì cho mình. Thấy vậy, các cô xúi: “Mày vô lạy Bà đi! Xin Bà cho mày đứa con!”. Mấy tháng sau, Hồng mang thai.
Lan Hương không mê tín nhưng “xả bọng” mấy năm rồi mà cái bụng chưa rục rịch, lòng hơi dao động. Lan Hương đi chùa rồi lên núi lạy Bà, sang núi Cậu để cầu con. Lan Hương thầm mong đợi… như nước chảy bèo trôi vẫn không có “tin vui”.
- Tin vui! Tin vui! Cô Trinh đã sanh rồi! Hai công chúa.
Chủ tịch công đoàn thông báo, cả hội trường nhốn nháo, họ mừng cô Trinh may mắn, thụ tinh nhân tạo được đậu thai đôi. Đẻ một lần hai đứa là đủ chuẩn rồi. Không do dự nữa, Lan Hương quyết định ngày mai đi khám bệnh hiếm muộn.
Bác sĩ tư vấn cho biết muốn thụ tinh nhân tạo thì sức khoẻ cả hai vợ chồng phải thật tốt, giữ tinh thần thoải mái, đây là chặng đường dài tốn nhiều công sức và chi phí. Khoảng sáu mươi đến tám mươi triệu đồng cho một lần thụ tinh. Vì vậy, vợ chồng Lan Hương phải chuẩn bị kinh tế cho quá trình tìm con yêu. Về tài chính thì không đáng lo ngại, vì chồng Lan Hương là bộ đội nên được hưởng chế độ trợ cấp cho việc điều trị hiếm muộn.
3.
- Chà! Vợ chồng cô Lan Hương mua gì mà xách lỉnh kỉnh vậy?
- Dạ… tụi em mua đồ em bé.
Nhìn gương mặt rạng ngời của hai vợ chồng, anh Hoà biết hiện trong lòng họ vô cùng hạnh phúc và đếm thời gian mong mau đến ngày đứa con chào đời. Bởi vợ chồng anh đã từng ở vào tâm trạng như cậu học sinh biết mình có phần thưởng nhưng xếp hàng chờ mãi vẫn chưa nghe gọi đến tên. Mong đến sốt ruột.
Anh Hoà là hàng xóm, ở cạnh nhà Lan Hương. Vợ chồng anh Hoà kết hôn muộn ở tuổi ngoài bốn mươi. Họ khấn bốn phương trời, lạy mười phương phật mãi đến ba năm sau, Nhân ra đời trong sự hân hoan chào đón của ông bà nội, ngoại. Ba mẹ Nhân thì khỏi phải nói, họ vui còn hơn trúng số độc đắc.
Hú…hú…hú…Anh Hoà đi ăn cưới ở xóm trên, về gần tới nhà thì nghe tiếng còi hú vội vã phía sau lưng, anh đứng nép sát lề nhường đường cho xe cấp cứu chạy qua. Xe chạy thẳng hướng nhà mình. Ai bệnh vậy cà? Xung quanh nhà mình, người già nhất thì còn lại bà Sáu, đã tám mươi, hay đau bệnh. Bà Sáu mới xuất viện về hai bữa trước. Hổng lẽ… bà Sáu trở bệnh nữa?! Anh Hoà cảm thấy lo, linh tính như có điều không may xảy ra ở xóm mình.
Anh Hoà về tới nhà thì chiếc xe cấp cứu cũng vừa chạy đi. Anh hỏi vợ ai bệnh cấp cứu vậy? Cô Lan Hương! Anh bàng hoàng, sợ mình nghe nhầm, hỏi lại thêm lần nữa. Vợ đáp: “Cô Lan Hương bị sẩy thai. Tội nghiệp!”. “Mới nãy tui đi đám cưới, ra ngõ gặp cô chú nó đi sắm đồ cho con, rất vui vẻ, nhìn cô Lan Hương khoẻ lắm mà…”.
Sự việc đã qua một tuần. Mỗi khi nghĩ đến đứa con, Thạnh lại khóc. Khó khăn lắm ba mẹ mới có được con, vậy mà con đành bỏ ba mẹ mà đi. Híc! Híc!... Thụ tinh nhân tạo đến lần thứ ba mới thành công. Hai vợ chồng vui mừng biết bao. Hễ đi làm thì thôi. Vừa về đến nhà Thạnh đến ngay bên vợ nói giọng âu yếm: “Con của ba ở nhà có ngoan không nè? Có trông ba về không?”.
Vừa nói, tay Thạnh vừa xoa xoa cái bụng bầu của vợ. Lan Hương áp tai chồng vào bụng bầu, nói: “Con ngoan lắm ba ơi!”. Hai vợ chồng cười thích thú. Còn đúng một tuần nữa cái thai được sáu tháng. Hai vợ chồng an tâm cái thai ở vào giai đoạn an toàn. Nào ngờ…
Lan Hương nằm dưỡng bệnh trên giường, hướng mắt nhìn cây bàng bên ngoài qua ô cửa sổ phòng ngủ, những chiếc lá bàng cũng buồn theo chủ nên không chút lay động. Mấy ngày trước đây, ngồi trên ghế đá dưới gốc cây bàng, Lan Hương cùng chồng tìm cái tên đặt cho con. Cha tên Thạnh, siêu âm biết là con trai nên đặt tên con là Bình. Vẫn biết sản phụ không được quá đau buồn ảnh hưởng sức khoẻ, nhưng nhìn quần áo sắm cho con nằm trong ngăn tủ kính Lan Hương không ngăn được dòng nước mắt. Lan Hương bùi ngùi nhớ chuyện đã qua.
Mỗi lần họp hội đồng, giáo viên dẫn theo con nhỏ vô trường, nhìn chúng chạy lon ton chơi đùa trong sân, nỗi buồn xen lẫn nuối tiếc lại cựa quậy trong lòng Lan Hương. Giá như lúc đó mình giữ cái thai thì con mình đã có mặt trong sân chơi đùa với bọn trẻ con của giáo viên rồi.
Trước đây, Lan Hương đã một lần mang thai, nhưng đứa con xuất hiện không đúng lúc. Chồng ra Hà Nội học thời gian dài không thể chăm vợ lúc ốm nghén, lúc ở cữ… Lan Huơng cũng đang học lớp quản lý, rồi còn học trung cấp chính trị nên không thể để mang thai trong lúc này. Lan Hương thuyết phục chồng cho bỏ cái thai đi. Vợ còn trẻ mà, mai mốt muốn đẻ bao nhiêu mà chẳng được.
Tội nghiệp mầm thai được chín tuần tuổi phải “hy sinh” cho mẹ theo đuổi đường công danh. Cô Linh - em chồng của Lan Hương là con gà mái đẻ trứng sai, nhạy bầu hơn nam châm, loay hoay là dính bầu. Cô ấy sanh hai đứa nhưng nạo hút thai đến bốn lần. Còn Lan Hương sau lần bỏ cái thai ấy thì… cái bụng vẫn phẳng lì.
Giờ nghĩ lại Lan Hương thấy tiếc. Nếu được đi ngược thời gian về quá khứ thì Lan Hương sẽ chọn đứa con đứng thứ nhất, công danh đứng sau. Khi nhận ra đứa con là quan trọng nhất thì đã quá muộn!
Cơn gió từ đâu chạy ào qua cây bàng làm cho những chiếc lá lao xao lay động. Gió rút chiếc lá già màu vàng úa rời cành bàng, rồi quẳng chiếc lá gạch một đường chéo trên khoảng không rơi dần xuống đất. Nhìn lá bàng rơi, Lan Hương lẩm bẩm một mình: “Đứa con. Niềm hy vọng. Thế là hết!”. Nước mắt lăn dài…
P.T.T.A