Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hiện nay, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang có chiều hướng gia tăng. Vấn đề cấp thiết là tìm ra giải pháp phòng ngừa và bảo vệ trẻ em, ngăn chặn, chấm dứt vấn nạn này.
Trường TH Tôn Thất Tùng (TP. Tây Ninh) giảng dạy, tuyên truyền về vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đến từng học sinh.
NĂM 2017 XẢY RA 54 VỤ XÂM HẠI
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), trong năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 54 vụ xâm hại với 59 đối tượng gây án, trong đó có 52 em bị xâm hại tình dục (thường nằm ở độ tuổi từ 6 đến dưới 16 tuổi), không có trường hợp xâm hại trẻ dưới 6 tuổi.
Các vụ án xâm hại đều được xử lý, khởi tố theo đúng quy định pháp luật, trong tổng số 54, vụ đã khởi tố 48 vụ, không khởi tố 4 vụ (do không đủ yếu tố cấu thành tội phạm), xử lý khác (tạm ngừng điều tra, chờ giám định ADN) 2 vụ.
Đại diện Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh đánh giá, các vụ xâm hại trẻ em chủ yếu là hành vi giao cấu, hiếp dâm, dâm ô. Khi có đơn phát hiện hay tố cáo, cơ quan chức năng sẽ lập tức vào cuộc, điều tra và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.
Đơn cử như trường hợp của em D (sinh năm 2003) quen biết với N.Q.T (sinh năm 1996, cùng ngụ xã Bình Minh, TP. Tây Ninh). Vào tháng 3.2017, T rủ em D đến nhà bà ngoại của T chơi. Tại đây, T đã quan hệ tình dục với D. Về sau, T tiếp tục quan hệ tình dục với em D nhiều lần.
Đến khoảng đầu tháng 8.2017, gia đình em D phát hiện, làm đơn tố cáo hành vi của T. TAND huyện Châu Thành đã xét xử và tuyên phạt bị cáo N.Q.T 4 năm tù giam về tội “Giao cấu với trẻ em”.
Có thể nói, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục được cơ quan chức năng xử lý vẫn còn khá ít. Nhiều trường hợp phụ huynh vì lo ngại, sợ ảnh hưởng đến con cái nên không tố cáo, che giấu hay xem nhẹ sự việc, cho qua. Chính nhận thức sai lầm ấy đã khiến nhiều vụ xâm hại bị bỏ lọt, tạo cơ hội cho bọn tội phạm ngang nhiên thực hiện hành vi suy đồi đạo đức.
NGUYÊN NHÂN DO ĐÂU?
Nói về nguyên nhân dẫn đến nạn xâm hại tình dục trẻ em, thầy Nguyễn Minh Tâm- Bí thư Đoàn trường THPT Hoàng Văn Thụ, huyện Châu Thành nhận định, khoa học công nghệ phát triển, giới trẻ dễ dàng tiếp xúc với nhiều loại văn hoá phẩm đồi truỵ, cập nhật thông tin thiếu chọn lọc dẫn đến ảnh hưởng tâm sinh lý, thậm chí xuất hiện một số thành phần biến thái, thích dâm ô với trẻ em, mà thuật ngữ gọi là “ấu dâm”.
Bên cạnh đó, nguyên nhân có thể xuất phát từ phía người bị hại như trẻ em còn thiếu nhận thức nên bị lạm dụng tình dục, hay dễ dãi trong các mối quan hệ, dễ bị bọn xấu lôi kéo, dụ dỗ. Ngoài ra, có nhiều trường hợp người lớn thiếu tế nhị trong việc thể hiện tình cảm vợ chồng trước mặt trẻ nhỏ, vô tình khiến trẻ có nhận thức sai lầm, xem nhẹ vấn đề quan hệ tình dục.
Một cán bộ Sở LĐ-TB&XH đánh giá, do gánh nặng mưu sinh và ý thức kém, một số phụ huynh thiếu quan tâm đến con cái. Các đối tượng xâm hại trẻ em thường là người thân, quen, dễ dàng lấy được lòng tin từ trẻ. Nhiều trường hợp phạm tội xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, nên rất khó phát hiện.
Đồng quan điểm với cán bộ ngành chức năng, cô Phạm Thị Xinh- Tổng phụ trách Đội Trường TH Tôn Thất Tùng cho hay, nhiều bậc cha mẹ có suy nghĩ sai lầm về vấn đề giáo dục giới tính cho con cái. Họ còn e ngại, không muốn dạy cho trẻ về những bộ phận nào trên cơ thể mà người khác không được động vào, khiến trẻ thiếu hiểu biết, không có kỹ năng phòng tránh, tự vệ hay phản kháng trước các hành vi bị lạm dụng.
CẦN CÓ GIẢI PHÁP HIỆU QUẢ
Biểu diễn tiểu phẩm về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.
Xác định vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngay từ đầu năm, Trường tiểu học Tôn Thất Tùng (TP. Tây Ninh) đã lên kế hoạch giảng dạy, tuyên truyền về vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đến từng giáo viên và học sinh.
Đồng thời, vừa qua, trường cũng đã tổ chức thành công diễn đàn về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, nhiều vở kịch được xây dựng dựa trên các tình huống thường gặp, được chính học sinh diễn xuất. Qua đó, nhà trường hy vọng học sinh có thể tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân.
Sắp tới, trường sẽ tiếp tục tuyên truyền về vấn nạn xâm hại tình dục cho học sinh thông qua nhiều hình thức mới, như tổ chức cuộc thi hùng biện về tình trạng bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em; lập hộp thư kín để các em viết những tâm sự, điều khó nói hay chưa hiểu.
Qua đó, giáo viên có thể nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em để có hướng giải quyết tốt hơn. Trường cũng sẽ chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng phối hợp tuyên truyền để học sinh hiểu rõ hơn những vấn đề xoay quanh vấn nạn này.
Đại diện Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết, hằng năm, nhà trường đều phối hợp với Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản tỉnh tổ chức các diễn đàn tuyên truyền cho học sinh về sức khoẻ sinh sản, tâm sinh lý của giới trẻ cũng như quyền lợi của phụ nữ và trẻ em…
Đồng thời, việc tuyên truyền về vấn nạn bạo hành, xâm hại tình dục trẻ em còn được lồng ghép, tích hợp vào môn Giáo dục công dân, hoạt động ngoại khoá, công tác Đoàn và các môn học khác để giáo dục tư tưởng, văn hoá và nâng cao nhận thức cho học sinh trước tác động của xã hội hiện nay.
Tuy nhiên, đa phần học sinh thường xem nhẹ, có tâm lý chủ quan và không mấy quan tâm về vấn đề này. Ngoài ra, đối với công tác chuyên môn, lượng kiến thức cần phải truyền tải rất lớn, nhưng thời gian lại khá hạn chế, nên việc tuyên truyền, giáo dục về vấn đề xâm hại tình dục trẻ em không thể tổ chức thường xuyên.
Dựa trên kế hoạch Chương trình mục tiêu bảo vệ trẻ em và đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật, trong năm 2017, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45) thuộc Công an tỉnh đã tổ chức 6 buổi tuyên truyền kiến thức pháp luật hình sự phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên tại các trường học, trụ sở chính quyền địa phương với hơn 1.700 người tham dự.
Trong năm 2018, Phòng PC45 sẽ tiếp tục tập trung lực lượng điều tra khám phá các vụ án xâm hại trẻ em, phối hợp với Viện Kiểm sát, Toà án nhân dân các cấp lựa chọn các vụ án điểm đưa ra xét xử công khai nhằm răn đe, giáo dục phòng ngừa chung...
Cũng trong năm 2018, Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về Luật Trẻ em năm 2016, Nghị định số 56/2017/NĐ-CP, ngày 9.5.2017 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em và các văn bản pháp luật có liên quan đến Luật Trẻ em tới các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người dân; đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền, các bậc phụ huynh, thầy cô giáo và người dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đồng thời, tăng cường truyền thông về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để mọi người liên hệ miễn phí khi tìm kiếm thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Thiết lập đầu mối tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em tại địa phương.
Hy vọng, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ có những chế tài mạnh hơn, đủ sức răn đe, xử lý những hành vi suy đồi đạo đức.
PHƯƠNG THẢO - THIÊN DI