Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Như một lời tri âm
Thứ hai: 15:57 ngày 01/04/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Sáng chủ nhật ngay cuối tháng 3.2024, Bàn Dân vừa bước vào quán cà phê, đã nghe thật rôm rả nhiều giọng nói bạn đọc thân quen thường xuyên “tám” với mình đủ thứ chuyện trên đời:

-Hôm nay các ông bàn tán chuyện gì mà nghe sôi nổi dữ?

Một cánh tay đưa ra kéo Bàn Dân:

-Ngồi xuống đi đã. Câu chuyện hôm nay còn gì sốt dẻo hơn là sự kiện rất nhiều đài truyền hình trong nước phát sóng trực tiếp, cũng như không ít kênh truyền thông xã hội trên mạng internet chuyển phát lại, vừa diễn ra tại quảng trường Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen tối hôm qua. Đó là chương trình văn nghệ “Tây Ninh- Khúc hát tự hào” do Báo Nhân Dân phối hợp cùng tỉnh mình tổ chức. Một chương trình do Báo Đảng Trung ương và lãnh đạo tỉnh mình cùng tổ chức, nhứt định là rất có ý nghĩa, ông nhà báo có nắm được nói tụi tôi nghe đi?  

-Bàn Dân cũng như mấy ông, sức “lão nhược” đâu có chen chúc lên núi nổi, phải xem qua màn hình ti-vi thôi. Qua lời giới thiệu của người dẫn chương trình, Bàn Dân biết được đây là chương trình nghệ thuật chính luận lần đầu tiên được tổ chức tại Tây Ninh, là lời tri ân sâu sắc, lời hứa danh dự không phút nào quên đối với sự hy sinh đóng góp to lớn của đồng bào, đồng chí, của đất và người Tây Ninh trong cuộc kháng chiến trường kỳ giành lấy độc lập, tự do, hạnh phúc cho dân tộc. Chương trình này cũng là sự kiện nhằm tôn vinh truyền thống cách mạng của dân và quân ta nói chung, dân và quân của Tây Ninh nói riêng trong đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như xây dựng và phát triển đất nước hiện nay, hướng tới kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.1975 - 30.4.2024. Mấy ông hỏi rồi, giờ cho phép Bàn Dân “phỏng vấn” lại nghen. Xem xong chương trình, mấy ông có ấn tượng gì không, ấn tượng như thế nào? Ông này nói trước đi…

-À… Tôi ấn tượng nhứt là nội dung chương trình rất đặc sắc, sắp xếp trình tự các tiết mục rất hợp lý, thu hút, dẫn dắt khán giả đi từ quá khứ chiến đấu gian khổ mà vinh quang đến công cuộc kiến thiết, phát triển đất nước quê hương hiện nay. Nội dung là vậy, hình thức thể hiện cũng rất “lô-gic”. Mở màn là những tiết mục truyền thống với các ca khúc đã “đóng đinh” trong lòng người nghe, nhứt là người nghe là dân Tây Ninh vì được sáng tác bởi người Tây Ninh, viết tại Tây Ninh, hoặc viết về Tây Ninh như các bài Lên ngàn, Xuân chiến khu, Vàm Cỏ Đông, Tự nguyện, Về thăm Tây Ninh quê em, các làn điệu dân ca, dân vũ các dân tộc ở Tây Ninh… Rồi đến phần hai là những ca khúc mới với giai điệu hiện đại đề cập đến công cuộc xây dựng phát triển hiện nay cũng hết sức hấp dẫn, lớp già như mình khó “cảm” nổi loại nhạc Rap mà cũng nghe nôn nao, xao động, nói gì lớp trẻ. Đại khái cảm nhận của tôi về chương trình đêm qua là như vậy, còn các ông có ấn tượng gì nói thêm đi.

-Tôi cũng đồng ý là các ca khúc kháng chiến sau này mình ít có dịp nghe, nay được nghe lại khiến mình cảm thấy như sống lại “thời oanh liệt xưa”, tự hào hết sức. Nhưng phải nói là ấn tượng của tôi là những ca khúc, chắc là được các tác giả người Tây Ninh mình viết đã lâu, nhưng mình chưa có dịp nghe, nay mới được nghe, được biết…

-Là những bài gì thế?

-Đó là bản nhạc Về giữa đôi dòng sông vàng, của tác giả Vân An và bài vọng cổ của soạn giả Thanh Hiền. Ban đầu nghe tên tác giả Vân An, tôi có hơi ngờ ngợ, đến khi nghe rõ từng lời do ca sĩ Đức Tuấn trình bày, tôi mới khẳng định, đúng là nhà văn Vân An của tỉnh mình rồi. Vì bản nhạc nói đến hai dòng sông kẹp hai bên tỉnh mình là sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ Đông mà “Bác Bảy Vân An” gọi là hai “dòng sông vàng”. Lời lẽ bản nhạc rất chính luận lại đúng y “gan ruột” của dân Tây Ninh mình. Mà, Tây Ninh mình làm gì có hai người nổi tiếng tên là Vân An. Còn bài Bông huệ đỏ của ông Thanh Hiền thì viết về nữ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Bé. Qua bài vọng cổ “mượt mà mà sắc cạnh”, giới trẻ mới được hiểu rõ về sự tích của vị nữ anh hùng “quyết tử giữ Gò Dầu” này. Ông nhà báo hỏi thăm “ấn tượng” của tụi tôi rồi, còn ấn tượng của ông thì sao?

-Bàn Dân hoàn toàn đồng thuận về cảm nhận của mấy ông. Nhưng phải nói Bàn Dân lại tâm đắc nhất là bài phát biểu khai mạc chương trình của ông Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam - Tổng biên tập Báo Nhân dân. Ông ấy nói cứ như là chính người Tây Ninh mình. Sau khi điểm qua chuỗi dài truyền thống kháng chiến và xây dựng quê hương của dân mình, ông ấy nhắc lại lời của đồng chí Lê Thị Bân- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh nói về sự hy sinh, cống hiến của quân, dân Tây Ninh để bảo vệ an toàn cho Trung ương Cục miền Nam, đóng tại Tây Ninh suốt hai thời kỳ kháng chiến. Chính xác là câu nói: “Người dân Tây Ninh cơm ăn chưa no, áo mặc chưa ấm nhưng quyết không để cán bộ chiến sĩ ở căn cứ ăn đói, mặc rách. Đó là phương châm, là hành động xuất phát từ trái tim và trách nhiệm của quân dân trong tỉnh”.

Các ông thấy, nếu không phải là người “tri âm, tri kỷ”, có ai nhắc lại được câu ấy không?!

Bàn Dân

Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh