Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đến với thơ hay
Như một bức tranh thơ
Chủ nhật: 08:47 ngày 17/06/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Bài thơ “Thơ ấu” là bức tranh đẹp, hoài niệm về cái tuổi thơ ngây và lung linh của tác giả khi còn ở quê nhà Trảng Bàng, Tây Ninh.

Ðoạn trích trên trong bài thơ dài “Thơ ấu” của nhà thơ Hồ Thi Ca (ảnh), in trong tập thơ “Thơ dưới vòm lá” được nhạc sĩ Trương Quang Lộc phổ nhạc thành ca khúc “Chim sáo xa rồi” năm 2001, được nhiều người ưa thích.

Anh cũng là tác giả bài thơ “Dấu chân phía trước” được nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn phổ nhạc và rất nổi tiếng hiện nay.

Bài thơ “Thơ ấu” là bức tranh đẹp, hoài niệm về cái tuổi thơ ngây và lung linh của tác giả khi còn ở quê nhà Trảng Bàng, Tây Ninh. Bức tranh ấy được nhà thơ miêu tả là “Thời anh hái cọng lá xanh đu đủ/ Hai đứa chụm đầu che chung/ “Bịt mắt bắt dê”, em ưa trốn sau gốc ổi/ Trái chín vàng chờ một dấu răng non”.

Ðó là tuổi nhỏ nhà quê. Mỗi khi đi nắng, hay trên đường đi học về, các cô cậu học trò thường hái một chùm lá cây, loại lá lớn như sen, súng hoặc đu đủ để “đội đầu”, che nắng và che chung cho người bạn đi cùng.

Ở đây là hình ảnh cụ thể của “hai đứa”- tác giả và cô bạn hàng xóm.

Người đọc sẽ bắt gặp tiếp những hình ảnh thật gần gũi, thân quen và dường như tuổi nhỏ ai cũng có: “Thời “chim bay cò bay” hồn trải khắp vườn/ Em bán quán, anh làm người đi chợ/ Tiền trả em: lá mồng tơi nho nhỏ/ Khách mua trầu rồi lại hỏi mua cau”; và rồi “Nội không cho chúng mình tắm sông sâu/ Mà dòng nước lại quá chừng quyến rũ/ Võng kẽo kẹt, hai đứa rình bà ngủ/ Nắng cháy da, ta lại mát cùng sông”.

Những câu thơ mộc mạc, giản dị, dẫn dắt người đọc quay về với thời niên thiếu, cùng các trò chơi “chim bay cò bay”, “bán quán”, và cả... trốn bà đi tắm sông.

Mạch thơ luôn quyến rũ, thôi thúc người đọc về những hoài niệm tuổi thơ bằng những hình ảnh quen thuộc tiếp theo: “Thời em ngồi hong tóc ở đầu sân/ Hoa cau rụng vướng vào, hương ở lại/ Tóc thì đen hoa cau thơm mềm mại/ Anh nghịch thầm đi lượm rắc lên thêm”, rồi đây nữa “Một bóng trăng đậu lại ở bên thềm/ Soi nhân vật chuyện cổ bà đang kể/ Em ngủ gật giống trăng quá thể/ Kề vai anh, mọc vầng sáng hoang đường”.

Nhân vật trữ tình, hình ảnh “em” trong bài thơ như một dấu ấn khó phai mờ trong ký ức, bởi người thơ thì luôn bảng lảng một tình cảm xa xăm, mơ hồ, còn em thì... hình như đã biết đỏm dáng, nhận thức được mình đang... làm đẹp. “Thời hai đứa đi học cũng chung đường/ Hoa móng tay em gắn hồng mười ngón/ Anh khát nước, xuống ruộng dưa hái trộm/ Vị ngọt ngào mát lịm suốt đường xa”, và cái anh chàng nhà thơ thì vẫn... hồn nhiên, ngây thơ quá đỗi, xuống “ruộng dưa hái trộm” để mà “ngọt ngào mát lịm suốt đường xa”.

Song điều nhận biết thì đã... rất riêng tư, chung chiêng thành kỷ niệm một đời của cả hai: “Cái thời mà tiếng dế cũng của ta/ Cánh diều cao nhưng chẳng ngoài tầm với/ Con hạc đình làng bằng gỗ mà biết nói/ Chiếc mo cau che nắng hoá lâu đài”.

Hiện thực xen lẫn ước mơ, lãng mạn nhưng cũng thật gần gũi với những mơ ước và dự cảm “Cái thời mà ngày ngắn cũng như đêm dài/ Những giấc mơ cứ hiện hình cụ thể/ Con bướm chết, đám tang buồn đến thế/ Mình thắp nhang cho hồn bướm mơ tiên...”. Những câu thơ man mác, hoài niệm nhưng cũng rất mượt mà, quen thuộc.

CHÍNH VŨ

Tin cùng chuyên mục